BV Trung ương Thái Nguyên lên tiếng vụ rút ruột thuốc đặc trị
VOV.VN - Hội đồng kỷ luật của bệnh viện sẽ xem xét cụ thể, có thể kỷ luật cảnh cáo bác sĩ đã rút ruột thuốc đặc trị.
Ngày 29/4, trao đổi với VOV về vụ việc rút ruột thuốc đặc trị ung thư xảy ra tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ông Nguyễn Thành Trung – Giám đốc Bệnh viện này cho biết: “Bệnh viện cần phải họp lại, xử lý sự việc theo đúng mức độ”.
Trước đó, tối 7/9/2016 hai cán bộ thuộc Phòng Giám định Bảo hiểm y tế thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên là bà Lý Thị Phương (Trưởng phòng) và bà Kiều Thị Việt (Phó Trưởng phòng) đã tiến hành kiểm tra công tác khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế tại Khoa Nội Tiêu hóa- Tiết niệu của Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên.
Khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện đa khoa trung ương Thái Nguyên |
Tại buổi kiểm tra, đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện và lập biên bản vụ việc về việc trên sổ sách có 69 bệnh án đang điều trị tại khoa, nhưng khi kiểm tra chỉ có mặt 48 bệnh nhân, vắng 21 bệnh nhân. Trong số 21 bệnh nhân vắng mặt, các thành viên đoàn kiểm tra của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện có 3 bệnh án không có bệnh nhân gồm ông Nguyễn Thành Phương (63 tuổi, phường Quan Triều, TP Thái Nguyên) vào viện ngày 26/8/2016 nằm tại phòng 214 giường số 11, nhưng trên thực tế phòng 214 chỉ có 3 giường, không có giường số 11; Hai trường hợp khác là bà Trần Thị Lan (84 tuổi, phường Quan Triều, TP Thái Nguyên) vào viện ngày 1/9/2016 và bà Nguyễn Thị Xuyên (50 tuổi, phường Quan Triều, TP Thái Nguyên) vào viện ngày 5/9/2016 đều ở giường số 12, phòng 212 nhưng các bệnh nhân đang điều trị cùng phòng đều cam kết và xác nhận hằng ngày các bệnh nhân này không có mặt điều trị tại khoa.
Cả 3 bệnh nhân được xác định là không điều trị tại khoa nhưng có bệnh án đều là người nhà của cán bộ, điều dưỡng tại khoa Nội Tiêu hóa- Tiết niệu, như trường hợp ông Nguyễn Thành Phương là bố đẻ và bà Trần Thị Lan là bà của điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Hoan.
Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thành Phương, bệnh án xác định sốt +đau bụng thượng vị nhưng vẫn được kê thêm nhiều loại thuốc đặc trị cho người bệnh ung thư như: Meromem, colistin 1.000.000UI, Levofloxacin, Nutriflex, Dismolan, Nhũ dịch lipid...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên yêu cầu “thông báo kết quả về BHXH tỉnh trước ngày 26/9/2016”, nhưng đến ngày 22/12/2016 Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên mới có văn bản trả lời cơ quan Bảo hiểm. Ngày 28/12/2016 Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên ký ban hành Thông báo về việc xử lý cán bộ quản lý là bà Trần Ngọc Anh với hình thức “phê bình nghiêm khắc”.
Trần tình từ phía bệnh viện
Lý giải vì sao lại chỉ “phê bình nghiêm khắc” đối với BS Trần Ngọc Anh, ông Nguyễn Thành Trung – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Thời điểm xảy ra vụ việc, chồng của BS Trần Ngọc Anh là bệnh nhân Đặng Văn Huỳ vừa phẫu thuật ung thư phổi có biến chứng. Bệnh viện xác định hành vi của BS Ngọc Anh là sai, tuy nhiên, lúc đó chúng tôi rất cân nhắc giữa“lý và tình”. Chồng của bác sĩ Ngọc Anh sống không được bao lâu nữa, cộng với việc, lãnh đạo bệnh viện lấy ý kiến bằng phiếu kín tại khoa về hình thức kỷ luật BS Ngọc Anh, đa số ý kiến (86%) đồng ý không kỷ luật.
Ông Nguyễn Thành Trung – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên |
“Ở đây, chúng tôi cũng suy nghĩ đơn giản là chuyện chia sẻ với đồng nghiệp. Chồng chị Ngọc Anh phẫu thuật ung thư phổi bị biến chứng, điều trị rất khó khăn, vất vả. Chị Ngọc Anh có trình bày trong lúc túng quẫn thì làm như vậy. Trong việc xử lý vụ việc, thông thường cứ làm kiểm điểm xong là cho nghỉ. Nhưng chúng tôi thấy thời điểm đó nếu làm như vậy thì sẽ gây sốc tinh thần rất lớn cho chồng chị Ngọc Anh và bản thân chị ấy. Chúng tôi cũng nhận thức được việc làm này của chị Ngọc Anh là sai hoàn toàn, đáng kỷ luật. Tôi không bao che mà chỉ nghĩ rằng, chị này trục lợi thuốc vì chữa bệnh cho chồng, giờ người chồng cũng đã mất rồi, xử lý vậy có nặng quá không, mà muốn tạo cơ hội cho chị ấy còn làm việc. Hai con chị ấy vẫn đang đi học đại học. Hoàn cảnh của mẹ con chị Ngọc Anh cần được chia sẻ.” – ông Trung nói.
Về ý kiến cho rằng việc xử lý vi phạm còn chậm trễ, hình thức xử lý chưa tương xứng, ông Trung cho biết: “Sự việc xảy ra vào tháng 9/2016 nhưng chúng tôi xét kỷ luật vào tháng 12/2016 vì lúc đó chúng tôi đã thu lại toàn bộ bệnh án, thuốc… Chị Ngọc Anh cũng đã phải bồi hoàn toàn bộ số thuốc đó. Sau đó, chúng tôi xuống khoa cùng đồng chí Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, hỏi ý kiến từng đồng chí sau đó cho bỏ phiếu kiến về hình thức kỷ luật. Hầu hết anh em đề xuất không kỷ luật, một vài người đề nghị phê bình. Sau đó, chúng tôi ra văn bản phê bình trước toàn bệnh viện”.
Ông Trung cũng trần tình thêm: “Chúng tôi thấy rằng, nếu hành vi ấy không xét trong trường hợp đặc biệt này thì dễ xử lý. Nhưng vì chồng chị Ngọc Anh sắp chết đến nơi rồi, mình cũng nên nương nhẹ một chút”.
Cũng theo Giám đốc Trung, Bệnh viện sẽ phải họp lại, xử lý sự việc theo đúng mức độ. Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã cho BS Ngọc Anh nghỉ công tác quản lý, tạm nghỉ việc và sẽ xét kỷ luật trong thời gian tới.
“Hội đồng kỷ luật của bệnh viện sẽ xem xét cụ thể, nhưng với những hành vi như vậy thì dự kiến ít nhất là phải chịu hình thức cảnh cáo” – ông Trung cho biết./.
Trục lợi BHYT: Tại dân gian hay bác sĩ tham?