Bộ trưởng GTVT: Phải xử lý kỷ luật những ai để xảy ra sự cố hàng không
VOV.VN - An toàn hàng không là trên hết, vấn đề doanh thu, lợi nhuận phải đứng sau, toàn bộ các chuyến bay trước khi khởi hành phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Ngày 27/12, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã triệu tập cuộc họp đột xuất với các đơn vị liên quan sau hàng loạt sự cố hàng không mới đây, trong đó có trường hợp máy bay của Vietjet hạ cánh nhầm xuống đường băng chưa khai thác của sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa).
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, an toàn hàng không là trên hết, vấn đề doanh thu, lợi nhuận phải đứng sau, toàn bộ các chuyến bay trước khi khởi hành phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. |
Thừa nhận vấn đề an ninh hàng không đang rất nóng, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) phải kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ đội ngũ phi công của tất cả các hãng hàng không nội địa hiện nay bởi yếu tố con người là rất quan trọng, quyết định đến an toàn bay.
“Tổ bay thấy đường băng bên cạnh rộng rãi nên hạ xuống”
Liên quan đến sự việc hạ cánh nhầm đường băng ở Cam Ranh và tàu bay Vietjet Air rơi bánh ở sân bay Buôn Ma Thuột vừa qua, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục HKVN cho biết, khi tàu bay Vietjet vừa cất cánh thì có cảnh báo sụt giảm áp suất càng trước, tổ lái đã xin hạ cánh.
Theo ông Thắng, trong quá trình hạ cánh, lái chính người Philippines (11.000 giờ bay) quá chú trọng tới tình trạng càng trong khi lái phụ (người Việt) đang thực hiện thao tác thả càng. Vì thế lái chính đã mất tập trung, lệch hướng hạ cánh khi tiếp cận đường băng.
“Không lưu phát hiện và đã nhắc lái chính hướng tiếp cận, tuy nhiên, tổ lái không điều chỉnh kịp và hạ vào đường băng xây dựng xong chưa khai thác. Qua làm việc với tổ bay, lái chính cho biết lúc đó thấy đường băng bên cạnh cũng rộng rãi nên hạ xuống đó”, ông Thắng nói.
Trong trường hợp này, theo đánh giá của ông Thắng, phương án tốt nhất tổ bay nên bay về Tân Sơn Nhất vì cách nhau không quá xa, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng lại tốt hơn.
Tuy vậy, ông Thắng cũng cho rằng, đường băng này do chưa đưa vào khai thác nên chưa đánh dấu ký hiệu, chưa có hệ thống đèn bật dẫn đường.
Đặc biệt, kiểm soát viên không lưu do phát hiện có vấn đề trong quá trình hạ cánh lại của tàu bay, đã hai lần nhắc lại tổ lái hỏi, nhưng tổ lái đều khẳng định chuẩn.
“Trong trường hợp này, lỗi hoàn toàn thuộc về tổ lái, nhận định tình huống không chuẩn và xử lý tình huống chưa tốt. Lỗi này hoàn toàn khác với lỗi tổ lái tàu bay của Vietnam Airlines cũng hạ cánh nhầm đường băng Cam Ranh vào cuối tháng Tư vừa qua”, Cục trưởng Cục HKVN đánh giá.
Về nguyên nhân vụ máy bay Vietjet bị văng 2 bánh trước ở sân bay Buôn Ma Thuột sự cố xảy ra khi tiếp đất. Cụ thể là bánh mũi (bánh trước) tiếp đất trước trong khi thiết kế của máy bay không cho bánh mũi tiếp đất trước mà là bánh sau.
Theo ông Thắng, hiện Cục HKVN đang chờ thêm kết luận của cơ quan điều tra sự cố hàng không châu Âu nhưng cơ bản nhận định, phi công tiếp đất có lỗi khi ngắt hệ thống lái tự động hơi sớm.
“Về quy trình không sai nhưng trong điều kiện kỹ thuật bình thường không nên tắt sớm. Trường hợp này có thể kéo lái, thoát lên để bay lại nhưng tổ bay không xử lý được vấn đề này”, người đứng đầu ngành hàng không nói.
Phi công hạ cánh nhầm yếu kém nghiệp vụ, trình độ
Khẳng định đường băng chưa được đưa vào khai thác mà vẫn cho máy bay đáp xuống là sai, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đặt nghi vấn có phải do phi công đã bị sa thải ở các hãng hàng không nước ngoài sau đó về Việt Nam lái hay không?
“Phi công quá kém về nghiệp vụ, trình độ. Kiểm soát viên không lưu đã hai lần nhắc hỏi lại mà vẫn khẳng định đúng. Bộ yêu cầu Cục Hàng không phải kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ đội ngũ phi công của tất cả các hãng hàng không nội địa hiện nay bởi yếu tố con người là rất quan trọng, quyết định đến an toàn bay,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận.
Theo Bộ trưởng, vấn đề an ninh hàng không đang rất nóng. Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và các hãng có trách nhiệm đảm bảo an toàn hàng không tuyệt đối cho nhân dân.
“Tất cả phải lấy an toàn hàng không làm trên hết. Những vấn đề khác như doanh thu, lợi nhuận phải đứng sau, toàn bộ các chuyến bay trước khi khởi hành phải đảm bảo an toàn tuyệt đối”, ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Bộ trưởng giao Cục HKVN phải rà soát lại chất lượng máy bay (kể cả tàu mua và tàu thuê); kiểm tra lại lực lượng phi công, nhất là phi công nước ngoài. Phi công Việt Nam hiểu rõ địa hình nhưng phi công nước ngoài thì không hiểu rõ, dẫn đến hiểu lầm.
“Như tại Cam Ranh, đường băng chưa có tín hiệu sao máy bay lại đáp? Những phi công bay tới Cam Ranh phải đáp ứng các yêu cầu riêng, đặc thù riêng của sân bay. Đào tạo mô phỏng như nhau sao xử lý của phi công lại có vấn đề, lại đều rơi vào phi công nước ngoài”, Bộ trưởng Thể gay gắt chỉ trích.
Khẳng định an toàn hàng không phải được đặt lên trên hết, Bộ trưởng cho rằng, hàng không giá rẻ thời gian quay vòng máy bay ngắn (khoảng 30 phút kiểm tra kỹ thuật, đón khách, giao thức ăn...) và Cục Hàng không phải kiểm tra lại thời gian quay đầu, không “chiều” theo hãng hàng không, phải đặt tính mạng người dân lên đầu. Để xảy ra tai nạn, thiệt mạng phải đền bù, không ai đi nữa là phá sản.
“Tất cả các sự cố xảy ra gần đây sớm phải có kết luận cuối cùng công bố rộng rãi, công khai cho người dân giám sát, chọn lựa, hãng nào có sự cố thì không đi. Sự cố nào cũng phải công bố nguyên nhân, có xử lý kỷ luật với các đối tượng có liên quan”, ông Nguyễn Văn Thể nói.
Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục hàng không và các hãng hàng không trong dịp Tết này phải giảm việc chậm huỷ chuyến, hãng nào vi phạm nhiều phải thu hồi slot, giao cho hãng làm tốt, hành khách phải được đối xử tôn trọng. Đường bay nào vi phạm nhiều phải bị thu hồi, phải làm chặt để các hãng đều phải đúng giờ, làm nghiêm để người dân được đối xử công bằng.
“Cục Hàng không cần có chỉ thị cho các hãng khác tổng kiểm tra lại để vận hành cho tốt, không được để xảy ra tai nạn, tăng cường biện pháp lấy an toàn làm hàng đầu, giảm chuyến bay giờ cao điểm, tăng chuyến bay thấp điểm, hài hoà hoạt động của các sân bay”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo./.