Các lễ hội xuân một số nơi ở Hà Nội còn phản cảm
VOV.VN - Hiện tượng giành khách, đi xe máy chặn ô tô đón khách; đổi tiền lẻ; nâng giá dịch vụ, trông giữ ô tô xe máy cao so với quy định còn có ở nhiều lễ hội
Chiều 22/3, thông tin về công tác tổ chức và quản lý lễ hội đầu xuân năm 2016, ông Nguyễn Thành Tuyên phó trưởng phòng xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình (Sở Văn hoá- Thể thao Hà Nội) cho biết, lễ hội xuân Bính Thân 2016 trên địa bàn thành phố được tổ chức nề nếp, tôn vinh được nét văn hoá giàu bản sắc của Thủ đô, khuyến khích mạnh mẽ việc quan tâm bảo tồn, làm giàu phát huy và phát triển những nét đẹp truyền thống, di sản văn hoá của Thủ đô. Tuy nhiên, công tác quản lý lễ hội còn có những tồn tại.
Thông tin giao báo chí.
Cụ thể, một số lễ hội, các dịch vụ hàng, quán bày bán trong di tích gây mất mỹ quan và làm ách tắc giao thông; Công tác vệ sinh ở nhiều lễ hội chưa có phương án hạn chế mất vệ sinh môi trường như: chưa có đủ thùng chứa rác, thiếu nhà vệ sinh; người dân tham gia có một bộ phận thiếu ý thức vệ sinh môi trường; An toàn vệ sinh thực phẩm ở nhiều lễ hội quan tâm chưa đúng mức. Đặc biệt hiện tượng cờ bạc bầu tôm, cua, cá còn diễn ra tại một số lễ hội làng.
Hiện tượng tranh giành khách, đi xe máy chặn ô tô đón khách vi phạm Luật giao thông đường bộ; đổi tiền lẻ; tự nâng giá hàng dịch vụ, trông giữ ô tô xe máy cao so với quy định còn có ở nhiều lễ hội; Một số nơi đặt nhiều hòm công đức, bán lộc, đổi tiền lẻ; Đa số các lễ hội quy mô nhỏ trong phạm vi làng xã, nội dung đơn điệu; Một số lễ hội người dân thiếu ý thức đã gây ra những hình ảnh phản cảm, thiếu văn hoá khiến dư luận không đồng tình.
Về công tác thanh tra, kiểm tra các lễ hội năm 2016, ông Nguyễn Thành Tuyên cho biết thêm, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra công tác quản lý nhà và tổ chức lễ hội trên địa bàn. Đến thời điểm hiện tại đoàn đã triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra các lễ hội: Đền Bạch Mã, Đền Voi Phục, Quán Thánh, Đền Kim Liên, Phủ Tây Hồ, Chùa Hà, Đền Sóc, Đền Và, Chùa Mía, Đền Đức Thánh Cả, Chùa Hương, Chùa Trầm, Chùa Trăm Gian.
Sở Văn hoá-Thể thao thành lập 2 đoàn kiểm tra. Thực hiện kiểm tra tại một số lễ hội lớn trên địa bàn 30 quận, huyện.
Đối với lễ hội Chùa Hương, Sở Văn hoá-Thể thao tiến hành kiểm tra đột xuất những hoạt động làm ảnh hưởng tới lễ hội chèo kéo, bắt chẹt khách, bày bán hàng quán gây phản cảm.
Thông tin từ Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương, số hàng quán phục vụ mùa lễ hội 2016 là 318 quán, số đò được phép hoạt động gần 5.000 phương tiện luân phiên. Phương tiện mới được đưa vào sử dụng trên suối Yến là thuyền chạy bằng ắc quy điện 24 vol chạy nhanh, thân thiện với môi trường, giá vé 35 nghìn đồng/người. Giá vé trông xe con là 40 nghìn/ngày và 60 nghìn xe to. Giá vé cho mỗi du khách tham quan du lịch lễ hội Chùa Hương năm 2016 là 50 nghìn đồng/khách bằng với giá năm 2015.
Lễ rước hoa tre. |
Về Lễ hội Đền Sóc, phần khai mạc diễn ra đúng quy định. Các nghi lễ rước diễn ra đúng kịch bản, hoa tre về trầu cau được rước đúng nơi quy định. Nội dung phần tế, rước có chất lượng cao. Các thôn làng tham gia rước lễ tuân thủ các quy định, lựa chọn đội hình tham gia đoàn rước đảm bảo đúng số lượng… Việc cướp lộc ở Đền Sóc tuy không xảy ra bạo lực nhưng có quá đông người dân tham gia đã khiến lực lượng bảo làm việc căng thẳng.
Ông Tuyên khẳng định công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động tiêu cực ở lễ hội là thường xuyên. Tuy nhiên các hiện tượng như đổi tiền ở Chùa Bà Đá, thu tiền không xuất vé ở Đền Quán Thánh hay thu phí vé xe quá quy định phát hiện còn chậm mà phải dựa vào kênh thông tin từ người dân hay cơ quan báo chí./.