Bộ trưởng Y tế: Lấp kẽ hở trong quản lý giá thuốc

(VOV) -Muốn quản lý được giá thuốc phải tách bạch người sản xuất, quản lý ngành và quản lý giá.

Tiếp tục phiên chất vấn, chiều 13/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đăng đàn trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. 

Giá thuốc chênh lệch cao do đâu?

Đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, giá thuốc dù đã qua đấu thầu nhưng thực tế vẫn có chuyện đắt hơn giá thị trường. Thực trạng trên do thuốc lòng vòng qua các khâu trung gian, các hãng dược bắt tay thầy thuốc, giá đấu thầu cao hơn giá bán công khai…

Lý giải nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, cơ bản do quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, trong đó có kẻ hở ngay trong Thông tư 10 từ năm 2007.

Theo đó, thuốc không được chia theo nguồn gốc sản xuất, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật; hướng dẫn về hồ sơ mời thầu không rõ; không quy định giá đấu thầu thấp hơn giá kê khai của các hãng. Đây là những nguyên nhân cơ bản.

Một nguyên nhân cũng rất quan trọng, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là sự bất cập khi ngành y tế vừa là quản lý xuất nhập khẩu thuốc, kê đơn chữa bệnh nhưng cũng là cơ quan niêm yết giá dẫn đến việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Về giải pháp khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Thông tư 01 thay Thông tư 10 được ban hành quy định chia nhóm thuốc theo xuất xứ và tiêu chuẩn kỹ thuật; đồng thời định giá trúng thầu phải thấp hơn giá trước đó đã kê khai. Ngoài ra, việc ban hành Thông tư 11 hướng dẫn hồ sơ mời thầu thống nhất sẽ góp phần đảm bảo khách quan; quy định có kê khai cả giá USD để tránh trường họp đơn vị lấy cớ tỷ giá thay đổi để nâng giá thuốc. Cùng với đó là tham khảo, lập danh mục 17.000 loại thuốc có sự so sánh về giá thuốc để công bố công khai.

“Sau khi những Thông tư trên được ban hành, nhiều ý kiến phản hồi cho rằng đơn vị nào muốn chênh lệch giá để hưởng lời là rất khó, vì quy định đã chặt chẽ hơn rất nhiều”, Bộ trưởng cho biết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kim Tiến vẫn cho rằng, đó chưa phải là những giải pháp căn cơ, giải quyết tận gốc vấn đề. Do đó, Bộ Y tế sẽ đề nghị chuyển chức năng quản lý giá sang đơn vị khác khi sửa đổi Luật Dược. Vì theo Bộ trưởng, muốn quản lý tốt được giá thuốc phải tách bạch người sản xuất, quản lý ngành và quản lý giá; đề nghị được thí điểm thành lập Ủy ban đấu giá quốc gia để lựa chọn thuốc giá thấp áp dụng thống nhất cho toàn quốc. Bộ Y tế cũng đang xin ý kiến làm đề án thí điểm về quản lý giá thuốc tối đa toàn chặng. 

Người nghèo có lợi khi tăng giá dịch vụ

Về câu hỏi liên quan Thông tư 04 do liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành đầu năm 2012 về việc điều chỉnh giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà Nước, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, việc điều chỉnh giá một số dịch vụ là cần thiết. Bởi lẽ khung giá cũ đã lỗi thời, trượt giá nhiều lần, giá đầu vào tăng và lương cơ bản cũng đã tăng 8 lần kể từ 2005.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, chủ trương điều chỉnh giá dịch vụ có căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội Đảng; Thông báo, Kết luận, Nghị quyết của Bộ Chính trị. Theo đó, các giá dịch vụ công phải tiến tới tính đúng, tính đủ, đảm bảo đúng giá thị trường. Nhà nước chỉ tập trung hỗ trợ cho những người nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng thuộc diện khó khăn…

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, quá trình thực hiện việc điều chỉnh giá một số dịch vụ cũng có sự thống nhất rất cao của cơ quan bảo hiểm.

“Tăng giá dịch vụ không ảnh hưởng đến người thụ hưởng, đặc biệt là người làm công ăn lương, người ngèo, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người cận nghèo”, Bộ trưởng khẳng định.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc tăng mức giá một số dịch vụ còn tạo điều kiện cho các cơ sở khám chữa bệnh công tăng nguồn thu, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nhà nước bớt đầu tư và tập trung ngân sách hỗ trợ người dân qua bảo hiểm y tế.

Trước băn khoăn của đại biểu cho rằng giá tăng chưa chắc chất lượng đã tăng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Tăng chất lượng y tế không thể một sớm một chiều.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế một lần nữa khẳng định, tăng giá dịch vụ không ảnh hưởng đến người nghèo mà ngược lại, nhờ BHYT, những nghèo lại có lợi hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên