Khởi nghiệp từ mô hình nuôi bò trang trại, chàng trai Cơ Tu có thu nhập ổn định
VOV.VN - Những năm gần đây, mô hình nuôi bò trang trại được nhiều hộ nông dân ở huyện vùng cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam lựa chọn để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Đây là minh chứng rõ nét việc triển khai có hiệu quả nội dung "Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" (Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).
Gia đình anh A Lăng Thiếu, ở thôn R’hượp, xã A Tiêng, huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam trước đây thuộc diện hộ nghèo. Năm 2010, anh Thiếu vay 7 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư mua cặp bò giống. Nhờ sự kiên trì, chịu khó và được cán bộ Khuyến nông tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, đàn bò của gia đình anh ngày càng phát triển.
Hiện, trang trại bò của gia đình anh Thiếu có gần 50 con bê và bò sinh sản, mỗi năm xuất bán từ 8 đến 10 con với giá từ 10 - 15 triệu đồng/con. Anh A Lăng Thiếu cho biết, ở vùng núi đất đai rộng, cây cỏ nhiều nên rất thuận lợi trong việc nuôi trâu, bò, dê... đặc biệt nuôi theo mô hình trang trại. Anh Thiếu khoe, nhờ nuôi bò mà mỗi năm gia đình thu nhập hơn 150 triệu đồng. Cuộc sống gia đình anh nay đã khấm khá hơn
“Trước đây tôi có đi tập huấn, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình kinh tế ở đồng bằng. Về quê thấy điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi trong việc chăn nuôi nên tôi quyết định đầu tư vào mô hình nuôi bò trang trại. Ở đây mình vừa mua vừa bán, ai cần con giống thì mình bán cho họ giá rẻ. Mình có ký hợp đồng với các nhà hàng chuyên về bê thui ở huyện Đại Lộc nên không lo về việc tiêu thụ sản phẩm. Nếu có thêm vốn tôi muốn đầu tư nuôi gà, vịt nữa. So với trước đây, cuộc sống giờ ổn định hơn rất nhiều, con cái được ăn học đàng hoàng hơn”.
Đầu năm 2022, anh A Lăng Thiếu tiếp tục vay 150 triệu đồng mở rộng mô hình chăn nuôi, mua thêm con giống và dựng hàng rào thép gai kiên cố bảo vệ khu vực nuôi. Anh Thiếu chia sẻ: Hiện, trang trại bò của gia đình rộng gần 20 héc ta. Ngoài nuôi bò, anh còn đầu tư thêm giống trâu và đào ao thả cá. Đến nay, đàn trâu đã tăng lên đến hơn chục con, giúp gia đình có thêm thu nhập ổn định.
Ông Blúp Yếc, Bí thư Chi bộ thôn R’bhượp, kiêm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã A Tiêng, huyện Tây Giang cho biết: Thôn R’bhượp hiện có 120 hộ với hơn 460 nhân khẩu là người Cơ Tu, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 63%. Thời gian qua, Hội Nông dân xã luôn quan tâm, động viên, tạo điều kiện hỗ trợ hội viên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển kinh tế. Năm 2023, đã có 12 hội viên nông dân được vay với số tiền gần 300 triệu đồng để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi.
Theo ông Blúp Yếc, tại xã A Tiêng, A Lăng Thiếu là một trong những hộ nông dân trẻ thành công với mô hình nuôi bò trang trại: “Anh A Lăng Thiếu là người rất chăm chỉ, chịu khó trong việc phát triển kinh tế. Năm 2020, anh được công nhận là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Đây là một trong những mô hình kinh tế rất đáng để học hỏi làm theo. Thời gian qua, Hội Nông dân xã luôn quan tâm, hỗ trợ hội viên nông dân về các chế độ chính sách của Trung ương và địa phương trong việc phát triển kinh tế, qua đó, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới”.
Năm nay, Hội Nông dân huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ giống vật nuôi cho nhiều hội viên nông dân với số tiền gần 250 triệu đồng. Hiện, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam có gần 40.000 con. Ông Ríah Ka, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập là điều kiện cần thiết. Trong năm 2023, từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, Hội đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho 39 hội viên nông dân vay với số tiền hơn 850 triệu đồng.
“Hàng năm Hội Nông dân huyện phối hợp với trung tâm hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên nông dân trên toàn huyện. Ngoài ra, nhiều hội viên được trực tiếp tham quan nhiều mô hình kinh tế, học hỏi kinh nghiệm thực tế tại nhiều nơi. Với huyện miền núi như Tây Giang thì chăn nuôi gia súc như trâu, bò, dê rất thích hợp. Như mô hình của anh A Lăng Thiếu, đây là mô hình rất hay không phải ai cũng làm được. Phải có quỹ đất và nguồn vốn mới có thể làm. Đây là mô hình rất hay, ở Tây Giang không có nhiều mô hình như thế này”, ông ng Ríah Ka cho biết.
Dám nghĩ, dám làm và khởi nghiệp thành công của anh A Lăng Thiếu đã góp phần vào việc thực hiện mục tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 hướng đến việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; tạo việc làm và thu nhập ổn định tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.