Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải trình vấn đề “nóng” trong nông nghiệp
VOV.VN - Bộ trưởng NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường đã giải trình nhiều vấn đề trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Tại phiên thảo luận sáng 1/11 ở hội trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Nguyễn Xuân Cường đã giải trình nhiều vấn đề trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Việt Nam phải xác định những sản phẩm thế mạnh
Việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu và cơ chế thị trường đang được Bộ NN&PTNN tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, có hai vấn đề là tính thích ứng biến đổi khí hậu và thị trường.
Trong 2 năm qua, biến đổi khí hậu cực đoan, gay gắt hơn, có nhiều dị thường hơn gây tổn thất nghiêm trọng đến đời sống kinh tế xã hội. Vì vậy, trong tái cơ cấu nông nghiệp phải coi đây là nguyên tắc cơ bản để làm, kể cả quy mô ngành hàng quốc gia, địa phương.
Sức sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay không chỉ thoả mãn nhu cầu trong nước mà còn xuất đi 180 nước với 30 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2016; dự kiến năm 2017 là 35 tỷ USD. Như vậy, chúng ta đã có nền kinh tế mở về nông nghiệp, phải chấp nhận hàng hoá nông sản bên ngoài vào.
Vì vậy, Việt Nam phải xác định những sản phẩm lựa chọn mang tính thế mạnh có giá thành phù hợp, có thể cạnh tranh về chất lượng. Đây là 2 nguyên tắc mang tính cơ bản; nếu tập trung quyết liệt, chúng ta sẽ làm được.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Xuân Cường giải trình trước Quốc hội sáng 1/11 (ảnh: Quang Vinh) |
Trong biến đổi khí hậu có những dư địa mới mà nếu biết tận dụng có thể đưa ra những sản phẩm phù hợp mang tính chất lợi ích cạnh tranh. Ví dụ như Đồng bằng sông Cửu Long trước đây tập trung vào vựa nông sản lúa gạo, thuỷ sản, trái cây thì nay chuyển sang thuỷ sản, trái cây và lúa gạo. Vì nước biển dâng, thượng nguồn thay đổi, quy luật dòng chảy thay đổi nhưng vẫn dựa trên nền tảng là nước thì phải lựa chọn đối tượng thích ứng nhất với biến động mới. Vì vậy, thuỷ sản là lựa chọn hàng đầu.
Trên thị trường thế giới, nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản tăng 5-7%. Chúng ta lựa chọn tôm và cá tra là hai con điển hình. Riêng tôm, thế giới có 7 tỷ người, mỗi người ăn 1 kg tôm/năm thì nhu cầu của thế giới là 7 triệu tấn tôm/năm. Trong khi hiện nay mới có 5 triệu tấn cung ứng ra thị trường nên còn một khoảng cách rất lớn so với nhu cầu.
Vừa qua, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng ngành hàng thành ngành chủ lực đến 2025 phấn đấu thành ngành hàng có giá trị 8-10 tỷ USD. Điều này hoàn toàn có cơ sở và đây là sự lựa chọn với các vùng miền.
Bộ trưởng NN&PTNN cho rằng, từ những tác động của biến đổi khí hậu, nếu biết cách lựa chọn đúng đối tượng sản xuất thì chắc chắn vẫn thành công trong tái cơ cấu. Vừa qua, trong chương trình tái cơ cấu chung có 3 chủ sản phẩm. Đầu tiên là chủ sản phẩm quốc gia, 10 sản phẩm hiện có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đang rà soát lại tập trung vào những khâu yếu nhất ở chuỗi sản xuất đó.
Ví dụ như ở con cá tra, chỉ có 5.000 ha nuôi cho ra 1,3 triệu tấn. Hiện giống chưa tốt, chế biến chưa nhiều phải tập trung. Khi vào nhóm sản phẩm quốc gia, những gì đang vướng mắc phải dồn sức giải quyết.
Ngành Nông nghiệp nhận được sự quan tâm của cả hệ thống
Về sản phẩm cấp tỉnh lựa chọn mang tính đặc sản, chất quy mô sản xuất hàng hóa lớn của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ở đâu cũng có sản phẩm như: soài Cao Lãnh, rau, hoa Đà Lạt, nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong...
Điển hình như tỉnh Bắc Giang mới có 3 sản phẩm chính chủ lực của tỉnh. Đó là vải thiều 20.000 ha đã có giá trị sản lượng 50.000 tỷ đồng, riêng đàn gà đồi Yên Thế 15 triệu con có giá trị 1.400 tỷ đồng, na của Lục Nam hơn 3000 ha gần 1000 tỷ đồng. Như vậy, riêng một tỉnh lựa chọn đúng ngành hàng mang tính chất quy mô của tỉnh đã có giá trị 6.000-7.000 tỷ đồng (tức gần 500 triệu USD).
Bắc Giang phấn đấu thời gian ngắn tới đưa giá trị tăng gấp đôi của những ngành hàng quy mô cấp tỉnh.
“Hiện nay, chúng ta đang tập trung là mỗi làng một sản phẩm. Mỗi khu vực lân cận các xã có đặc thù, đặc sản riêng nên việc lựa chọn sản phẩm mang tính địa phương, tổ chức ngành hàng cũng theo quy trình sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao nhưng quy mô mang tính chất đặc sản.
Vừa qua, Quảng Ninh làm OCOP rất tốt. Riêng Quảng Ninh đến nay đã thành lập được 198 doanh nghiệp và hợp tác từ người dân làm mô hình OCOP, đưa ra 290 sản phẩm; trong đó có 85 sản phẩm đạt cấp độ 5 sao xuất khẩu được.
Như vậy, cùng lúc 3 trục sản phẩm: Quốc gia, cấp tỉnh, chương trình OCOP, chúng ta áp dụng công nghệ cao, lựa chọn đối tượng phù hợp thích ứng biến đổi khí hậu, có tín hiệu thị trường tốt, tổ chức ngành hàng thì tái cơ cấu nông nghiệp sẽ đi bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Bộ NN&PTNN rất vui mừng là chưa bao giờ nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, các thành phần kinh tế đến nông nghiệp như giai đoạn hiện nay.
Tổng Bí thư đi đến các chương trình làm việc ở nước ngoài đều đề xuất phát triển về nông nghiệp, Chủ tịch nước trong ngày mùng 6 Tết dự lễ hội Tịch Điền, Chủ tịch Quốc hội lên Lạng Sơn thúc đẩy vùng trồng ớt xuất khẩu của hợp tác xã, còn đồng chí Thủ tướng Chính phủ dự bất kỳ diễn đàn nào cũng đề xuất đến nông nghiệp công nghệ cao, tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn…
Các Bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố đều quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông thôn như hiện nay và đều trực tiếp chỉ đạo.
Đặc biệt là hiện nay, lực lượng doanh nghiệp lớn rất quan tâm đến nông nghiệp, các ngành hàng lớn đều có doanh nghiệp tham gia. Năm nay, có những doanh nghiệp xuất khẩu tới 670 triệu USD, có 2 nữ tướng rất giỏi về ngành sữa được xếp thứ hạng trên thế giới và châu Á. Còn bà con nông dân rất sáng tạo, cần cù...
“Cả hệ thống vào cuộc tạo nên sức mạnh tổng quát. Vì thế, nhiều đại biểu quốc tế tham dự các hội thảo đều ngạc nhiên là đất nước nhỏ như Việt Nam, thiên tai như vậy mà vẫn sản xuất lớn như vậy, xuất khẩu như thế.
Trong 4 kỳ họp Quốc hội, không khi nào ngành Nông nghiệp không nhận được ý kiến đóng góp. Đây cũng là sự quan tâm rất tốt”, Bộ trưởng NN &PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh./.