Bước tiến xa của y học Việt Nam từ vụ ghép đa tạng ở BV 103
VOV.VN -Ca ghép đa tạng đầu tiên ở Việt Nam thành công khẳng định về một bước tiến rất xa của nền y học nước nhà.
Đúng một tuần trước, ngày 1/3/2014, niềm vui vỡ òa với tập thể y bác sỹ Học viện Quân y và của Bệnh viện 103, khi ca ghép đa tạng (tụy, thận) đầu tiên ở Việt Nam được tiến hành thành công. 150 y, bác sĩ Việt Nam trực tiếp tham gia kíp mổ mà không có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia nước ngoài, chính là sự khẳng định về một bước tiến rất xa của nền y học nước nhà.
Cho đến thời điểm này, sức khỏe của bệnh nhân Phạm Thái Huyên đã ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tự thở, mạch huyết áp ổn định, chức năng tụy, thận ghép đã hoạt động tốt, gần như là trở về bình thường. Suốt 1 tuần qua, các bác sỹ của Bệnh viện 103 thay nhau chăm sóc bệnh nhân liên tục 24/24 giờ.
PGS-TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện 103 thăm khám cho anh Huyên |
Bác sỹ Tô Vũ Khương, Trưởng Khoa Cấp cứu là 1 trong 3 bác sỹ nhận nhiệm vụ này. Liên tục từ hôm 1/3 tới nay, ông chỉ ngủ ở nhà đúng 1 đêm, các đêm còn lại ông đều ở bệnh viện. Ông cho biết hiện nay, thời tiết ở Hà Nội mưa phùn liên tục, độ ẩm cao, nguy cơ nhiễm khuẩn cũng rất lớn, đòi hỏi công tác chăm sóc phải nghiêm ngặt. Các nhân viên vào buồng bệnh phải thay quần áo, sát khuẩn tay, đi bốt… Trong buồng bệnh luôn phải đảm bảo ấm và khô. Độ ẩm thấp nhất trong khoảng 25 -27 độ để hạn chế nhiễm khuẩn. Việc chăm sóc cho bệnh nhân hết sức đặc biệt: nhẹ nhàng nhưng phải tỉ mỉ, chính xác, từ chăm sóc như thay băng, theo dõi nước tiểu của bệnh nhân, đến việc định kỳ cứ 6 tiếng phải lấy máu một lần để xét nghiệm, xác định các chức năng tụy, thận, hô hấp, tim mạch… đảm bảo công tác điều trị sau ghép cho bệnh nhân phải đạt hiệu quả cao nhất.
Một tuần đã trôi qua, kể từ sau khi ca mổ thành công, bà Vũ Thị Thọ, mẹ đẻ của bệnh nhân Phạm Thái Huyên từ Sơn La về, thường xuyên có mặt ở bệnh viện, nhưng bà vẫn chưa một lần được thăm con trai, vì lý do phải đảm bảo vệ sinh tuyệt đối cho bệnh nhân, tránh nhiễm khuẩn.
Theo lời Thiếu tướng, PGS-TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện 103, người trực tiếp chỉ đạo, điều hành ca ghép: Khi tồn tại ở cơ thể bệnh nhân được ghép, tổ chức tụy rất dễ bị hoại tử, do đó, việc cách ly bệnh nhân một cách tuyệt đối là một yêu cầu nghiêm ngặt. Tuy vậy, những thông tin về sức khỏe của bệnh nhân Phạm Thái Huyên vẫn liên tục được các bác sỹ cung cấp cho bà Vũ Thị Thọ. Biết sức khỏe con trai đang dần ổn định, anh đã tỉnh táo, bà Thọ vô cùng phấn khởi và bà đặt toàn bộ niềm tin vào tập thể y bác sỹ của Bệnh viện 103.
Bệnh nhân may mắn được ghép tụy- thận lần đầu tiên này là thượng úy Phạm Thái Huyên, 43 tuổi, công tác tại Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La, chẩn đoán bị đái tháo đường tuýp 1, suy thận độ II. Người hiến tạng sau khi bị chết não là một nạn nhân tai nạn giao thông, 34 tuổi (sinh sống tại Hà Nội).
Để thực hiện ca ghép, Bệnh viện 103 đã xây dựng và tập dượt ba phương án gồm: mời các nhà khoa học nước ngoài (Nhật Bản và Bỉ) sang Việt Nam thực hiện ghép tạng khi có người hiến tạng; liên kết với các trung tâm ghép tạng hàng đầu của cả nước thực hiện; đội ngũ y, bác sỹ của Bệnh viện 103 tự thực hiện ghép tạng.
Tuy nhiên, sau khi thuyết phục được gia đình người chết não hiến tặng nội tạng, thời gian cho phép tối đa chỉ là 10 tiếng đồng hồ, mời các nhà khoa học nước ngoài sang là không kịp. Bệnh nhân Phạm Thái Huyên lại ở tận Sơn La, nếu để bệnh nhân tự đi ô tô thì phải ít nhất 12 tiếng sau mới có mặt ở Hà Nội- như thế quá muộn. Bởi vậy lãnh đạo Bệnh viện 103 quyết định nhờ sự giúp đỡ của tỉnh đội Sơn La.
Ngay chiều 28/2, tỉnh đội Sơn La đã điều một xe chở bệnh nhân Phạm Thái Huyên về Hà Nội và ngay 12 giờ đêm đó, bệnh nhân đã có mặt ở Bệnh viện. Thêm nữa, Bệnh viện quyết định tự tiến hành ca mổ, bởi Học viện Quân y và Bệnh viện 103 là hai đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong ghép tạng trước đó. Đây là đơn vị đầu tiên thực hiện các ca ghép thận, gan và tim đầu tiên ở Việt Nam (ca ghép thận đầu tiên ở nước ta được tiến hành vào tháng 6/1992, đến tháng 1/2004, Bệnh viện lại tiếp tục thành công với ca ghép gan, rồi ghép tim vào tháng 6/2010).
Thiếu tướng, PGS-TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện 103 cho biết: Ghép đa tạng ở Việt Nam là một chương trình trọng điểm quốc gia giai đoạn 2011-2015. Trong số các đề tài cấp Nhà nước, đề tài ghép tụy- thận được trao cho Bệnh viện 103; ghép tim phổi do Bệnh viên TW Huế đảm nhận và đề tài ghép từ người cho chết tim do Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh đảm nhiệm.
Với thành công hôm 1/3, sau 22 năm thực hiện ca ghép thận đầu tiên, Bệnh viện 103 tiếp tục là đơn vị y tế đầu tiên trong nước tiến hành ca ghép tụy-thận, một trong những khâu khó nhất của phẫu thuật ghép tạng và cũng là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện kỹ thuật ghép đa tạng tụy-thận trên một bệnh nhân.
Kết quả thành tựu y học đỉnh cao này thêm một lần khẳng định khả năng, trình độ của các thầy thuốc Việt Nam với bạn bè thế giới. Kết quả này cũng mở ra nhiều cơ hội sống cho nhiều người bệnh nếu có nguồn tạng hiến. Tuy nhiên thực tế hiện nay tại Việt Nam, các ca ghép tạng từ người cho chết não vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Mong muốn lớn nhất của các bác sĩ là làm sao ngày càng có thêm nhiều người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng. Một người không may nằm xuống, nguồn tạng hiến lại, có thể cứu được cuộc sống của nhiều người bệnh suy tạng vốn đang lay lắt như ngọn đèn dầu trước gió, có thể tắt bất cứ lúc nào./.