Cá điêu hồng Tiền Giang điêu đứng vì tin đồn

Giá cá điêu hồng nuôi bè liên lục giảm làm cho ngư dân thua lỗ nặng vì tin đồn người nuôi cá sử dụng chất cấm.

Tiền Giang là một trong số địa phương có mô hình nuôi cá bè trên sông phát triển mạnh nhất vùng ĐBSCL. Toàn tỉnh có gần 1.500 lồng, bè tập trung ở cồn Thới Sơn, xã Tân Long (TP Mỹ Tho) và một số khu vực ven sông Tiền của huyện Châu Thành, Cai Lậy… Đa số các lồng bè nuôi cá điêu hồng.

Gần đây, giá cá bè liên lục giảm làm cho ngư dân thua lỗ nặng vì tin đồn người nuôi cá sử dụng chất cấm.

Ông Nguyễn Văn Phú (ở ấp Thới Hòa, xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho có hơn 10 năm nuôi cá bè trên sông Tiền. Vụ cá vừa rồi ông hòa vốn, mong vụ này thu lãi nhưng lại bị lỗ đến trên 140 triệu đồng. Hiện giá cá điêu hồng chỉ dao động từ 25.000 đồng- 25.500 đồng/kg, trong khi giá thành là hơn 29.000 đồng/kg. Như vậy mỗi kg cá, ông Phú lỗ hơn 3.500 đồng.

Một trong những nguyên nhân làm cho giá cá điêu hồng giảm giá ở mức thấp nhất so với trong những năm trước là do thời gian qua một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin không chính xác: Người nuôi cá điêu hồng  có sử dụng chất “cấm”, hoặc  các đối tượng xấu tung tin ăn cá Điêu hồng bị bệnh ung thư…

Mặc dù ngành chuyên môn đã có thông tin cải chính nhưng người tiêu dùng vẫn dè dặt trong tiêu dùng. Lợi dụng tình hình này nhiều thương lái mạnh tạy ép giá người nuôi. Trong khi đó giá thức ăn, thuốc thú y tăng từ 5-10%/ tháng, làm cho người nuôi càng thêm khó khăn.

Tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 500 bè cá điêu hồng đến giai đọan thu hoạch. Do giá thấp nên nhiều ngư dân phải “neo” cá lại nhưng giá vẫn không tăng. Một số hộ thu hoạch xong thua lỗ quá nặng phải bỏ bè trống, không nuôi mới. Nhiều ngư dân khác chỉ một vụ nuôi cá này thua lỗ từ 200- 300 triệu đồng.

Nuôi cá bè trên sông ở Tiền Giang đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển bền vững, các ngành chức năng địa phương cần có chiến lược quy hoạch vùng nuôi, hướng dẫn ngư dân thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật chăn nuôi.

Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tạo mối liên kết, hợp đồng tiêu thụ cá, đồng thời mạnh dạn có những ý kiến phản bác bỏ những thông tin sai lệch ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm của người nuôi cá./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên