Các địa phương đối phó với bão số 5
VOV.VN - Dự kiến bão sẽ đổ bộ vào đất liền vào ngày 3/8.
Trước diễn biến bão số 5 và tình hình lũ trên hệ thống sông Hồng đang lên, các địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp đối phó.
** Tỉnh Thái Bình hiện vẫn còn gần 500 phương tiện với khoảng 1.400 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, có 21 phương tiện với hơn 150 lao động đang hoạt động trên vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa. Bộ đội Biên phòng tỉnh và chính quyền 2 huyện ven biển là Tiền Hải, Thái Thụy tiếp tục kêu gọi tàu thuyền và các hộ nuôi trồng thuỷ sản vào vùng an toàn.
Các Công ty khai thác công trình thủy lợi Nam và Bắc Thái Bình cùng các địa phương cũng chủ động đóng các cống tưới, mở cống tiêu, tiêu nước triệt để trên các khu vực nội đồng và các trục sông tiêu, đề phòng bão gây mưa lớn, ngập úng lúa mùa mới cấy.
Ông Nguyễn Phú Nhuận, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình cho biết: “Sáng nay (1/8), chúng tôi đã cử 3 đoàn xuống các điểm xung yếu, các huyện trọng điểm, vùng đê cửa sông để kiểm tra, đôn đốc. 16h ngày 1/8, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh họp để đưa ra các biện pháp quyết liệt hơn, đồng thời giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành cụ thể để triển khai đối phó với bão trên tinh thần khẩn trương và hiệu quả”.
** Tỉnh Nam Định đang tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Hiện các địa phương trong tỉnh đang triển khai tiêu nước đệm để chống úng cho lúa mùa.
Đặc biệt, tại 3 huyện ven biển: Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng, tỉnh chỉ đạo triển khai các phương án bảo vệ an toàn cho ngư dân sinh sống ngoài bãi sông, ven biển, khu du lịch và khu nuôi trồng thủy sản. Tại những đoạn đê kè xung yếu, cao trình thấp, tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động vật tư, nhân lực để ứng cứu kịp thời khi mưa bão xảy ra.
Ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh đã chỉ đạo những huyện có đê sông và đê biển thường xuyên kiểm tra công trình kè, cống và phát hiện xử lý kịp thời những công trình hư hỏng. Tỉnh yêu cầu cấm tất cả các phương tiện vận tải đi trên đê, trừ phương tiện phòng chống lụt bão; đồng thời chủ động sơ tán dân khi có lệnh.
** Tính đến 15h ngày 1/8, các lực lượng phòng chống lụt bão Nghệ An đã thông tin diễn biến cơn bão số 5 đến 4.500 tàu thuyền đánh bắt hải sản trên địa bàn. Gần 2.800 phương tiện, với hơn 11.000 lao động đã vào bờ trú ẩn an toàn.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An chỉ đạo các địa phương hướng dẫn ngư dân neo đậu, chằng chống tàu thuyền để hạn chế va đập, nghiêm cấm ngư dân không ở lại trên thuyền khi bão đổ bộ vào bờ nhằm đảo bảo an toàn cho người và tài sản; triển khai rà soát và chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời dân tại các vùng xung yếu khi mưa bão lớn xảy ra; chỉ đạo các địa phương kiểm tra an toàn các công trình hồ chứa, cống tiêu, huy động nhân lực trực suốt ngày đêm tại các hệ thống công trình thủy lợi để kịp thời xử lý tình huống xấu khi bão đổ bộ vào đất liền.
** Bão đổ bộ vào đất liền vào ngày 3/8
Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 5 (Jebi) dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền trong ngày 3/8, có vùng ảnh hưởng tới các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, bão đổ bộ vào buổi chiều cùng lúc xảy ra triều cường sẽ làm nước biển dâng kèm sóng lớn tới 4m. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra và gia cố lại các điểm xung yếu trên tuyến đê biển./.