BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài: Dân muốn dừng thu, Bộ GTVT than khó
VOV.VN - Người dân và chuyên gia cho rằng, cần dừng thu phí tại trạm BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài vì đặt nhầm chỗ nhưng Bộ GTVT lại cho rằng “khó giải quyết”.
Từ ngày 18/12 vừa qua, tại trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài (TP.Hà Nội) xuất hiện hàng chục tài xế đưa xe tới tập trung tại các làn thu phí để phản đối việc thu phí và yêu cầu di chuyển trạm BOT này đi khỏi vị trí khác.
Ngày 21/12 tại trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, nhiều lái xe vẫn vây trạm thu phí và trạm này vẫn đang phải xả.
Các lái xe đưa nhiều loại phương tiện khác nhau như xe ô tô con, xe tải, xe taxi cùng treo băng rôn đi đến trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài rồi cho xe dừng tại đây yêu cầu chủ đầu tư di dời trạm về tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cách trạm này gần 60km.
Đến chiều 21/12, tại trạm thu phí này vẫn còn nhiều lái xe và xe ô tô tập trung tại đây để phản đối và yêu cầu di rời trạm thu phí đi nơi khác và trạm thu phí này vẫn đang phải xả trạm.
Trước thực trạng đó, Bộ GTVT có công điện gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty Cổ phần BOT Viettracimex 8, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo an ninh trật tự và ATGT tại trạm thu phí.
BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài: Thu phí cho dự án nào?
Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long được lập ra để thu phí cho toàn tuyến cao tốc Thăng Long - Nội Bài. Khi Nhà nước đầu tư đường QL2 thì trạm đó tiếp tục được giữ lại để lấy nguồn thu bổ sung vào kinh phí duy tu, bảo dưỡng đường QL2.
Sau đó, Công ty CP BOT Viettracimex 8 tiếp tục đầu tư tuyến đường tránh TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) thì được Bộ GTVT bán lại quyền thu phí tại trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long với thời hạn 30 năm để lấy tiền tái cơ cấu đầu tư.
Theo đó, nhà đầu tư được sử dụng trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài để hoàn vốn đầu tư bắt đầu từ 1/1/2011. Thời gian thu phí hoàn vốn là 16 năm 10 tháng 11 ngày. Mức giá thấp nhất là 10.000 đồng/xe 4 chỗ ngồi.
Trước đó, Hà Nội từng nhiều lần đề nghị Bộ GTVT dừng thu phí và di chuyển trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài về vị trí đường tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), bởi đây là tuyến đường đối ngoại huyết mạch nối trung tâm thành phố với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - hình ảnh của đất nước.
Mới đây, Hà Nội tiếp tục khẳng định trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài không phải là thu phí dịch vụ hoàn vốn cho đường Võ Văn Kiệt, mà hoàn vốn cho dự án BOT đường tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).
Việc người dân không sử dụng đường tránh vẫn phải nộp phí sử dụng đường bộ là không đúng. Người dân, cử tri Hà Nội rất bức xúc về việc này.
Ngoài ra, tuyến đường đi qua trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài không còn là tuyến đường độc đạo, người dân có thêm lựa chọn là tuyến đường từ Hà Nội lên Nội Bài theo hướng cầu Nhật Tân.
Lực lượng chức năng đã được yêu cầu đến để đảm bảo an toàn và giảm ùn tắc giao thông. |
Liên quan đến trạm thu phí “đặt nhầm chỗ” nhưng vẫn được hoạt động này, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, từ năm 2013, ngay khi nhận được yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội về việc di dời trạm BOT này tới vị trí khác, Bộ đã báo cáo Chính phủ. Nhưng sau khi Chính phủ họp, xin ý kiến các bộ, ngành, sau đó chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục thu phí tại trạm BOT Bắc Thăng Long Nội Bài.
Thứ trưởng Bộ GTVT “than” khó xử lý
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công cho biết, BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài đã xây dựng cách đây 10 năm, thời đó cơ chế khác. Bây giờ lấy hệ quy chiếu hiện tại để áp dụng cho các dự án BOT cách đây cả 10 năm thì rất khó xử lý vì mỗi một thời kỳ có một cơ chế khác nhau.
“Trước đây, TP.Hà Nội đã có những văn bản yêu cầu di dời trạm BOT này tới vị trí khác. Tuy nhiên, đây là dự án thời kỳ đầu của BOT, do đó, cơ chế chính sách, kinh nghiệm, quy định pháp luật chưa có, nhưng bộ GTVT đã ký hợp đồng với nhà đầu tư. Sau khi rà soát, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ GTVT ký hợp đồng, Chính phủ chưa chấp thuận di dời trạm”, Thứ trưởng Công cho hay.
Ông Công cũng cho biết, TP.Hà Nội đã có những văn bản yêu cầu di dời trạm BOT này tới vị trí khác. Tuy nhiên, hợp đồng đã ký rồi, nếu phá vỡ hợp đồng thì sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ.
“Đối với việc tài xế kéo nhau đến trạm BOT để phản đối thu phí, bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với nhà đầu tư, chính quyền TP.Hà Nội đảm bảo an ninh trật tự giao thông khu vực. Bây giờ hợp đồng đã ký rồi, nếu phá vỡ hợp đồng thì sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ, phá vỡ các quy định tại hợp đồng”, Thứ trưởng Công phân tích.
“Bộ GTVT đang yêu cầu các bộ phận tập hợp báo cáo về những vấn đề liên quan tới trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài, sau đó sẽ đưa ra kết luận sớm nhất”.
Không thể để trạm BOT đặt “nhầm chỗ” mãi được
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, cho rằng cần dừng việc thu phí tại trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài và cần chấm dứt các trạm BOT đặt “nhầm chỗ”, “không thể để mãi như thế này được”.
"Đây là tuyến đường huyết mạch nhưng lại để trạm BOT bất hợp lý kéo dài là không hợp lý. Việc Hà Nội, tài xế phản đối trạm là có lý. Bộ Giao thông vận tải cần phải rút kinh nghiệm trong vấn đề thu phí BOT. Người dân vẫn nghĩ đường quốc lộ xây dựng bằng tiền ngân sách thì không thể thu phí. Riêng trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài phải dừng ngay thu phí, không nên chần chừ", TS Thủy nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Vận tải Hà Nội cho rằng, để giải quyết được những khúc mắc tại trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài, phía cơ quan chức năng cần nhận ra được cái sai của mình và cân nhắc việc mua lại trạm thu phí để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư và sự đồng thuận của người dân.
Ngoài ra, các đơn vị quản lý liên quan cũng cần có văn bản kiến nghị gửi đến chủ đầu tư và các cơ quan khác để cùng tham mưu, xin ý kiến giải quyết.
"Chúng tôi cũng nhiều lần có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng về sự bất hợp lý của trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài, nhưng đây là do sự bất cập trong đầu tư BOT trong thời kỳ trước nên vẫn đang nhùng nhằng giải quyết", ông Quyền cho biết./.
BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài “thất thủ”: Lo ngại vấn đề an ninh
Vẫn “dậm chân tại chỗ” các tồn đọng của các trạm BOT giao thông