“Bữa ăn cho trẻ” là yếu tố quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia
VOV.VN - ĐBQH bày tỏ băn khoăn khi dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng, chống suy dinh dưỡng của trẻ em, có 2 chỉ tiêu về trẻ suy dinh dưỡng trẻ thấp còi chưa đạt.
Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Nêu ý kiến thảo luận tại hội trường, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau đã tạo được sự đồng thuận lớn trong toàn xã hội.
Đại biểu bày tỏ vui mừng trước một số kết quả bước đầu. Cụ thể, ở chương trình dự án 5, 7, 8 đã góp phần thực hiện quyền trẻ em và đảm bảo các biện pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ, giúp các em tiếp cận được các dịch vụ một cách tốt nhất. Tuy nhiên, đại biểu Quỳnh Dao bày tỏ băn khoăn ở dự án 7 là dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng, chống suy dinh dưỡng của trẻ em, có 2 chỉ tiêu chưa đạt. Là chỉ tiêu về trẻ suy dinh dưỡng, khi trẻ dưới 5 tuổi ở thể nhẹ cân đang là 15,8% trong khi kế hoạch mục tiêu giao là phải dưới 15%; và trẻ thấp còi là 25% trong khi kế hoạch giao dưới 15%.
Theo nữ đại biểu đoàn Kiên Giang, năm 2020, Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp Việt Nam là một trong số 34 quốc gia phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng ở trẻ em và cũng kể từ đó Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện vấn đề này. Tuy nhiên, tình trạng cải thiện cũng chưa mấy khả quan. Viện Dinh dưỡng quốc gia từng nhận định, tại vùng núi phía Bắc và nhiều vùng dân tộc thiểu số khác, có hơn 70% trẻ em chưa được ăn đúng, ăn đủ.
Tại kỳ họp thứ 5, đại biểu Nàng Xô Vi (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cũng đã đề cập đến con số trong 230.000 ca suy dinh dưỡng cấp tính nặng thì có 50.000 ca trẻ em dân tộc thiểu số. Đây là một điều để lại hậu quả nặng nề so với trẻ bình thường, bởi vì các em sẽ có nguy cơ mắc các bệnh khác về nhiễm khuẩn và lâu dần sẽ ảnh hưởng đến thể trạng, tầm vóc và hậu quả nặng hơn là gánh nặng chi phí gia đình, xã hội, quốc gia cho việc điều trị và ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và cả nước nói chung, bởi vì chất lượng nguồn nhân lực bị ảnh hưởng một cách trầm trọng.
“Đây là những vùng khó khăn “cái no lo chưa tới” thì làm sao nghĩ đến đa dạng thực phẩm, đúng đủ chất nọ chất kia, đâu đó vẫn còn tập quán chăm sóc trẻ một cách lạc hậu; đâu đó vẫn còn yếu tố về môi trường, vệ sinh cá nhân, nhà xí tạm bợ vẫn còn rất phổ biến. Mặc dù, Chính phủ rất quan tâm đến chương trình “giếng sạch cho buôn, giếng khoan về bản” nhưng tỷ lệ người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn còn rất thấp. Ví dụ như ở Tây Nguyên là 26,6%, vùng núi phía Bắc là 31%, trong khi so với trung bình của cả nước là 51%, mặc dù yếu tố khách quan đây là vùng địa hình bị chia cắt, dân cư thưa thớt cho nên hệ thống đường dẫn ống cũng gặp nhiều trở ngại, đây cũng là một mối lo lớn”, nữ đại biểu nói.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao cũng cho rằng, một nguyên nhân quan trọng nữa là hệ thống y tế đang thiếu cán bộ chuyên sâu về sản - nhi ở tuyến dưới, cơ sở vật chất, trang thiết bị để chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trẻ em cũng chưa đáp ứng được: “Các vị đại biểu phát biểu trước đã phân tích, đó là cơ chế, chính sách vẫn còn bất cập. Ví dụ, Quyết định 2415 của Bộ Y tế về chính sách hỗ trợ chăm sóc bà mẹ trẻ em triển khai tại các xã khu vực 3, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như vậy đồng nghĩa là người dân sinh sống ở thôn đặc biệt khó khăn mà không phải khu vực 3 thì không được thụ hưởng. Đây là điều không công bằng”.
Về vấn đề kinh phí, đại biểu cho rằng, chi 5 tỷ cho một tỉnh có dân số hơn 10.000 đồng bào dân tộc thiểu số sống phân tán, để thực hiện chương trình cải thiện về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, là một điều rất khập khiễng. Chưa kể đến, ngân sách phân bổ chậm, nên việc giải ngân rất thấp.
“Từ năm 2021 - 2023 chương trình 7 đã giải ngân được 15,44%, trong khi đó ngân sách địa phương chỉ giải ngân được 10,91%. Như vậy, đồng nghĩa với việc rất nhiều người dân chưa được thụ hưởng chính sách và cũng đồng nghĩa với việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em chưa đảm bảo được đi vào thực chất”, đại biểu nêu con số cụ thể.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp trong báo cáo giám sát đề ra và đặc biệt chú trọng phân bổ hợp lý cho công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trẻ em, về chống những việc chăm sóc các em có những tập quán lạc hậu và giải pháp thứ hai là thực hiện tốt y tế cơ sở, y tế dự phòng theo đúng tinh thần Nghị quyết 99 năm 2023 của Quốc hội. Trong đó, tập trung sàng lọc để phát hiện kịp thời, sớm vấn đề các nguy cơ ảnh hưởng đến suy dinh dưỡng trẻ em để có biện pháp hỗ trợ. Đặc biệt, tháo gỡ, ưu tiên, tạo cơ chế đấu thầu để đảm bảo được lượng vitamin, các vi chất bổ dưỡng và vaccine tiêm phòng trẻ em, để trẻ em không mất đi cơ hội vàng phát triển hoàn thiện về thể chất.
“Có như thế trong mỗi bữa ăn của trẻ mới thật sự đúng chất lượng, mới được đủ theo khuyến cáo của ngành y tế, khi đó chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo và chúng ta cũng thực hiện thành công mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và cả nước nói chung”, đại biểu Quỳnh Dao nói.