Bộ trưởng Y tế: “Mất cân bằng giới tính khi sinh ngày một trầm trọng”
VOV.VN - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị cần tăng cường truyền thông để người dân thay đổi quan niệm phải có con trai nối dõi
“Mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ngày một trầm trọng và khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều”. Đó là cảnh báo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV tại Mỹ bên lề phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về dân số và phát triển diễn ra sáng 23/9 tại New York, Mỹ.
Trong giai đoạn 1990-2010, tỷ lệ tử vong bà mẹ giảm gần 75%, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm hơn 50%, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các nước trên thế giới có thể đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ trong 2 lĩnh vực này vào năm 2015.
Trao đổi với phóng viên VOV thường trú tại Mỹ bên lề cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam hiện đang đối mặt với một số vấn đề như già hóa dân số và mất cân bằng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe giữa đồng bằng và miền núi. Đặc biệt, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đang ngày một trầm trọng.
“Quan niệm của người miền Bắc và Bắc trung bộ là phải có con trai để nối dõi tông đường, hoặc để gánh vác việc đồng áng rất khó có thể thay đổi một sớm một chiều, mà cần phải có tác động của công tác truyền thông giáo dục. Bộ Y tế cũng đã đề xuất Chính phủ ra nghị quyết về vấn đề này. Đây là thách thức mà một mình Bộ Y tế không thể giải quyết được mà cần phải có sự tham gia của các thành phần trong xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Phiên họp đặc biệt được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển, đánh giá 20 năm thực hiện chương trình hành động về cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc bảo vệ quyền con người, đầu tư vào y tế và giáo dục, thúc đẩy cân bằng giới tính, trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo tiếp cận đối với sức khoẻ sinh sản...
Đây được coi là vấn đề trọng tâm trong nỗ lực mở rộng cơ hội đối với tất cả mọi người và cũng là nhân tố thiết yếu đối với phát triển bền vững./.