Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống dịch bệnh sởi
VOV.VN - Ngày 10/2, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, năm 2013 cả nước ghi nhận 1.048 trường hợp mắc sởi.
Riêng tháng 1/2014, đã có 241 trường hợp mắc bệnh sởi ở 24 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu tại 4 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái. Hiện đã có 3 trường hợp tử vong, tại Hà Nội (1 trường hợp) và Yên Bái (2 trường hợp).
Các chuyên gia y tế nhận định, thời gian tới, bệnh sởi có thể tiếp tục xảy ra rải rác hoặc thành dịch. Chủ yếu trẻ mắc sởi sẽ ở nhóm đối tượng dưới 10 tuổi chưa được tiêm vaccine sởi hoặc tiêm vaccine chưa đủ mũi.
Trước tình hình này, Bộ Y tế khuyến cáo: Để phòng chống bệnh sởi, cách tốt nhất là các bà mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch.
Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng trong cả nước, đặc biệt là các địa phương có dịch sởi tăng cường các hoạt động giám sát, hướng dẫn việc cách ly, tổ chức điều trị kịp thời để hạn chế tối đa các trường hợp mắc, biến chứng và tử vong do sởi.
Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi vaccine phòng bệnh. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 - 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Nếu trẻ được tiêm một mũi vaccine sởi lúc 9 - 11 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch.
Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vaccine sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vaccine theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi trẻ mắc sởi thì trẻ sẽ có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.
Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, đến nay sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sau: ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, sau tai), sưng đau khớp.
Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như: mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh…
Do vậy, khi phát hiện trẻ có sốt, phát ban, cần thông báo và đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và tránh lây nhiễm cho cộng đồng./.