Các địa phương gấp rút khoang vùng, xét nghiệm tất cả trường hợp là F1, F2
VOV.VN - Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, cùng với triển khai các biện pháp phòng chống dịch, các địa phương gấp rút khoang vùng, xét nghiệm tất cả trường hợp là F1, F2 tiếp xúc với người mắc COVID-19.
Phóng viên Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc thông tin, ngay sau khi ghi nhận thêm trường hợp bệnh nhân 3096 dương tính với Covid-19, tỉnh Điện Biên đã nâng mức chống dịch lên tình thế cấp bách, đồng thời yêu cầu các địa phương siết chặt quản lý các hoạt động tập trung đông người.
UBND tỉnh Điện Biên đã yêu cầu người đứng đầu các đơn vị, địa phương và nhân dân tiếp tục thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”, tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục tạm dừng nhiều dịch vụ không thật sự cần thiết, như: quán bar, karaoke, vũ trường, trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, quán gội đầu, quán bia hơi, các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, phòng tập gym... nơi có nguy cơ cao lây lan dịch Covid-19. Không tổ chức các hoạt động tập trung đông người không cần thiết như: Lễ hội, các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Không tổ chức đám cưới, lễ tang có trên 20 người tham gia cho đến khi có thông báo mới.
Các cơ sở, dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được bán trong nhà và phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1m giữa người với người, bàn cách bàn tối thiểu 2m. Nghiêm cấm sử dụng vỉa hè để kinh doanh.
Theo đó, mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch sẽ được xử lý nghiêm minh theo quy định..Nêu cao vai trò người đứng đầu cơ quan, đơn vị và quy trách nhiệm cho người đứng đầu đối với tập thể.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên (CDC) cũng đã ra nhiều thông báo khẩn để truy vết các F, nhất là sau khi ghi nhận thêm trường hợp bệnh nhân Covid-19 số 3147 có mặt tại Điện Biên trong 2 ngày với lịch trình di chuyển dày đặc tại nhiều địa điểm, phức tạp trong các ngày từ 1-2/5 vừa qua.
Bên cạnh đó CDC cũng yêu cầu những công dân bay trên chuyến bay số VN160 ngày 29/4 từ Đà Nẵng ra Hà Nội (có chuyên gia Trung Quốc mắc Covid-19) và cùng bệnh nhân 3096 khẩn trương đến cơ sở y tế để tiến hành khai báo.
Riêng đối với các lực lượng chức năng thành phố Điện Biên Phủ cũng đang khẩn trương truy vết những người liên quan đến các trường hợp đi về từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, từ Sa Pa - Lào Cai và Bệnh viện K - Cơ sở Tân Triều Hà Nội… để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Theo phóng viên Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc, Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho biết, đến nay tất cả các trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm SARS-CoV-2 là 21 trường hợp F1 và 7 người về từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở II đều có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính.
Tỉnh Lai Châu đã nâng cấp 4 Chốt kiểm dịch Covid-19 thành các Chốt kiểm soát liên ngành tạm thời phòng, chống dịch bệnh Covid-19, để kiểm soát người và phương tiện ra vào địa bàn.
Đến nay, tỉnh Lai Châu ghi nhận có 21 người F1 và 7 người về từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở II. Đây là những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh SARS-CoV-2 cao. Ngay sau khi truy vết được các trường hợp này, cơ quan chức năng địa phương đã đưa đi cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Đến nay tất cả các trường hợp này đều có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính và đang tiếp tục được cách ly, theo dõi, chờ lấy mẫu lần 2.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho biết: Ngành Y tế đã phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục mở rộng việc truy vết.
"Điều tra dịch tễ tất cả những người trên địa bàn có tiếp xúc gần và có liên quan đến các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19. Ngành cũng tiến hành thực hiện việc kiểm dịch y tế đối với tất cả số người nhập cảnh vào địa bàn tỉnh qua các cửa khẩu hoặc các lối mở, tuyệt đối không để dịch lây lan trong các khu vực cách ly hoặc lây ra cộng đồng", ông Hải nói.
Ngoài các trường hợp có nguy lây nhiễm dịch bệnh cao, đến nay tỉnh Lai Châu cũng đã truy vết được hơn 2.000 trường hợp F2 và hơn 11.000 trường hợp F3 liên quan đến các ca bệnh Covid-19. Trong đó, địa phương đã lấy mẫu xét nghiệm lần 1 cho gần 2.000 trường hợp F2 và tất cả đều có kết quả âm tính.
Trong tuần qua, địa phương cũng phát hiện 9 trường hợp về từ Trung Quốc, trong đó có 8 người nhập cảnh trái phép và tất cả những người này đều đã được đưa đi cách ly y tế tập trung theo quy định.
Bắt đầu từ 22 giờ đêm qua (7/5), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Lai Châu cũng đã kích hoạt chốt kiểm dịch Covid-19 số 3 tại quốc lộ 12, để kiểm soát người và phương tiện từ vùng dịch Điện Biên vào địa bàn tỉnh.
Như vậy, đến nay tỉnh Lai Châu đã nâng cấp 4 chốt kiểm dịch Covid-19 thành các Chốt kiểm soát liên ngành tạm thời phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để kiểm soát người và phương tiện vào địa bàn tại các quốc lộ 4D, 279, 32 và 12.
Nhóm phóng viên Thành Nam-Nguyễn Dương/VOV-Đông Bắc cho biết từ 0h ngày 8/5, tỉnh Quảng Ninh tái thiết lập các chốt kiểm soát Covid-19 liên ngành tại các địa bàn tiếp giáp với tỉnh, thành phố khác.
Sáng 8/5, chốt kiểm soát liên ngành đầu cầu Bạch Đằng (Cao tốc Hải Phòng - Hạ Long) đã tăng cường kiểm soát y tế phòng chống dịch. Toàn bộ người vào Quảng Ninh đều phải khai báo y tế điện tử, xuất trình chứng thư nhân dân, thẻ căn cước hoặc giấy tờ tương đương kèm theo sổ hộ khẩu hoặc sổ đăng ký tạm trú.
Thượng úy Phí Nguyên Long, đang làm nhiệm vụ tại chốt cầu Bạch Đằng cho biết đối với những trường hợp có hộ khẩu thường trú tại các vùng có dịch như Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội,… lực lượng CSGT tại chốt yêu cầu các phương tiện này quay đầu.
Còn tại chốt kiểm soát cầu Đá Bạc đoạn tiếp giáp từ thành phố Uông Bí sang huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng), công tác kiểm soát dịch tại đây cũng được tăng cường khi công nhân từ thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí, thị xã Đông Triều,… phải thường xuyên di chuyển sang Hải Phòng làm việc.
Thiếu tá Nguyễn Tiến Định, cán bộ tại chốt kiểm soát cầu Đá Bạc cho biết: Mỗi ngày có hơn 200 lượt xe khách với khoảng 10.000 công nhân qua lại chốt. Lực lượng kiểm soát liên ngành đã triển khai các phương án để giảm bớt ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân làm việc ở Hải Phòng khai báo y tế khi trở về Quảng Ninh.
"Hiện nay thì các doanh nghiệp đã cam kết với tỉnh là tất cả công nhân đi vào làm việc tại Hải Phòng, Hải Dương thì công ty sẽ chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm. Còn quá trình đi qua khu vực chốt thì lực lượng CSGT và thanh tra giao thông sẽ tiến hành giám sát đối với các phương tiện vận chuyển công nhân này", Thiếu tá Nguyễn Tiến Định cho biết.
Dù vậy, ghi nhận của phóng viên VOV sáng 8/5 vẫn cho thấy có một vài điểm chốt chưa hoạt động hiệu quả do địa phương chưa bố trí đủ được lực lượng, phương tiện... và tình trạng này sẽ được khắc phục trong một vài ngày tới./.
Theo phóng viên Huy Nam/VOV1, sáng nay (8/5), ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đi kiểm tra công tác phong tỏa, phòng chống dịch ở các thôn có ca bệnh tại xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Đến thời điểm này, huyện Thường Tín có 10 trường hợp F0 (đều đã được chuyển viện điều trị); 326 trường hợp F1 được cách ly tập trung, lấy mẫu và đang chờ kết quả; 604 F2.
Liên quan đến ổ dịch ở xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín đã phong tỏa tạm thời phố Tía, thôn Tử Dương, An Duyên và Đông Duyên (những nơi có F0). Nhấn mạnh tính phức tạp ổ dịch ở xã Tô Hiệu - địa bàn có quốc lộ 1 đi qua, ông Chử Xuân Dũng yêu cầu việc phong tỏa, đánh giá dịch tễ cần thực hiện nhanh chóng; khẩn trương truy vết các trường hợp F1, không để mất dấu. Đồng thời, đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc, có kết quả trong ngày mai để làm căn cứ giảm bớt vòng phong tỏa để bà con sớm trở lại cuộc sống bình thường…
Phóng viên Công Luận/VOV-Đông Bắc phản ánh, ngày 8/5, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó có việc tái lập 3 Trạm kiểm soát y tế tại các cửa ngõ giao thông vào tỉnh.
Theo đó, Cao Bằng sẽ tái lập 3 Trạm kiểm soát y tế phòng chống dịch Covid-19 tại cửa ngõ ra vào tỉnh trên tuyến Quốc lộ 3, tuyến đường tỉnh 212 tại huyện Nguyên Bình, tiếp giáp tỉnh Bắc Kạn. Trạm thứ ba sẽ đặt trên tuyến Quốc lộ 4A, tiếp giáp tỉnh Lạng Sơn.
UBND tỉnh Cao Bằng cũng yêu cầu từ ngày 10/5 sẽ tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage, quán bar, game, phòng gym, các quán ăn, uống, trà đá, cà phê vỉa hè, đường phố. Tạm dừng các cuộc họp không cần thiết, các nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, ca nhạc, văn nghệ, các hoạt động, sự kiện tập trung đông người tại nơi công cộng cho đến khi có thông báo mới.
Các cơ sở được phép hoạt động phải tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt và đảm bảo giãn cách theo quy định. Bên cạnh đó, Cao Bằng tiếp tục yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát, xác minh các trường hợp tiếp xúc với ca mắc covid-19 và các trường hợp liên quan, đồng thời thực hiện tốt công tác khai báo y tế theo quy định.
Đến thời điểm này Cao Bằng chưa phát hiện ca dương tính, nhưng đã xác định được hàng trăm trường hợp trở về từ các địa phương có dịch như Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng….
Theo phóng viên Kim Dung/VOV-TPHCM, Sở Y tế TP.HCM cho biết, theo danh sách của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, đến nay trên địa bàn TP.HCM đã có 24 đơn vị được phép thực hiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR.
Cụ thể, trong đó có 9 cơ sở và bệnh viện trực thuộc Bộ, Ngành trên địa bàn thành phố, đó là Viện Pasteur TP.HCM, Viện Y tế công cộng TP.HCM, Trung tâm Y tế dự phòng Quân đội phía Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm Y học, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Quân y 7A.
Cùng với đó, 9 cơ sở và bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế TPHCM là Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch; Bệnh viện Quận Thủ Đức, Bệnh viện Quận 2, Bệnh viện Nhân dân 115.
4 bệnh viện tư nhân, gồm Bệnh viện FV , Bệnh viện Gia An 115, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn; Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Ngoài ra còn có 2 chi cục thú y vùng: Chi cục Thú y vùng VI và Chi cục Thú y vùng VII.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trên địa bàn thành phố đã được Bộ Y tế công nhận và cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 chịu trách nhiệm bảo đảm duy trì năng lực xét nghiệm; tăng cường việc lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện báo cáo theo quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM.
Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, từ ngày 30/4, Thành phố mở rộng lấy mẫu xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên các khu vực nguy cơ như bệnh viện, khu du lịch, chợ, sân bay, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn, dịch vụ vận chuyển, khu chế xuất…
Hiện có 2.906 mẫu có kết quả xét nghiệm đều cho kết quả âm tính./.
Phóng viên Quang Sáng /VOV-Tây Nguyên cho biết, chiều 8/5, UBND tỉnh Lâm Đồng có công văn hỏa tốc chỉ đạo tạm dừng nhiều hoạt động dịch vụ trên địa bàn và kích hoạt toàn bộ hệ thống tham gia phòng chống Covid-19.
Theo đó, ngoài các dịch vụ quán bar, karaoke, vũ trường, trò chơi điện tử đã tạm dừng hoạt động vào đầu tuần này, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tiếp tục cho tạm dừng hoạt động các dịch vụ massaege, xông hơi, cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ, vật lý trị liệu, rạp chiếu phim, dịch vụ internet công cộng, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em, phòng Trà ca nhạc, câu lạc bộ hát với nhau, phòng tập gym, bể bơi và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật khác kể từ 19h tối 8/5.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào tỉnh, UBND tỉnh cũng vận động, khuyến khích người dân tạm dừng tổ chức lễ cưới, tiệc liên hoan, tiệc mừng nhà mới, các lễ nghi tôn giáo...
Đối với lễ tang tổ chức đơn giản, gọn, hạn chế tập trung đông người. Riêng các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vẫn cho phép phục vụ nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn và các quy định phòng dịch Covid-19 của Bộ Y tế.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nâng cao mức độ cảnh báo và kích hoạt toàn bộ hệ thống tham gia phòng chống Covid-19. Công an tỉnh quản lý chặt chẽ công tác lưu trú, tạm trú; thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý người nước ngoài đến cư trú, tạm trú bất hợp pháp trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin không đúng, sai sự thật về Covid-19 gây hoang mang trong dư luận.
Tính đến trưa 8/5, tỉnh Lâm Đồng có 52 trường hợp về từ các vùng dịch trong nước đang được theo dõi, giám sát cách y tế. Trong đó, có 14 trường hợp F1 được cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính với Covid-19./.