Bông hoa san hô giữa Trường Sa

Giáo viên của lớp học “5 trong 1” là cô Bùi Thị Nhung, người vẫn được người dân nơi đây gọi với cái tên - bông hoa san hô giữa Trường Sa.

Giữa biển khơi ầm ào sóng vỗ, những đứa trẻ vẫn ngày ngày tung tăng cắp sách tới trường. Trường học của chúng nằm gọn trong một phòng học của UBND thị trấn Trường Sa. 8 đứa trẻ thuộc mọi lứa tuổi từ mẫu giáo tới lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5 đều học chung một lớp.

Lớp học “5 trong 1”

Anh Lương Xuân Giáp, Chính trị viên phó đảo Trường Sa Lớn kể với tôi về lớp học giữa Trường Sa với giọng hồ hởi và rất đỗi tự hào. Lần đầu tiên ra Trường Sa, ấn tượng của anh với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc không phải là sóng gió hay những “đặc sản” Trường Sa như anh vẫn hình dung trước đó, mà là một lớp học đặc biệt. Lớp học ấy có 4 chiếc bảng ở 4 phía, các dãy bàn được kê theo hàng ngang, gần chục em học sinh lớn nhỏ cùng ngồi chung và quay về 4 hướng khác nhau. Khi anh và mọi người vừa bước chân vào, một em lớn nhất đứng dậy hô: “Các bạn, đứng!”. Sau đó là “Các bạn, chào!”.

Những tiếng chào dõng dạc xen lẫn với tiếng “ạ” ngọng nghịu của các em đang trong tuổi học nói khiến ai nấy đều xúc động. Cô giáo của lớp với mái tóc búi cao, dáng vẻ nhẹ nhàng và nụ cười lấp lánh xen giữa những tia nắng chiếu xiên qua khe cửa khiến lớp học như bừng sáng. ấn tượng của anh về lần đầu ra Trường Sa là thế. Một lớp học nhỏ nhưng ấm áp tình cô trò và hơn thế, cũng là một “đặc sản” của Trường Sa.

Rồi những buổi trưa hè, nhìn lũ trẻ nô đùa trên sân hay rủ nhau đi hái những quả tra về làm đồ hàng, anh thấy chúng thật đáng yêu và hồn nhiên. Đặc biệt, khi tiếp xúc, anh thấy các cháu rất thông minh và có vốn hiểu biết khá phong phú. Trong những buổi sinh hoạt văn nghệ của đơn vị, các cháu cũng góp mặt với nhiều tiết mục văn nghệ rất hay. Tất cả đều do cô Nhung dạy. Anh và những người dân quanh năm chài lưới nơi đây vẫn thầm cảm ơn cô - người đã mang đến cho lũ trẻ giữa nơi đảo xa quanh năm sóng gió niềm vui được cắp sách tới trường, chắp cánh cho chúng những ước mơ như những con thuyền dong buồm ra khơi xa vào mỗi buổi bình minh rạng rỡ.  

Cô giáo Nhung dạy các em tập viết

… Và bông hoa san hô giữa Trường Sa

Bông hoa ấy là người vẫn ngày ngày lên lớp cùng các em, dù biển khơi lặng im hay dậy sóng. Cô có chất giọng miền Nam nhẹ nhàng và trong vắt. Giọng nói ấy át đi những cơn bão biển và xua tan đi tiếng sóng gió ầm ào. Nó đi vào tuổi thơ của các em và giúp các em lớn dần theo năm tháng.

Cô Nhung quê ở xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Năm 2002, tốt nghiệp khoa Tiểu học, trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, cô xin về dạy ở trường tiểu học Cam Thịnh Tây, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, một trường vùng núi của thị xã. Hai năm công tác tại trường, làm cô giáo vùng xa, đi lại vất vả nhưng cô luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Năm 2008 đánh dấu bước ngoặt đáng nhớ trong sự nghiệp “trồng người” của cô. Nghe tin địa phương có nhu cầu tuyển dụng giáo viên ra dạy học ngoài thị trấn Trường Sa, cô đã tìm hiểu và thuyết phục gia đình ủng hộ cô đăng ký tình nguyện ra đảo dạy học. Từ chuyến đi ấy, cô đã gắn bó với những đứa trẻ ở Trường Sa như một người mẹ hiền. Cô Nhung nói vui: “Mình vừa là hiệu trưởng, chủ nhiệm lớp, cô giáo bộ môn và kiêm luôn vai bảo mẫu nữa”...

Dù là dạy lớp ghép nhưng chương trình vẫn phong phú và đầy đủ bởi cô soạn đủ giáo án cho 11 môn học. Để các em không bị hổng kiến thức, có chỗ nào chưa hiểu, cô đều bổ sung ngay. Đứa con thứ hai của cô được 9 tháng tuổi, vẫn ngày ngày theo mẹ lên lớp xem các anh chị học bài. Hồi cô sinh, thật may là vào đúng dịp hè nên lớp học không phải nghỉ buổi nào. Rồi 3 tháng sau, cô lại bồng con tới lớp vì đứa trẻ không chịu theo ai, chỉ nhìn thấy mẹ mới nín khóc. Cô cột võng cho con nằm ở góc lớp rồi vừa trông con vừa giảng bài. Ngày tháng qua đi, lớp học ấy vẫn bình yên giữa tiếng sóng biển vỗ rì rào, xen lẫn tiếng trẻ con ê a học bài.

Những ngày nghỉ, hôm nào trời yên, biển lặng, thủy triều xuống, cô trò thường dắt nhau đi lấy san hô, vỏ ốc mang về để dành tặng các cô, các chú tới thăm đảo. Mỗi khi có đoàn nào đến thăm, các em đều tíu tít khoe thành tích học tập của mình rồi tặng những món quà biển. Bởi cô Nhung bảo, như vậy khi về đất liền, mỗi khi nghe tiếng sóng vỗ trong vỏ ốc hay nhìn thấy bông hoa san hô, mọi người vẫn nhớ tới biển, tới Trường Sa và cô trò mình.

Những món quà ấy cũng theo tay các cô, các chú mà đến với các bạn nhỏ ở khắp mọi miền Tổ quốc. Những bài học giản dị mà ý nghĩa ấy, cô Nhung vẫn dạy cho các em qua từng giờ lên lớp. Cô kể với tôi tính tình của từng em một. Võ Văn Hiền (học lớp 5) rất thích học toán và tin học. Em Nguyễn Thị My Sen (học lớp 3) vẫn thường chạy đến mách cô khi bị bạn trêu là "Sen mập".

Em Nguyễn Trinh Phi (học lớp 1, em trai của My Sen) rất thần tượng các chú bộ đội nên lúc nào cũng đi theo các chú và ước sau này sẽ đi làm lính đảo Trường Sa để được đội mũ, mặc quân phục “oai” như các chú… Gắn bó với các em là vậy nên mỗi khi có em nào học hết chương trình hay phải vào đất liền học tiếp, cô lại khóc suốt. Cô lo không biết các em có theo kịp chương trình; xa vòng tay cô, xa bố mẹ liệu có biết tự chăm sóc bản thân?

Những phụ huynh nơi đây rất yêu mến cô giáo Nhung và coi cô như người thân trong gia đình. Mỗi lần đánh được con cá to hay trồng được rau quả gì, họ đều mang sang biếu cô. Nhiều người còn nhờ cô dạy thêm kiến thức để có thể chỉ bảo thêm cho con em mình. Họ cảm ơn cô nhiều lắm vì từ ngày có cô, con em họ đã có thể học chữ ngay trên đảo, và chúng có thể mơ tới một tương lai rộng mở hơn như biển cả bao la của Trường Sa vậy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên