ĐBSCL cần liên kết vùng để ứng phó với hạn mặn

VOV.VN - Hạn mặn đã làm thiệt hại hơn 16.500 ha lúa mùa tại tỉnh Cà Mau và khoảng 41.900 ha lúa Đông xuân trong vùng ĐBSCL bị thiếu nước.

Đợt hạn mặn lịch sử vừa qua, dù các cấp, các ngành và người dân vùng ĐBSCL đã có nhiều biện pháp chủ động, quyết liệt ứng phó, nhưng do khô hạn kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu đã gây thiệt hại cho sản xuất và ảnh hưởng đến đời sống, sự phát triển kinh tế - xã hội của 10/13 tỉnh trong khu vực.

Hạn mặn đã làm thiệt hại hơn 16.500 ha lúa mùa tại tỉnh Cà Mau và khoảng 41.900 ha lúa Đông xuân trong vùng bị thiếu nước; trong đó 26.000 ha lúa bị chết trắng. Toàn vùng còn có gần 7.000 ha vườn cây ăn quả, 8.700 ha thủy sản bị thiệt hại. Ngoài ra, trong khu vực ĐBSCL còn có khoảng 96.000 hộ dân với hơn 430.000 người bị thiếu nước sinh hoạt trong nhiều tháng liền; hàng trăm điểm ven kênh, rạch bị sạt lở, sụp lún đất rất nghiêm trọng.

Bơm nước cứu lúa tại tỉnh Tiền Giang.

Ngày 20/6, tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2029-2020 và định hướng phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL, các đại biểu  cho rằng, công tác ứng phó với đợt hạn mặn vừa qua rất tích cực, đã có sự và cuộc cả hệ thống chính trị của các địa phương;  công tác dự báo, nhận định tình hình của các cơ quan TƯ chính xác, kịp thời. Đặc biệt, công tác chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả của  Chính phủ và  các Bộ ngành TƯ, cấp ủy chính quyền và tinh thần tự giác, tích cực ứng phó của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đã góp phần giảm thiểu thiệt hại thấp nhất so với  đợt hạn mặn mùa khô năm 2016.

Vấn đề phòng chống xâm nhập mặn mùa khô thời gian tới, cần có nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài; trong đó cần quan tâm đến chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với hạn mặn; trong sản xuất nên ưu tiên phát triển: cây căn trái - thủy sản - lúa. Đặc biệt, các địa phương trong vùng cần liên kết trong công tác thủy lợi như: làm hồ chứa nước vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên; thực hiện các dự án ngăn mặn, trữ ngọt tại các cửa sông, nhánh sông; tiếp tục hoàn thiện các dự án thủy lợi  để kiểm soát xâm nhập mặn…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị chính quyền và ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL cần tổ chức hội nghị để rút kinh nghiệm công tác phòng chống hạn mặn và đề ra giải pháp căn cơ ứng phó trong thời gian tới. Đối với 7 tỉnh vùng ĐBSCL bị tác động trực tiếp của hạn mặn cần có nhóm giải pháp, bố trí lại lịch thời vụ, chuyển đổi các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ.

Các doanh nghiệp tại tỉnh Tiền Giang chở nước ngọt đến hỗ trợ miễn phí cho người dân vùng bị ảnh hưởng của khô hạn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: "Chúng ta phải đồng lòng đưa nhóm giải pháp và đồng lòng tổ chức thực hiện. Tất cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, các thành phần kinh tế cùng vào cuộc, người dân cùng vào cuộc. Chúng ta phải có giải pháp chăm lo từng người dân một, từng hộ gia đình phải có giải pháp của mình. Ở từng xã, từng huyện, từng tỉnh phải ó nhóm giải pháp. Có như vậy chúng ta mới biến những thách thức thành cơ hội mới. Chúng ta tìm những đối tượng sản xuất, phương thức sản xuất phù hợp nhất, để làm sao không chỉ hạn chế những tác động tiêu cực mà chúng ta khai thác những giá trị lợi thế còn nâng được giá trị do thay đổi được trục sản xuất, cơ cấu sản xuất theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên