Các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với siêu bão

VOV.VN - Siêu bão dự kiến vào đất liền từ chiều tối 7/9 có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn ở những địa phương bão đi qua. Để ứng phó với siêu bão, các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

 

PV Vũ Miền/VOV-Đông Bắc thông tin, chịu ảnh hưởng trực tiếp của siêu bão, đến trưa nay, huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận những đợt gió cấp 5-6, biển động. Địa phương đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3 và hoàn lưu của bão theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”. 

Để chủ động phòng chống bão số 3, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đã điều động hơn 100 lượt phương tiện, gần 400 cán bộ chiến sỹ phối hợp chính quyền địa phương thông tin về hướng di chuyển của bão và hỗ trợ người dân chằng buộc tàu thuyền tại các khu vực neo đậu an toàn. Quảng Ninh phấn đấu trước 16h ngày 6/9 sẽ hoàn thành việc đưa người dân ở các khu vực nguy hiểm tới nơi an toàn; hỗ trợ ngư dân gia cố lồng bè thủy hải sản...

Trung tá Bùi Anh Đức, Đồn trưởng đồn Biên phòng Đảo Trần, huyện Cô Tô cho biết: "Đồn Biên phòng đảo Trần đã cử trên 30 lượt cán bộ, chiến sỹ thông báo, tuyên truyền, kêu gọi yêu cầu các chủ phương tiện và ngư dân hoạt động trên vùng biển đảo Trần về nơi tránh trú bão an toàn. Đơn vị cũng cử 42 lượt cán bộ chiến sỹ xuống địa bàn, giúp đỡ 9 hộ dân đang sinh sống trên đảo chằng chống nhà cửa, neo buộc phương tiện. Đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ bão số 3 và hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bão số 3 gây ra".

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu tất cả các địa phương chủ động các biện pháp ứng phó theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” nhằm xử lý tốt các tình huống xấu ngay từ cơ sở. Bà Nguyễn Thị Thanh Thái, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Thanh Lân (huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) cho biết đến trưa nay, khu vực xã đảo đã ghi nhận những đợt gió cấp 5, cấp 6, biển động.

"Xã Thanh Lân đã thông báo rộng rãi trên hệ thống phát thanh, các trang mạng xã hội, Zalo của khu dân cư để thông tin cho bà con nhân dân đặc biệt là ngư dân nắm bắt được mức độ nguy hiểm của bão số 3. Các hộ gia đình có nguy cơ tốc mái, sụt lún, địa phương đã có phương án vận động di dời đến nhà người thân hoặc bố trí địa điểm nhà văn hóa, trạm y tế và trạm biên phòng để người dân tránh trú tạm thời trong trường hợp khẩn cấp", bà Thái cho hay.

Chính quyền huyện Cô Tô hỗ trợ chằng chống nhà cho ngư dân

CTV Thu Báu/VOV-Đông Bắc cho hay, là huyện đảo chịu tác động trực tiếp của bão số 3, Cô Tô (Quảng Ninh) đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống trước khi bão đổ bộ. Đến trưa nay, huyện Cô Tô có gió cấp 5-6, hướng gió Đông Nam, trời trong, nắng gắt, không mưa.

Trước khi bão số 3 đổ bộ, các cấp chính quyền địa phương tại huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) tiếp tục phối hợp với các lực lượng quân đội, công an... kiểm tra công tác phòng chống bão ở các thôn, khu; huy động lực lượng chằng chống nhà cửa cho người dân, kiểm tra các nơi xung yếu, có nguy cơ sạt lở nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân.  

Thị trấn Cô Tô đã phối hợp với lực lượng biên phòng kiểm tra Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Vịnh Bắc Bộ; yêu cầu các chủ phương tiện chằng chống thuyền bè, di chuyển người lên bờ trước 12h ngày 6/9. Một số phương tiện tỉnh ngoài vào neo đậu tại đây cũng được địa phương thông tin về bão số 3 và yêu cầu các hộ dân kí cam kết thực hiện di chuyển vào nơi tránh trú an toàn.  

Hiện huyện Cô Tô có khoảng 10 hộ dân trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng đã hỗ trợ các hộ dân sử dụng bao cát, chằng chống mái nhà và di chuyển người vào khu vực tránh trú an toàn; tiếp tục rà soát các bè nuôi trồng thủy sản, tàu bán hàng trên biển, các bãi ốc, yêu cầu không để người ở lại trên tàu, bè nuôi thủy sản, trên bãi nuôi ốc khi có bão về; chỉ đạo tháo dỡ lều, quán ở các bãi biển; thông báo đến các cơ sở lưu trú có khách du lịch đang lưu trú biết về tình hình của bão để khách du lịch chủ động có kế hoạch di chuyển vào đất liền.

Hơn 1000 tàu thuyền đã vào nơi trú tránh bão ở Thái Bình

 

Theo PV Văn Hải/VOV1, chủ động ứng phó với bão số 3, đến thời điểm này một số huyện ven biển của tỉnh Thái Bình đã thực hiện cấm biển từ 5h sáng nay nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cấp bách đến 18h nay hoàn thành việc di dân từ vùng có nguy cơ cao gặp nguy hiểm đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, ngành giáo dục địa phương cũng đã có văn bản cho phép học sinh nghỉ học hôm nay và ngày mai.

Theo ghi nhận của phóng viên đến trưa nay tại vùng ven biển của tỉnh Thái Bình, trời oi nóng, thỉnh thoảng có mưa rào hoặc mưa nhỏ, bà con nơi đây đang tích cực chằng chống mái tôn, mái ngói nhà cấp 4, sẵn sàng ứng phó với bão số 3.

Dọc các lạch sông từ cửa biển vào ở 2 huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải là nơi đã có hơn 1000 tàu thuyền đã neo đậu an toàn. Chỉ còn một số phương tiện hoạt động gần bờ đang trên đường vào đất liền tránh trú bão.

Trung tá Trần Bình Trọng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền, huyện Thái Thụy cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với địa phương thông tin đường đi của bão và kêu gọi tàu thuyền vào bờ tìm nơi trú tránh an toàn. Đến trưa nay tại cảng Diêm Điền chỉ còn 1 tàu thuyền đang trên đường vào bờ, dự kiến trưa nay sẽ vào đến đất liền…”

Trong sáng nay, tỉnh Thái Bình tổ chức 4 đoàn đi thị sát, kiểm tra công tác phòng chống bão tại các huyện Thái Thuỵ, Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Vũ Thư, chỉ đạo các địa phương triển khai phương án phòng chống bão rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ, sẵn sàng lực lượng và phương tiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 của huyện Thái Thụy, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải yêu cầu: “Không được chủ quan. Lực lượng chức năng phải nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, di dời hết người dân ở vùng có nguy cơ gặp nguy hiểm, phải có danh sách từng người một. Thậm chí phải cưỡng chế di dời nếu có tình trạng chần chừ…”

Tỉnh Thái Bình có khoảng 25.000 ha lúa mùa đã trổ bông, chiếm 35% diện tích đã gieo cấy và còn gần 5.000 ha cây màu chưa thu hoạch. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển trai phương án tiêu úng nhằm giảm thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời yêu cầu Ban Quản lý khu Công nghiệp Liên Hà Thái thông tin cho các nhà đầu tư, nhất là doanh nghiệp nước ngoài biết rõ những nguy cơ có thể xảy ra khi bão đổ bộ để chủ động phòng chống, đảm bảo an toàn cho sản xuất công nghiệp.

Hà Nội không chủ quan,  thực hiện đồng bộ phương châm "4 tại chỗ" hạn chế thấp nhất thiệt hại 

Phóng viên VOV.VN thông tin, sáng 6/9, trước nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của "siêu bão" Yagi (Bão số 3), Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội họp chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm an toàn về người và tài sản trên địa bàn Thành phố.

Báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương... cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng trực, bố trí con người và phương tiện để ứng phó các tình huống khẩn cấp do ảnh hưởng của Bão số 3 như: Bố trí hàng nghìn người và hàng trăm phương tiện làm nhiệm vụ tiêu thoát nước, chống úng ngập; bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu, không để tăng giá; duy trì hệ thống điện an toàn; hạ mực nước các hồ trên địa bàn xuống mức thấp cần thiết... Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo yêu cầu các trường không tổ chức học, kể cả học thêm vào thứ Bảy (7/9). Công an Thành phố đã bố trí lực lượng trực bảo vệ trật tự an ninh trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là các địa điểm trọng tâm, trọng điểm. Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ đạo các lực lượng và phối hợp với các đơn vị của Bộ Quốc phòng trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi cần.

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị các cấp Thành phố vào cuộc tham gia phòng, chống Bão số 3 trên tinh thần không chủ quan, thực hiện bài bản, nghiêm túc, chặt chẽ với mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người và giảm tối đa thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo triển khai các phương án phòng, chống Bão Yagi một cách chủ động, đồng bộ, toàn diện với phương châm “4 tại chỗ”; trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn...

Các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm các kế hoạch, phương án theo chức năng, nhiệm vụ, tăng cường phối hợp, tập trung hỗ trợ các địa phương, các địa bàn chịu ảnh hưởng lớn của Bão và hỗ trợ Nhân dân; duy trì hoạt động liên tục của các cơ sở, hạ tầng thiết yếu, nhất là thông tin liên lạc, cơ sở y tế...

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh lưu ý các cấp, các ngành, các báo, đài, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để chủ động phối hợp phòng, chống lụt bão; bảo đảm không xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan, nhưng không gây hoang mang, sợ hãi.

Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, theo phân công phụ trách địa bàn, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt bão bảo đảm hiệu quả cao nhất; phối hợp chặt chẽ với UBND Thành phố để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.

Yên Bái khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3

 

PV Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc thông tin, tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái ngay khi tiếp nhận thông tin về sự xuất hiện, cùng diễn biến nguy hiểm của bão số 3 và mức độ ảnh hưởng của nó, Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện đã chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT & TKCN các xã chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống; cử các lực lượng thường trực 24/24h để tiếp nhận các thông tin chỉ đạo, ghi nhận các tình huống khẩn cấp trong ứng phó, khắc phục, đảm bảo không bị động, bất ngờ.

Bà Nông Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: sau khi phát đi các thông báo cảnh báo đến các xã, thị trấn thì ngay trong ngày hôm nay 6/9, huyện đã triển khai các đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 ở tất cả 24 xã, thị trấn trên địa bàn.

"Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn từ cấp huyện đến xã tổ chức trực ban 24/24 giờ. Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi sát sao tình hình diễn biến thời tiết, sẵn sàng nhân lực, phương tiện để tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống", bà Nông Thu Hà cho hay.

Thị xã Nghĩa Lộ nằm trong lòng chảo cánh đồng Mường Lò, bao quanh là đồi núi; đồng thời là nơi có nhiều con suối lớn chảy qua, như suối Nậm Đông, Ngòi Nhì, suối Xuân, suối Nậm Tộc… nên thường chịu ảnh hưởng bởi cả 4 loại hình thiên tai là ngập lụt, dông lốc, lũ quét và sạt lở đất.

Nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 3, thị xã đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó xác định rõ các khu vực trọng yếu cần đề phòng như nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt, lũ quét; xác định các khu vực có khả năng tập kết các điều kiện ứng cứu khi có thiên tai xảy ra.

Trong sáng 6/9, lãnh đạo thị xã đã đi kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3 tại 16/16 xã, phường. Trong đó tập trung rà soát lại gần 600 hộ dân thuộc diện nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sẵn sàng phương án di dời đến nơi an toàn; chỉ đạo các xã, phường bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại khu vực ngầm tràn Nậm Đông, xã Phù Nham; các điểm xung yếu tại bản Thón, bản Lanh, xã Phúc Sơn; bản Mường Chà, bản Lốm, xã Hạnh Sơn; thôn Nậm Tăng, xã Thạch Lương…

Song song với đó là dự báo, cảnh báo tình hình mưa lũ đến người dân qua nhóm zalo, hệ thống truyền thanh của xã, phường.

Ông Vũ Đức Trung, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Căn cứ trên thông tin dự báo của Trung ương cũng như của tỉnh, thị xã Nghĩa Lộ đã chỉ đạo trực tiếp tới các xã, phường, các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai của thị xã để thông tin, cảnh báo đến người dân qua Đài Truyền thanh – Truyền hình của thị xã, cũng như qua các nhóm zalo để người dân chủ động phòng tránh. Cùng với thông tin, chúng tôi tổ chức các đoàn đi kiểm tra, nhắc nhở đối với công tác phòng chống thiên tai tại cơ sở".

Thực hiện Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về chủ động ứng phó với bão số 3, được dự báo là cực kỳ nguy hiểm, tất cả các huyện, thị trong tỉnh Yên Bái đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà khi bão đổ bộ; gia cố, bảo vệ mái nhà có sử dụng vật liệu dễ bị tốc, vỡ như proximăng, ngói; xem xét việc thu hoạch sớm hoặc che chắn bảo vệ rau màu, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương.

Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân trong các ngày mưa lũ thì không được ngủ lại trên đồi, lán nương, cạnh bờ suối để đề phòng sạt lở đất, đá, lũ cuốn gây thiệt hại về người và tài sản.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu chủ động ứng phó hoàn lưu bão số 3

Theo PV Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Công văn hỏa tốc yêu cầu tổ chức triển khai thực hiện chủ động ứng phó với ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo diễn biến của cơn bão, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và rà soát địa bàn, khu vực, vận động người dân thực hiện chằng chống nhà cửa, kho tàng; hướng dẫn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với sản xuất, nuôi trồng thủy sản và đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi di tham quan trên các đảo trong các ngày xảy ra mưa, bão.

Tập hợp lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai sẵn sàng hỗ trợ người dân khi có thiệt hại xảy ra. Đặc biệt, quan tâm chỉ đạo ứng phó kịp thời tình hình ngập úng tạm thời do mưa lớn đối với lúa vụ Hè Thu, Thu Đông 2024 và cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Thường xuyên cập nhật, báo cáo nhanh tình hình thiệt hại về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chủ động vận hành các cống trên địa bàn tỉnh để tiêu thoát nước, chống ngập úng tại những khu vực trũng thấp. Bộ Chỉ huy Bội đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo vê bão; chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trân biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp đám bảo an toàn cho tàu thuyền tại nơi neo đậu.

Tạm dừng tàu tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn do ảnh hưởng bão số 3

Theo PV Thành Long/VOV-Miền Trung, từ sáng nay (6/9), tỉnh Quảng Ngãi tạm dừng hoạt động tuyến vận tải Sa Kỳ- Lý Sơn và ngược lại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công điện chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 3. Theo đó, yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Cảng vụ Hàng Hải, Chi cục Thủy sản và các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động ứng phó. Đối với các tàu, thuyền còn đang ở trong khu vực nguy hiểm của bão, nhất là các tàu, thuyền đang ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Vịnh Bắc bộ, tuyệt đối không được chủ quan, phải khẩn trương di chuyển thoát ra khỏi hoặc vào nơi neo đậu an toàn.

Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn 586 tàu/5.268 lao động đang hoạt động trên các vùng biển. Tất cả các tàu, thuyền đã nhận được thông tin về diễn biến của bão và di chuyển tìm nơi tránh trú an toàn.

Ông Lê Văn Lương, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải tỉnh Quảng Ngãi cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 làm biển động mạnh, thời tiết không đảm bảo nên Cảng vụ phối hợp Ban Quản lý Cảng và Cảng vụ đường thủy nội địa thông báo tuyến vận tải đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn buộc phải tạm dừng hoạt động từ sáng nay (6/9) cho đến khi có thông báo mới.

“Dừng hết, dừng không cho ra vào cảng, thời tiết không đảm bảo, từ bờ ra đảo Lý Sơn dừng từ hôm nay. Lúc nào chúng tôi cũng có người ứng trực cầu cảng để nhắc nhở thường xuyên, triển khai nhiệm vụ”, ông Lê Văn Lương cho hay.

Vùng lũ Sơn La chủ động ứng phó với cơn bão số 3

PV Trấn Long/VOV-Tây Bắc đưa tin, xã Chiềng Xôm, TP Sơn La, tỉnh Sơn La là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề bởi các trận mưa từ cuối tháng 7 đến nay, nhất là trong đợt mưa lớn của hoàn lưu cơn bão số 2. Hiện cùng với việc khắc phục các thiệt hại, địa phương đang khẩn trương triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 3 được dự báo có ảnh hưởng rất mạnh.

Gia đình anh Đỗ Văn Mạnh ở bản Panh, xã Chiềng Xôm, TP Sơn La trong đợt mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 cuối tháng 7 vừa qua đã bị đất đá từ ngọn đồi sau nhà sạt trượt xuống, vùi lấp kho hàng chứa vật liệu sửa xe máy và công trình vệ sinh của gia đình, thiệt hại ước tính gần 300 triệu đồng.

Khi chưa kịp khắc phục xong ảnh hưởng từ đợt mưa lũ vừa qua, thì nay lại nhận tin cơn bão số 3 sắp đổ bộ vào đất liền gây mưa lớn, anh và các thành viên trong gia đình rất lo lắng, bởi cả gia đình 4 nhân khẩu hiện vẫn đang phải ở nhà lán tạm, cuộc sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.

"Chúng tôi chuyển sang lán tạm ở rất khổ sở, bên này không có khu vệ sinh, đêm hôm mưa gió thì bị dột. Chúng tôi rất mong muốn nhà nước, tỉnh, thành phố, xã quan tâm đến các hộ dân chúng tôi, sớm san bạt ta luy dương, làm kè để chúng tôi quay về yên tâm sản xuất, kinh doanh", anh Mạnh cho hay.

Tại bản Sẳng, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, trận mưa lũ cuối tháng 7 vừa qua đã khiến các hộ dân trong bản bị ngập úng, mất trắng gần 15 héc ta lúa, ao cá, hoa màu, cây ăn quả; 16 hộ phải di chuyển khẩn cấp do nước ngập sâu.

Ông Lò Việt Trường, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Sẳng cho biết, sau mưa lũ, các hộ dân trong bản đã xuống giống trồng các loại hoa màu thêm 2 lần, nhưng cả 2 lần đều bị nước dâng gây ngập úng, hư hại hoàn toàn. Trước dự báo về cơn bão số 3, bà con dân bản lại tất bật triển khai công tác ứng phó, với hy vọng không bị ảnh hưởng.

"Khi nghe tin cơn bão số 3, bản đã tuyên truyền bà con không được hoang mang; thứ 2 nữa là chuẩn bị các phương án ứng phó, chỗ nhà nào thấp thì chuẩn bị sẵn sàng đóng gói đồ đạc, khi nào cần thiết sẽ huy động lực lượng dân quân và phòng chống bão lũ của bản hỗ trợ các hộ gia đình bị ngập chuyển đồ đạc lên chỗ cao, để giảm thiểu thiệt hại cho bà con", ông Trường cho hay.

Theo rà soát, xã Chiềng Xôm hiện có gần 300 hộ đang đang có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 do ngập úng, hoặc sạt lở đất đá. Chính quyền xã hiện đang khẩn trương di chuyển các hộ này đến ở ghép, ở nhờ nhà người thân, anh em trong bản. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, bạt đồi, khoan đá, xây kè ta luy dương nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Ông Lèo Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Xôm cho biết: Xã cũng đang huy động người dân thu dọn rác, khơi thông dòng chảy tại các mương, suối, hang các tơ... đảm bảo tiêu thoát nước khi có mưa lớn xảy ra.

"Đến thời điểm hiện nay, một số hang có lượng thoát nước lớn vẫn chưa thể khơi thông được, bởi đây là vấn đề rất khó khăn, các hang các tơ hiện mắc lượng rác rất lớn, không thể làm thủ công được mà phải xử dụng đến máy móc, trong khi đó lượng phù sa của cơn bão số 2 vừa rồi vùi lấp rất lớn nên máy móc chưa thể vào được. Cái thứ 2 nữa là tỉnh cần sớm triển khai chủ trương xây dựng hầm tuy nen để dẫn nước sang dòng suối Nậm Pàn, để làm đó tránh ngập úng được ở xã Chiềng Xôm nói riêng và toàn thành phố nói chung", ông Hưởng nói.

Theo dự báo, từ ngày 7-9/9, tỉnh Sơn La có mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 100-250mm mỗi đợt, có nơi trên 300mm. Cùng với Chiềng Xôm, hiện các địa phương trong tỉnh Sơn La cũng đang nỗ lực triển khai các phương án phù hợp với tình hình thực tế, nhằm hạn chế các thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Điện Biên chủ động ứng phó với siêu bão Yagi

Theo ghi nhận của PV Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc, trước dự báo về diễn biến phức tạp của siêu bão mang tên YAGI, các địa phương trong tỉnh Điện Biên đã, đang chủ động triển khai các phương án ứng phó, nhất là tại các vùng vừa bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 2.

Xã Mường Pồn, huyện Điện Biên là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do mưa lớn sau hoàn lưu bão số 2 hồi đầu tháng 8 vừa qua, với 6 người chết, mất tích, hàng chục hộ gia đình bị mất nhà hoàn toàn; tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 170 tỷ đồng. 

Ông Lường Văn Bình, Bí thư Chi bộ bản Lĩnh, xã Mường Pồn cho biết: trong số 10 hộ mất nhà do lũ cuốn, đến nay, 4 hộ vẫn đang ở tạm tại nhà văn hóa xã, 6 hộ khác thì ở nhờ nhà người thân. Được các cấp chính quyền, các tổ chức từ thiện quan tâm, quyên góp giúp đỡ, bà con đã tạm vượt qua khó khăn trước mắt, nhưng cuộc sống lâu dài thì vẫn khó khăn trăm bề.

Trước thông tin về siêu bão số 3 sắp đổ bộ, người dân trong bản rất lo lắng, song đã chủ động di dời tài sản đến nơi an toàn. 

"Sau trận thiên tai vừa rồi, người dân cũng vận chuyển đồ đạc đi nơi khác. Tất cả các hộ có nguy cơ ngập lụt đã được vận động vận chuyển tài sản hết rồi. Chúng tôi cũng chỉ đạo các đồng chí Đảng viên trong Chi bộ, ban quản lý thôn bản tăng cường tuyên truyền cho bà con, huy động các lực lượng vận chuyển đồ đạc đối với những hộ cần thiết phải di dời. Ngoài ra, xã cũng đã cử lực lượng dân quân tự vệ đi kiểm tra các hộ gia đình, gia đình nào cần gia cố nhà cửa thì lực lượng dân quân sẽ hỗ trợ bà con", ông Bình cho hay.

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Điện Biên cho biết, huyện đã cập nhật một cách thường xuyên, liên tục các bản tin, thông tin về đường đi, diễn biến của bão số 3 gửi tới các xã để thông báo cho người dân biết; yêu cầu các xã rà soát toàn bộ các khu vực có nguy cơ bị ngập, sạt lở đất. Nếu tình huống mưa lớn xảy ra sẽ thực hiện các phương án di dời dân theo kịch bản đã được duyệt, nhất là đối với các khu vực dân cư sinh sống gần lưu vực các sông Nậm Rốm, Nậm Núa....

Việc đảm bảo giao thông trên tuyến Quốc lộ 12 qua xã Mường Pồn cũng đã được lên phương án; nếu mức nước cao trên 40cm sẽ có cảnh báo hạn chế người dân đi lại.

"Tại Mường Pồn về cơ bản các khu dân cư hiện đều đã được đưa đến khu an toàn. Hiện ở đó nguy cơ cao là ngập úng. Nếu mưa lớn xảy ra cũng chưa biết mức nước sẽ thế nào, nhưng nếu ngập úng lớn thì có thể nước vẫn sẽ tràn vào nhà một số hộ sinh sống dọc Quốc lộ 12. Do đó xã đã giao nhiệm vụ cho công an xã phối hợp cùng với các tổ trực đảm bảo giao thông của các đơn vị để cảnh báo cho người dân, khi nước dâng cao kiên quyết không cho đi qua", ông Chinh nói.

Trước diễn biến phức tạp của siêu bão YAGI, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành công điện số 3960 yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát kỹ các khu dân cư, có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản cho nhân dân. Cùng với đó là đảm bảo an toàn các công trình hồ đập, các trụ sở, công trình công cộng; nhanh chóng thu hoạch các diện tích lúa, rau màu đã đến thời kỳ thu hoạch; kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm “bốn tại chỗ” khi có các sự cố xảy ra.

Tỉnh Điện Biên cũng sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống lũ bão, gây thiệt hại nặng về người và tài sản tại địa phương.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hạ Long cắt tỉa hàng loạt cây xanh, dựng bao cát chống lụt trước siêu bão
Hạ Long cắt tỉa hàng loạt cây xanh, dựng bao cát chống lụt trước siêu bão

VOV.VN - Trước nguy cơ ảnh hưởng từ mưa lớn, gió cấp 8-9, giật cấp 12 của bão số 3, người dân tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương hoàn tất các công tác chuẩn bị trước khi bão đổ bộ.

Hạ Long cắt tỉa hàng loạt cây xanh, dựng bao cát chống lụt trước siêu bão

Hạ Long cắt tỉa hàng loạt cây xanh, dựng bao cát chống lụt trước siêu bão

VOV.VN - Trước nguy cơ ảnh hưởng từ mưa lớn, gió cấp 8-9, giật cấp 12 của bão số 3, người dân tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương hoàn tất các công tác chuẩn bị trước khi bão đổ bộ.

Gió giật mạnh cây cối đổ gẫy trên nhiều tuyến phố ở Thanh Hóa
Gió giật mạnh cây cối đổ gẫy trên nhiều tuyến phố ở Thanh Hóa

VOV.VN - Ảnh hưởng siêu bão số 3, đêm qua và sáng nay (6/9) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa và gió giật mạnh. Trên nhiều tuyến đường ở TP Thanh Hóa cây cối gãy đổ, bật gốc nhiều nơi trong đó có cây bật gốc đè trúng 1 người đi xe máy.

Gió giật mạnh cây cối đổ gẫy trên nhiều tuyến phố ở Thanh Hóa

Gió giật mạnh cây cối đổ gẫy trên nhiều tuyến phố ở Thanh Hóa

VOV.VN - Ảnh hưởng siêu bão số 3, đêm qua và sáng nay (6/9) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa và gió giật mạnh. Trên nhiều tuyến đường ở TP Thanh Hóa cây cối gãy đổ, bật gốc nhiều nơi trong đó có cây bật gốc đè trúng 1 người đi xe máy.

Siêu bão giữ nguyên sức gió mạnh giật trên cấp 17, cách Quảng Ninh 570km
Siêu bão giữ nguyên sức gió mạnh giật trên cấp 17, cách Quảng Ninh 570km

VOV.VN - Hồi 10 giờ ngày 6/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 570km về phía Đông Đông Nam.

Siêu bão giữ nguyên sức gió mạnh giật trên cấp 17, cách Quảng Ninh 570km

Siêu bão giữ nguyên sức gió mạnh giật trên cấp 17, cách Quảng Ninh 570km

VOV.VN - Hồi 10 giờ ngày 6/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 570km về phía Đông Đông Nam.