Các ca tử vong do sốt xuất huyết đều ở miền Nam, đâu là nguyên nhân?
VOV.VN -Bộ Y tế cho biết, triệu chứng sốt xuất huyết trên ca bệnh tại miền Nam diễn biến âm thầm, không xuất huyết, phát ban rầm rộ như ngoài Bắc.
Dịch bệnh sốt xuất huyết đã xuất hiện tại 53 tỉnh, thành phố trong cả nước với gần 45.000 người mắc, trong đó ít nhất 28 trường hợp đã tử vong. Dịch bệnh này vẫn đang tăng nhanh tại nhiều địa phương, mỗi tuần phát hiện khoảng 1.000 ca mắc mới và từ 3 ca tử vong trở lên. Vì sao dịch bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh cả về số mắc và số tử vong?
Các bệnh viện quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết
Bệnh nhân của dịch bệnh sốt xuất huyết tăng chóng mặt thời gian gần đây đang khiến nhiều bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối và bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh thêm quá tải bệnh nhân. Tại một số bệnh viện lớn ở thành phố Hồ Chí Minh như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2… bệnh nhi không chỉ phải nằm ghép trong buồng bệnh mà còn phải nằm ngoài hành lang và dưới gầm cầu thang...
Nhiều bệnh viện quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết |
Tại Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đang quá tải nghiêm trọng do số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng hơn 2 lần so với tháng 8. Hiện mỗi ngày, bệnh viện này tiếp nhận gần 10 bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị nội trú nên bệnh nhân phải nằm ghép từ 2 đến 3 người/1 giường, mặc dù bệnh viện đã kê thêm giường ngoài hành lang.
Đa phần bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại đây là người sống ở Hà Nội. Đây cũng là địa phương có dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh nhất miền Bắc với gần 3.500 ca mắc từ đầu năm đến nay, tập trung chủ yếu tại quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì.
Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, khi thấy bệnh diễn tiến nặng là họ vượt lên tuyến Trung ương luôn. Có thể đây là một trong những lý do mà từ đầu mùa dịch đến nay, chưa bệnh nhân nào ở Hà Nội tử vong do sốt xuất huyết.
Bệnh nhân Phạm Văn Đỉnh tạm trú tại xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội cho biết: “Buổi sáng tôi vẫn đi dạy võ bình thường, đến tối đã sốt 40 độ nên 2 giờ đêm tôi vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngay. Tôi được theo dõi 3 ngày, ngày nào cũng vào xét nghiệm tiểu cầu. Đến ngày thứ 6, thứ 7 tiểu cầu giảm mạnh quá nên phải điều trị nội trú. Ở đây đông lắm, 3 bệnh nhân/1 giường”.
Sốt xuất huyết tại miền Nam diễn biến âm thầm
Đến nay, gần 30 bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong đều sống ở các tỉnh miền Nam, nhiều nhất là Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh… Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, kết quả kiểm tra, giám sát gần đây của Bộ Y tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong chỉ tập trung ở miền Nam.
Có một thực tế là triệu chứng sốt xuất huyết trên ca bệnh tại miền Nam diễn biến âm thầm, không xuất huyết, phát ban rầm rộ như ngoài Bắc, nhất là trong 3 ngày đầu nên người dân chủ quan, nghĩ mình chỉ bị sốt virus thông thường và tự mua thuốc về uống. Khi bệnh nặng, chuyển đến bệnh viện thì đã muộn, bệnh nhân suy kiệt sức khỏe, suy đa tạng, rất nguy hiểm cho tính mạng.
Ông Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, một nguyên nhân khác là cơ sở y tế tuyến dưới không đảm bảo các bước chuyển viện an toàn cho bệnh nhân, như không mang theo đủ phương tiện chống sốc trên xe vận chuyển hoặc không thông báo trước cho tuyến trên khi chuyển viện nên khi bệnh nhân đến phải chờ đợi lâu, thêm biến chứng nặng.
Bảng tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết |
“Nếu bệnh nhân sốt xuất huyết không được giám sát kỹ tại nhà, giám sát từ tuyến dưới đến tuyến trên thì việc xử trí rất khó. Tất cả các bệnh viện phải rà soát lại từ khâu tiếp đón bệnh nhân đến thuốc, dịch truyền, đặc biệt là phân công trực đón tiếp, chăm sóc bệnh nhân. Tại các tuyến dưới, khi người nhà đưa người bệnh đến muộn thì phải có hội chẩn kỹ, nếu quá nặng phải lọc máu và ECMO ngoài cơ thể thì phải chuyển tuyến trên ngay” – ông Lương Ngọc Khuê nói.
Trong vòng hơn 1 tháng, dịch bệnh sốt xuất huyết đã lan ra 53 tỉnh thành phố trong cả nước. Số người mắc và tử vong từ đầu năm đến nay đã tăng gấp rưỡi so với cả năm 2014. Nhưng theo Cục Y tế dự phòng, thời điểm này vẫn chưa phải đỉnh dịch như mọi năm, tức là số ca mắc sẽ tiếp tục tăng khi mùa mưa đang đến với các tỉnh miền Nam là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Hơn nữa từ năm 2008 đến 2013, mỗi năm, cả nước phát hiện từ 50.000 đến 100.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó khoảng 100 bệnh tử vong.
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì bệnh sốt xuất huyết diễn tiến nặng hay nhẹ còn do đáp ứng miễn dịch của cơ thể mỗi người. Có người có dấu hiệu bệnh nặng ngay từ ngày thứ 2 như sốt cao li bì từ 39 độ trở lên, nhức đầu dữ dội, nôn liên tục, đau tức vùng gan, thậm chí tiêu chảy… Với những biểu hiện này, người bệnh cần đến viện ngay, tránh tử vong vì đây là những dấu hiệu của bệnh nặng.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết do 4 tuýp virus dengue gây ra. Điều nguy hiểm là người từng mắc bệnh sốt xuất huyết do một tuýp virus gây ra, ngay sau đó vẫn có thể mắc bệnh do tuýp virus khác. Như vậy nguy cơ tử vong càng cao đối với người có sức đề kháng kém.
Chính vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh tăng nhanh, người dân cũng lo ngại tình trạng quá tải tại bệnh viện nên với nhiều người chỉ khi nào bệnh nặng mới đến các cơ sở y tế.
Dịch bệnh sốt xuất huyết cũng vì thế mà ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực của hệ thống điều trị, y tế dự phòng và sự hợp tác của người dân.
Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt. Vậy cơ quan chức năng và người dân phòng chống dịch bệnh này như thế nào mà không giảm được số ca bệnh ngay cả khi mùa mưa chưa đến? Phóng viên VOV sẽ trở lại vấn đề này trong bài tiếp theo./.