Bộ trưởng Thăng: Cần cách mạng khâu bán vé tàu
(VOV) -Cần phải thay đổi tư duy về phát triển đường sắt và một cuộc "cách mạng" thay đổi Đường sắt Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có bài phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vào chiều 9/1.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành đường sắt còn thấp, năng suất lao động chưa cao. Thị phần vận tải đường sắt ngày càng bị thu hẹp, trong khi Đường sắt Việt Nam quản lý nguồn vốn lớn, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Vì vậy, cần phải thay đổi tư duy về phát triển đường sắt và một cuộc "cách mạng" thay đổi Đường sắt Việt Nam.
Ngành đường sắt phải điều chỉnh chiến lược phát triển Đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; hiện đại hóa đường sắt trên cơ sở các tuyến đường sắt hiện có để chạy tàu khách đạt tốc độ 80-90km/h, tàu hàng 50-60km/h.
Bộ trưởng yêu cầu Đường sắt Việt Nam phải cải tiến công tác bán vé, nhất là vé tàu Tết. “Cần chấm dứt chuyện năm nào cũng để nhân dân phàn nàn và Chính phủ phê bình về công tác bán vé của ngành. Đã đến lúc phải thực hiện cuộc cách mạng trong khâu tổ chức bán vé,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành nâng cao thị phần vận tải, nâng cao chất lượng phục vụ. “Việc rút hành trình tàu Thống nhất xuống 1-2 giờ chưa có ý nghĩa nhiều trong bối cảnh hiện nay. Mục tiêu an toàn, đúng giờ, chất lượng dịch vụ tốt cần ưu tiên hàng đầu.”
Năm nay, Đường sắt Việt Nam đề ra chỉ tiêu doanh thu tăng 8% trở lên, thu nhập bình quân tăng 10%, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách, bảo đảm việc làm người lao động. Đối với tai nạn giao thông đường sắt, phấn đấu giảm ít nhất 7% so với cùng kỳ năm trước về cả ba tiêu chí; bảo đảm tỷ lệ tàu khách đi đúng giờ đạt 99%, đến đúng giờ 75% trở lên.
Cùng với đó, ngành tăng cường các hình thức kiểm tra đột xuất vào ban đêm, ngày nghỉ cuối tuần, dịp lễ, Tết; rà soát đội ngũ nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu; xây dựng giá cước linh hoạt, phù hợp từng mác tàu, khu đoạn, tuyến đường và mùa vụ nhằm thu hút hành khách…
Năm 2012, tổng sản lượng ngành đường sắt đạt trên 10.000 tỷ đồng, tăng gần 9%; doanh thu đạt khoảng 10.500 tỷ đồng, tăng 7,9% so với năm 2011. Đặc biệt, năm qua an toàn giao thông đường sắt giảm cả ba tiêu chí về số vụ tai nạn, số người bị chết và số người bị thương. Trong đó, số vụ tai nạn giảm 10%; số người bị chết giảm gần 18%, số người bị thương giảm 10,5%./.