Tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước:

Bộ VH-TT&DL làm rõ 3 trường hợp bị tố cáo

Bộ này cho biết, qua thẩm tra, xác minh, các ý kiến đều ủng hộ hồ sơ của các ông: Đặng Xuân Hải, họa sĩ Nguyễn Gia Trí, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn.  

Tại cuộc họp báo công bố Quyết định của Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú diễn ra vào chiều 16/5, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Hải Anh, thành viên Hội đồng xét tặng giải thưởng cho biết: Quyết định của Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và danh hiệu NSND, NSƯT mà Bộ nhận được chưa có tên các tác phẩm của ông Đặng Xuân Hải, họa sĩ Nguyễn Gia Trí, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn.

Ông Nguyễn Hải Anh cho biết, sau khi công bố bản danh sách cuối cùng được Hội đồng Nhà nước xét đủ điều kiện, đạt tiêu chuẩn, đúng thủ tục để trình lên Thủ tướng Chính phủ thì một số cơ quan liên quan đã nhận được một số ý kiến chưa thực sự đồng thuận của một vài cá nhân về 3 tác giả trên.

Theo nguyên tắc của Luật Thi đua khen thưởng, khi có ý kiến chưa đồng thuận thì hồ sơ đó phải để lại để xác minh, thẩm tra, kiểm tra từ khâu hội đồng cấp cơ sở đến Hội đồng cấp nhà nước, để xem những ý kiến đó đúng hay sai. Theo quy định, Bộ VHTTDL đã tiếp nhận ý kiến và tiến hành xác minh, thẩm tra của 3 hồ sơ nêu trên.

Hiện công việc này đang được tiến hành một cách tích cực, khẩn trương để sớm đưa ra ý kiến cuối cùng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Chủ tịch nước.

NSƯT Đặng Xuân Hải- một trong 3 trường hợp phải thẩm tra, xác minh hồ sơ

Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Hải Anh cũng cho biết, sau khi thẩm tra, xác minh, các ý kiến đều ủng hộ hồ sơ và đánh giá cao các tác phẩm của 3 tác giả trên.

Về trường hợp của ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội điện ảnh bị đạo diễn Trần Hinh và nhà quay phim Doãn Huyến tố là có biểu hiện khai tăng công trạng trong hồ sơ, ông Nguyễn Hải Anh khẳng định, “qua thẩm tra, xác minh, có thể nói những ý kiến của ông Trần Hinh và Doãn Huyến về ông Đặng Xuân Hải là không mang tính xây dựng”.

Ông Nguyễn Hải Anh cũng nhấn mạnh, hồ sơ của ông Đặng Xuân Hải khai đúng và trung thực. Ý kiến của các cơ quan liên quan đều đánh giá cao những cống hiến của ông cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Về trường hợp họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Bộ VH-TT&DL đã đề nghị Bộ Công an thẩm định nhân thân và các tàng thư, chưa có bằng chứng nào về việc ông Trí tham gia vào các tổ chức đảng phái như trong đơn thư tố cáo.

Được đánh giá xuất sắc về chuyên môn, hồ sơ của họa sĩ Nguyễn Gia Trí không những được ủng hộ mà trong quá trình xét duyệt, Hội đồng chuyên ngành thấy xứng đáng với giải thưởng Hồ Chí Minh nên đã bỏ phiếu cho ông ở bảng này và trình lên Nhà nước, cho dù trước đó ông chỉ được đề cử ở Giải thưởng cấp Nhà nước.

Còn trường hợp ông Vũ Ngọc Liễn bị tố “đạo văn”, phía Bộ đã kiểm tra xác minh và ý kiến của UBND tỉnh Bình Định cũng như ý kiến của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đều rất ủng hộ hồ sơ của tác giả này.

Bộ VH-TT&DL cho biết, sau khi thẩm tra kĩ lưỡng về trình độ chuyên môn và điều tra về nhân thân chính trị, 3 tác giả này đã được Bộ trình lên Ủy ban khen thưởng Trung ương để gửi lên Chủ tịch nước và đang đợi kết luận cuối cùng. Bộ hy vọng Nhà nước sớm xem xét để vinh danh cho 3 tác giả bị hàm oan này vào đợt 2 (27/5 tới).

Giải thưởng và uy tín

Năm nay, Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Nghệ sĩ nhân dân được tổ chức vào sáng 19/5/2012 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đúng dịp kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước sẽ trực tiếp trao Giải thưởng và danh hiệu cho các tác giả và nghệ sĩ. Các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Lễ trao Giải thưởng Nhà nước và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho những tác giả có tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước và Nghệ sĩ ưu tú của đơn vị, địa phương mình.

Một điều cần nhấn mạnh, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và danh hiệu NSND, NSƯT là phần thưởng cao quý thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với cá nghệ sĩ, với văn học, nghệ thuật- bộ phận đặc biệt quan trọng của văn hóa trong nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Mỗi thời kỳ, thời điểm xét giải, tuy tiêu chí có thay đổi để cho phù hợp với tình hình thực tế của đời sống chính trị, xã hội và hoạt động văn hóa, nghệ thuật, song điểm chung xuyên suốt là tính sáng tạo, sức cống hiến của các tác giả luôn được đề cao và được vinh danh.

Giải thưởng Hồ Chí Minh được xét tặng 5 năm một lần. Giải thưởng Nhà nước, danh hiệu NSND, NSƯT được xét tặng 2 năm một lần. Và không ít tác giả, nghệ sĩ, khi được vinh danh đã không còn sống, nhưng giá trị của giải thưởng, không vì thế mà bị ảnh hưởng. Bởi suy cho cùng, mục đích cao cả là sự ghi nhận, không những từ khán thính giả, độc giả, công chúng, mà còn ở góc độ của cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý và các cấp, các ngành.

Việc có những ý kiến chưa đồng thuận đối với một hay nhiều trường hợp nào đó khi được xét tặng giải thưởng, danh hiệu sẽ chẳng có gì phải nói, nếu những ý kiến đó mang tính xây dựng. Song nếu ngược lại, hiệu ứng của những ý kiến đó chính là luồng dư luận không tốt, làm tổn hại đến thanh danh, uy tín của những người bị tố cáo.

Với các trường hợp bị tố cáo và đã được “minh oan” vừa nêu trên, người ta có thể đặt câu hỏi: Vậy nếu khẳng định những thông tin tố cáo là sai, người tố cáo có chịu trách nhiệm gì hay không? Bởi lẽ, nội dung tố cáo không chỉ về việc khai quá công trạng, về năng lực chuyên môn, mà còn về nhân thân chính trị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên