Các địa phương khắc phục hậu quả bão số 1

Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất bởi cơn bão số 1

Ngày 2/4, Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, theo báo cáo nhanh từ một số địa phương, bão số 1 đã làm 1 người chết, 1 người mất tích, 24 người bị thương; 7 tàu neo đậu tại bến bị sóng đánh; 4 tàu bị hư hỏng. Mưa bão cũng làm sập đổ 195 ngôi nhà; gần 2.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 7 trường học bị hư hỏng; 8.600 ha lúa bị đổ, hư hỏng; hơn 121 hecta rau màu bị hư hại.

** Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất bởi cơn bão số 1. Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay, bão số 1 đã làm bị thương 19 người; 104 nhà bị sập và cuốn trôi; 1.369 căn nhà bị tốc mái; 6 trại chăn nuôi bị sập; 25 trụ điện bị gãy đổ; 7 tàu cá bị chìm; đứt một số đường dây điện trung và hạ thế; hàng trăm cây xanh bị ngã đổ. Trong đó, Xuyên Mộc là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 846 nhà dân bị tốc mái. Rất may không có thiệt hại về người.

Gần 2.300 người dân của hai xã và thị trấn ven biển huyện Cần Giờ là xã Thạnh An, xã Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh phải di dời để tránh bão (Ảnh: Dân trí)

Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn đã làm việc với các địa phương và đại diện Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh để đánh giá, rút khinh nghiệm về đợt phòng chống cơn bão số 1 vừa qua. Trước mắt, tỉnh tập trung các nguồn lực khắc phục những thiệt hại do bão gây ra.

Ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Thường trực Ban Chỉ huy có công điện gấp yêu cầu Công ty Điện lực BR - VT khẩn trương khôi phục lại các hệ thống điện, cố gắng khắc phục trong ngày hôm nay, để mọi hoạt động sinh hoạt, sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Thống kê về cơ sở vật chất, nhà cửa, phương tiện bị ảnh hưởng để có thống kê chính thức từ đó có các chính sách hỗ trợ theo quy định hiện hành”.

** Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai, tính đến sáng 2/4, bão số 1 đã làm 1 người chết và 5 người bị thương. Cũng do ảnh hưởng của bão số 1, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có 693 căn nhà tốc mái; chủ yếu ở huyện Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch, thành phố Biên Hòa. Ngoài ra, mưa to, gió lớn trong ngày hôm qua đã gây thiệt hại hoàn toàn 25 bè cá của các hộ dân thuộc huyện Vĩnh Cửu. Một số tuyến như tỉnh lộ 764, 769, cây cao su đổ ngã ra đường, ngành giao thông vận tải đã phối hợp với công ty Cao su Đồng Nai xử lý đảm bảo giao thông thông suốt.

Sáng 2/4, UBND tỉnh Đồng Nai họp chỉ đạo các địa phương khẩn trương thống kê và báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân; thiệt hại về cây trồng trên địa bàn, chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại theo quy định hiện hành.

** Sáng 2/4, UBND TP HCM chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai khắc phục hậu quả của bão số 1.

Từ 16 giờ đến 22 giờ tối 1/4, bão số 1 dù đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng đã gây ra mưa to kèm theo gió mạnh cấp 7, cấp 8, làm sập và tốc mái 427 căn nhà, 11 ghe thuyền bị chìm, hư hỏng 85 hệ thống điện tại TP HCM. Gần 300 cây xanh trên dọc các tuyến đường của thành phố bị gãy đổ và bật gốc, gây ùn tắc giao thông ở nhiều tuyến đường nội thành.

Sáng 2/4, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP HCM phối hợp với Điện lực thành phố và chính quyền các địa phương huy động hơn 3.000 cán bộ và nhân viên tiến hành dựng lại cột điện, cưa chặt những cây bị gãy, chống đỡ các cây ngã đổ và dọn dẹp vệ sinh đường phố nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và trả lại mỹ quan đô thị.

** Trong khi các địa phương khắc phục hậu quả bão số 1, sản xuất nông nghiệp ở khu vực Tây Nguyên thu được lợi lớn sau khi bão số 1 đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhất là ở các địa phương phía Đông Nam khu vực, như huyện M’Đrăc, Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng). Trong đó, Ea Kar và M’Đrăk có tổng lượng mưa đo được lên tới 160 và 170 mm, vừa tưới đẫm cho hàng chục nghìn ha cà phê, vừa giải thoát nhiều diện tích lúa nước khỏi nguy cơ hạn cuối vụ.

Từ đêm 1/4 đến sáng 2/4, áp thấp nhiệt đới di chuyển về phía Tây Bắc, gây mưa vừa ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), Đắk Mil, Đắk Song (tỉnh Đắk Nông). Lượng mưa ở các huyện này, tính từ đêm qua đến 13 giờ ngày 2/4 đạt từ 30 - 45mm. Cùng thời gian này, thời tiết ở phía Đông Nam Tây Nguyên đã tạnh ráo.

Như vậy, tính đến 13 giờ chiều nay, áp thấp nhiệt đới đã gây mưa trên hầu khắp Tây Nguyên, tổng lượng mưa đạt từ 30 đến 170mm, dập tắt nguy cơ cháy rừng, giải hạn cho toàn bộ cây trồng trong khu vực.

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 1, ngày 1 và 2/4, tại các tỉnh Nam Trung bộ có mưa vừa đến mưa to, mực nước các sông dâng cao, nhiều hồ thủy lợi xả lũ khiến nhiều vùng hạ lưu bị ngập. Sáng 2/4, mực nước các sông ở tỉnh Khánh Hòa đang lên, các hồ chứa Suối Dầu, Cam Ranh ở huyện Cam Lâm và hồ Am Chúa tại huyện Diên Khánh tiếp tục xả lũ với lưu lượng 40 m3/giây. Từ tối qua đến sáng nay, các xã ven sông Cái thuộc huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang bị ngập lụt cục bộ; giao thông tại một số khu vực bị ách tắc, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Tại huyện Khánh Vĩnh, mưa lớn cũng đã làm ngập úng hơn 600 ha lúa Đông Xuân sắp thu hoạch. Ông Nguyễn Duy Quang, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa cho biết: Lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm ông Hà Hương, trú tại xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh bị nước cuốn trôi vào chiều ngày 1/4.

Mưa to trên địa bàn huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên cộng với Thủy điện sông Hinh xả lũ khiến các xã nằm ở hạ lưu sông Bàn Thạch bị ngập. Hiện nay, nhiều diện tích lúa đang ngậm sữa và sắp thu hoạch nên thiệt hại là rất lớn. Ông Lê Quang Hân ở xã Hòa Xuân Đông cho biết, ngày và đêm qua, người dân địa phương đã ra đồng dùng bao cát đắp bờ bao. Tuy nhiên, do nước lên nhanh tràn hết bờ gây hư hại diện rộng. Cả xã có gần 600 héc ta lúa cùng diện tích tôm nuôi đều bị ngập./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên