Bom mìn sót lại sau chiến tranh đã khiến hơn 40.000 người chết
VOV.VN - Bom mìn đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Ngày 14/12, tại Hà Nội, Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH) phối hợp với Tổ chức The International Center (IC) và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ nạn nhân bom mìn.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Ông Lưu Hồng Sơn – Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐTB&XH cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Theo ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, làm ô nhiễm trên 20% diện tích đất đai toàn quốc.
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Theo bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, trong những năm vừa qua, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh, minh chứng rõ ràng nhất là “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025”.
Tuy nhiên, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đòi hỏi nguồn nhân lực, vật lực rất lớn, cần huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội.
Theo ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn |
Tại hội thảo, ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm cung cấp dịch vụ Trợ giúp xã hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị phải có cuộc tổng điều tra rà soát nạn nhân bom mìn trên địa bàn toàn quốc để có kế hoạch, giải pháp thiết thực và dài hơi hơn trong việc hỗ trợ chế độ chính sách cho đối tượng nạn nhân bom mìn, tránh trường hợp các đối tượng bị bỏ sót.
Các đại biểu cũng đề nghị cần mở rộng địa bàn hỗ trợ đến toàn bộ các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc, các tỉnh miền Trung, biên giới Tây Nam, Tây Nguyên.
Đồng thời, mở rộng việc áp dụng linh hoạt các hình thức hỗ trợ phù hợp với điều kiện từng gia đình như đã tiến hành tại Đà Nẵng; tiếp tục nghiên cứu áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh… cho nạn nhân bom mìn./. Quảng Trị: Phát hiện bom “khủng” tại khu vực biên giới