Buôn Ma Thuột cất cánh từ khói lửa

VOV.VN - 40 năm sau khói lửa chiến tranh, Buôn Ma Thuột đã thành đô thị loại 1, là một trong 10 thành phố xanh nhất cả nước

Ngày 10 tháng 3 năm 1975 đã đi vào lịch sử, khắc thêm một mốc son vẻ vang trong truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đó là Chiến thắng Buôn Ma Thuột- mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên và Đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử.

Sân bay Buôn Ma Thuột hôm nay sau 40 năm chiến tranh

40 năm sau khói lửa chiến tranh, Buôn Ma Thuột đã thành đô thị loại 1, là một trong 10 thành phố xanh nhất cả nước, là đô thị có lượng cà phê giao dịch hàng năm nhiều nhất Việt Nam. Sân bay Hoà Bình, cứ điểm có chiến sự ác liệt nhất, nay trở thành cảng hàng không hiện đại, kết nối Tây Nguyên với khắp các miền Trung- Nam -Bắc.

Lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng thành phố năm nay trùng với Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5, thành phố lại có dịp tiếp đón thêm nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế. Được trải nghiệm sự tiện lợi, văn minh, hiện đại của Cảng hàng không Buôn Ma Thuột hôm nay, mỗi người lại thấu hiểu được giá trị lịch sử của cuộc chiến giành lấy sân bay Hoà Bình năm xưa.             

Vừa đáp chuyến bay từ Hà Nội vào Buôn Ma Thuột, cựu chiến binh Nguyễn Đức Thịnh, ở thôn 1 xã Chư Ea Bua, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, trước và cả một số năm sau giải phóng, ông và các đồng đội, không ai nghĩ rằng sân Hoà Bình có thể trở thành Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, thành cầu nối để ông đi về giữa Tây Nguyên và các vùng quê miền Bắc.

“Bắt đầu vào thấy Ban Mê Thuột đẹp đẽ khang trang, chỉ biết tấm tắc khen là đổi mới và hiện đại quá. Hồi xưa sân bay toàn cỏ tranh, cỏ mắc cỡ nhiều chứ không khang trang hiện đại như thế này. Thấy rất mừng và phấn khởi”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh kể, tham gia vào trận đánh Buôn Ma Thuột, ông thuộc biên chế của Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 149,  Sư đoàn đặc công 316. Sau khi  thị xã Buôn Ma Thuột được giải phóng, ngày 14/3/1975 ông cùng các đồng đội ở Trung đoàn 149 được tăng cường chiến đấu cùng Trung đoàn 198 với nhiệm vụ giải phóng sân bay Hoà Bình. Ông cũng bị thương tại chính mặt trận này.

“Trong trận đánh 14/3, tôi được giao nhiệm vụ là mũi nhọn để đánh vào. Đáng lẽ là Trung đội 1 nhưng đồng chí trung đội trưởng bị thương lui lại phía sau thì trung đội tôi có nhiệm vụ chiếm khu nhà tôn trong sân bay để phát triển ra các ụ pháo xung quanh khống chế pháo bắn ra bộ đội mình. Đang chiến đấu, chiến sĩ bắn B50 bắn máy bay đang chuẩn bị cất cánh. Không trúng. Tôi lấy khẩu B50 bắn sau đó pháo phản lại tôi bị thương”, ông Thịnh kể

Sân bay Hoà Bình hay còn gọi là sân bay Phụng Dực bấy giờ được quân đội Việt Nam Cộng Hoà xác định là cứ điểm quan trọng, cho nên được phòng ngự vững chắc. Kế bên là căn cứ Trung đoàn 53 nguỵ nằm phía đông nam sân bay, được bố trí 5 đến 7 lớp kẽm gai phòng ngự, xen giữa các lớp rào là bãi mìn. Lớp tường đất bao quanh căn cứ đắp cao và dày, các lô cốt và các ụ súng cũng được bố trí ngay trong tường đất. Trước sự phòng ngự này của địch, trận chiến đấu giải phóng sân bay Hoà Bình trở thành trận chiến cam go, ác liệt nhất của quân ta trong trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột.

Ông Trần Duy Nai, Thị đội trưởng Cơ quan quân sự thị xã Buôn Ma Thuột bấy giờ, nhớ lại những trận giao tranh ác liệt tại khu sân bay Hoà  Bình: “Nơi đó là nơi đóng quân của trung đoàn 53, Sư 23 Nguỵ. Từ sáng 10/3 đến trưa ngày 11/3, giải phóng hoàn toàn thị xã. Ngày 13 phát triển đánh tiếp trung đội 445 cho đến tối 16 và sáng 17, chủ lực tập trung sức đánh trung đội 453, 2 trung đoàn của sư đoàn 316 và sư đoàn 10 tấn công dứt điểm hoàn toàn khu vực trung đoàn 53 và sân bay. Nói chung đây là một trận đánh ác liệt vì toàn quân khu dồn về”.

Sân bay Hoà Bình ác liệt năm xưa, giờ đã trở thành cảng hàng không Buôn Ma Thuột hiện đại cấp 4C theo chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, với những đường băng dài 3 nghìn mét, đủ năng lực tiếp nhận các loại máy bay tầm trung như A320/A321, ATR-72... Bình quân mỗi ngày, cảng tiếp nhận 20 chuyến bay đến và đi, công suất đạt tới 800 khách/ giờ cao điểm, tương đương với 2 triệu hành khách/ năm.

Ông Phan Văn Đình, một trong những chiến sĩ của đơn vị tiếp quản sân bay Hoà Bình những năm sau giải phóng, sau đó một thời làm Giám đốc Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, chứng kiến tất cả những đổi thay lớn lao này: “Khi mới lên cho đến bây giờ không nghĩ phát triển mạnh như hôm nay. Đoạn đường từ sân bay đến sư đoàn 470 hồi đó rất là hoang sơ. Sau mấy muơi năm phát triển như vậy mình thấy tốc độ phát triển rất nhanh, đường vào sân bay được khẳng định đẹp nhất cả nước. Nhà ga tuy có nhỏ, với khoảng 7.500 m2 sử dụng nhưng kiến trúc hình thái rất đẹp, cảnh quan môi trường tạo cho khách xuống cái nhìn thoáng mát, đẹp hơn thời gian trước nhiều”.

Cảng hàng không Buôn Ma Thuột hôm nay được bao quanh bởi bạt ngàn cà phê xanh tươi, cùng với khu dân cư  trù phú. Cuộc sống càng đủ đầy, giao thông hàng không càng tiện lợi, những cư dân ở đây từ trước giải phóng càng không quên sự khốc liệt, hào hùng của trận đánh sân bay Hoà Bình.

Ông Nguyễn Văn Lập, ở thôn 3, xã Hoà Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột nhớ lại rằng: “Hai bên giao tranh rất ác liệt, bom đạn nổ liên tục đinh tai nhức óc, dưới đất thì pháo kích, máy bay quần thảo trên trời, vô trong đó thì càng hoang tàn nữa, toàn mảnh bom mảnh đạn vương vãi trên đó. Phải nó đó là một cuộc chiến hào hùng của dân tộc, để giải phóng, giành độc lập”.

Sáng, chiều, tối, khắp vùng trời quanh Cảng hàng không Buôn Ma Thuột ầm ào tiếng máy bay lên xuống. Những dòng xe ô tô sang trọng chở người ra cảng, những hành khách lịch thiệp, tươi cười đi và đến … Những người dân sống ở đây qua thời kỳ chiến tranh, nay được thừa hưởng thành quả đổi mới, cũng không quên kể về lịch sử.

Ông Quách Bình, ở thôn 2, xã Hoà Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, gần Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, nói: “Giờ cũng phải có nhận thức rộng cho con cháu sau này. Chúng chỉ biết là có sân bay rất đẹp, nhưng không biết xưa thế nào, nên phải nói cho chúng biết sân bay hồi xưa như thế nào, chứ không phải sẵn mà có, cha ông mình phải lăn lộn chiến đấu mới có được nên phải có ý thức giáo dục như thế”.

Đi trên con đường lịch sử, dẫn ra cảng hàng không Buôn Ma Thuột bây giờ, mọi người đều trầm trồ trước hai hàng cây sao đen bởi vẻ đẹp vạm vỡ của nó. Hình ảnh đó càng đẹp hơn, khi vết tích đạn pháo năm xưa còn ghi dấu trên những thân cây, nhắc nhớ một thời oanh liệt, làm nên chiến thắng vẻ vang cho Buôn Ma Thuột anh hùng cất cánh hôm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người dân Buôn Ma Thuột ký tên vì hòa bình Biển Đông
Người dân Buôn Ma Thuột ký tên vì hòa bình Biển Đông

VOV.VN -Đông đảo người dân đã quyên góp, nhắn tin ủng hộ đến tổng đài 1409 “Chung sức vì biển đảo quê hương”.

Người dân Buôn Ma Thuột ký tên vì hòa bình Biển Đông

Người dân Buôn Ma Thuột ký tên vì hòa bình Biển Đông

VOV.VN -Đông đảo người dân đã quyên góp, nhắn tin ủng hộ đến tổng đài 1409 “Chung sức vì biển đảo quê hương”.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lớn nhất từ trước đến nay
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lớn nhất từ trước đến nay

VOV.VN - Lễ hội kết hợp nhiều hình thức hợp tác giao lưu kinh tế trong sản xuất chế biến và xuất khẩu, đặc biệt là khuyến khích sự tiêu dùng nội địa.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lớn nhất từ trước đến nay

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lớn nhất từ trước đến nay

VOV.VN - Lễ hội kết hợp nhiều hình thức hợp tác giao lưu kinh tế trong sản xuất chế biến và xuất khẩu, đặc biệt là khuyến khích sự tiêu dùng nội địa.