Các tỉnh khẩn trương triển khai ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi

VOV.VN - Các điạ phương nhanh chóng khoanh vùng khu vực lợn chế để tiêu độc khử trùng. Tuyên truyền để người dân không mua bán vận chuyển ăn thịt lợn chết

Tại tỉnh Điện Biên, huyện Tuần Giáo là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh này ghi nhận phát hiện dịch tả lợn Châu Phi sau khi 4 mẫu xét nghiệm tại một số hộ chăn nuôi ở xã Rạng Đông đều cho kết quả dương tính với dịch tả lợn Châu Phi (ASF). Tỉnh và huyện đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp để ứng phó, dập dịch.

Chính quyền tỉnh Điện Biên và huyện Tuần Giáo đã tiến hành kiểm tra thêm tình trạng lợn chết tại các xã Mùn Chung và Ta Ma.

Ông Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết, sau khi xã Rạng Đông báo cáo về hiện tượng lợn chết bất thường trong ngày 4/3, huyện đã khẩn trương chỉ đạo phòng NN-PTNT, Trạm Thú y xuống các bản Bon A, Lóng Luông để lấy mẫu, chuyển về Chi cục Thú y vùng I thuộc Cục Thú y trung ương để xét nghiệm. Qua xét nghiệm cả 4 mẫu đều dương tính với dịch tả lợn Châu Phi (ASF).

Ngay khi có kết quả xét nghiệm, huyện Tuần Giáo nhanh chóng khoanh vùng khu vực lợn chết để phun tiêu độc khử trùng dập dịch. Đồng thời tuyên truyền cho người dân khi thấy hiện tượng lợn ốm chết thì không được mua bán vận chuyển mà phải lập tức tiêu hủy, không tổ chức mổ ăn uống và tiêu thụ dưới bất kỳ hình thức nào.

Riêng đối với xã Rạng Đông có 2 địa bàn có mẫu xét nghiệm dương tính với ASF đã yêu cầu UBND xã khoanh vùng các khu vực chăn nuôi, tổ chức lập 2 chốt chặn tạm thời lưu thông sang đường Quốc lộ 6 và sang xã Pú Nhung (huyện Điện Biên Đông) theo Quốc lộ 279. Các phương tiện lưu thông ra vào xã đều phải thực hiện phun tiêu độc khử trùng và đặc biệt nghiêm cấm các hành vi vận chuyển thịt lợn, lợn giống ra vào địa bàn dưới bất kỳ hình thức nào trong thời gian cao điểm này. Đồng thời thành lập ngay ban chỉ đạo cấp xã và các đội phản ứng nhanh để nếu như có lợn chết và lợn ốm yếu là phải tổ chức tiêu hủy ngay.

Trong ngày hôm qua (6/3), UBND tỉnh Điện Biên phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan của tỉnh đi kiểm tra, tiếp tục lấy 7 mẫu xét nghiệm lợn chết tại các xã Mùn Chung và Ta Ma để chuyển về Cục Thú y trung ương tiếp tục xét nghiệm.

Huyện Tuần Giáo có trên 64.000 con lợn. Trước nguy cơ dịch bùng phát lây lan rộng, huyện yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện công tác phòng chống dịch. Ông Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo nói: “Chúng tôi đã tiến hành triển khai họp khẩn đối với tất cả lãnh đạo các xã trên địa bàn triển khai một số biện pháp cấp bách trước hết sẽ thống kê lại toàn bộ số đàn lợn đang có trên địa bàn huyện và phải báo cáo ngay những đàn lợn, con lợn nào có hiện tượng ốm chết để tiến hành tiêu hủy ngay theo quy trình được cán bộ thú y hướng dẫn. Tuyệt đối không được thả rông theo phong tục tập quán mà phải tiến hành nuôi nhốt”.

Tiếp tục lấy thêm 7 mẫu xét nghiệm lợn chết chuyển về Cục Thú y trung ương tiếp tục xét nghiệm, lên phương án phòng dịch.

Khó khăn nhất trong công tác phòng dịch tả lợn Châu Phi tại Tuần Giáo là phong tục tập quán của người dân vẫn giữ thói quen nuôi thả rông, do đó việc nâng cao nhận thức, tuyên truyền tới người dân trong công tác phòng dịch vẫn còn nhiều bất cập. Tuy nhiên địa phương cũng đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc này. Đối với vấn đề hỗ trợ lợn chết cho người dân cũng sẽ được thực hiện đúng theo quy định./. (Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc)

Sơn La chủ động ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi, khi 2 tỉnh giáp ranh đã có dịch

Tỉnh Sơn La đang tăng cường các biện pháp cấp bách để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, khi 2 địa phương giáp ranh là Hòa Bình và Điện Biên đã xuất hiện dịch này.

Ông Lừ Văn Trường, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Sơn La cho biết, đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện tại địa bàn. Song xác định không chủ quan trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, nhất là khi 2 địa phương giáp ranh là Hòa Bình và Điện Biên đã xuất hiện dịch này, nên cùng với duy trì Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông tại huyện Vân Hồ, UBND tỉnh Sơn La đã Quyết định thành lập thêm 2 chốt kiểm dịch tại xã Mường Cơi và xã Tân Lang, huyện Phù Yên nhằm kiểm soát việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên Quốc lộ 32b và Quốc lộ 37.

Ông Lừ Văn Trường nói: “Chi cục cũng đã thành lập các đoàn đi kiểm tra, giám sát tại một số huyện trọng điểm như huyện Sông Mã, huyện Mai Sơn, Mộc Châu và Phù Yên; tăng cường sự chỉ đạo và kiểm tra tại các cấp cơ sở, đôn đốc thực hiện đồng bộ các biện pháp để hạn chế thấp nhất dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh Sơn La”.

Cũng theo ông Lừ Văn Trường, toàn tỉnh Sơn La hiện có trên 582.000 con lợn, chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình và trang trại nuôi lợn tập trung, rất khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Khuyến cáo của ngành chức năng là người chăn nuôi cần chú ý khâu sát trùng chuồng trại cả bên trong và bên ngoài, lối đi vào chuồng trại, hạn chế tối đa người vào khu vực chăn nuôi, nhất là tại các trại nuôi. Tăng cường phòng bệnh bằng vắc xin đối với các bệnh do vi rút như: dịch tả, tai xanh, lở mồng long móng... Khi nhập lợn phải có nguồn gốc rõ ràng, có khu riêng nuôi cách ly lợn mới nhập để theo dõi tình trạng sức khỏe, tuân thủ đúng quy trình nhập đàn, bởi dịch lợn tai xanh chưa có thuốc chữa, khi mắc thì tỷ lệ tử vong thường là 100%. Ngoài ra, người chăn nuôi cũng cần giám sát tình hình sức khỏe đàn lợn hàng ngày để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời, bởi dịch tả lợn Châu Phi lây lan rất nhanh, tỷ lệ lợn chết khi nhiễm virus là 100%. Bên cạnh đó là làm tốt "5 không" trong ứng phó, gồm: không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt và không vứt lợn chết ra môi trường./. (Thu Thùy/VOV-Tây Bắc)

Bà Rịa - Vũng Tàu:  Phòng dịch tả lợn Châu Phi, thành lập tổ kiểm tra trên 3 tuyến quốc lộ

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch, trong đó chú trọng công tác kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc ngoài tỉnh nhập vào địa bàn.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang khẩn trương thành lập các tổ chốt chặn, kiểm tra các phương tiện vận chuyển gia súc từ các tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận cũng như các tỉnh phía Bắc nhập vào tỉnh qua các tuyến tuyến quốc lộ trên địa bàn.

Ông Nguyễn Lương Trai, Chi cục trưởng thú y – chăn nuôi, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh BRVT cho biết: Các tuyến quốc lộ 51, 55 và 56 là tuyến đường trọng yếu thường xuyên có các phương tiện vận chuyển gia súc vào tỉnh.

Phòng dịch tả lợn Châu Phi BRVT tổ chức chốt chặn 24/24 trên các tuyến quốc lộ.

Do vậy các lực lượng Thú y, Quân đội, Quản lý thị trường và Cảnh sát giao thông sẽ tổ chức trực 24/24 tại các xã giáp ranh với tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận thực hiện dừng phương tiện và kiểm tra nguồn gốc xuất xứ gia súc, hóa đơn chứng từ hàng hóa nhập vào tỉnh: “Trong tình hình dịch tả lợn Châu Phi hiện nay thì ngoài các kế hoạch phòng  dịch của tỉnh thì chú trọng việc giám sát việc vận chuyển gia súc từ các vùng dịch phía Bắc, các tỉnh phía Nam không rõ nguồn gốc đi vào tỉnh BR-VT. Các tổ này gồm các lực lượng Công an, Thú Y, Quản lý thị trường và kiểm soát quân sự. Thú y thì tập trung giải quyết nguồn gốc của gia súc hoặc sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh”.(Lưu Sơn/VOV-TP HCM).

Thanh Hóa xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi thứ hai

Lãnh đạo huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau khi lấy mẫu lợn mắc bệnh xét nghiệm và cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi, địa phương này đã công bố dịch. Như vậy, sau Yên Định, tại tỉnh Thanh Hóa xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi thứ hai.

Chốt kiểm dịch được thành lập khu vực có dịch.

Sau khi nhận được báo cáo của UBND xã Thiệu Phúc về việc đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Khắc Hùng ở xóm 1, xã Thiệu Phúc có 4 con bị ốm chết bất thường, UBND huyện Thiệu Hóa đã chỉ đạo Trạm thú y huyện phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh lấy 3 mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Kết quả 3/3 mẫu dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. UBND huyện Thiệu Hóa đã phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa tiêu hủy toàn bộ đàn lợn 10 con của gia đình ông Hùng. Ngoài ra, hộ ông Hùng cũng tự nguyện tiêu hủy 125 kg thức ăn chăn nuôi, 9 con vịt nuôi cùng chuồng lợn, đồng thời tiêu độc khử trùng bằng vôi bột. Đến sáng 6/3, toàn bộ công tác tiêu hủy được thực hiện xong đúng quy trình, đúng kỹ thuật.

Ông Trịnh Văn Súy - Chủ tịch UBND Huyện Thiệu Hóa cho biết, sau khi phát hiện dịch, UBND huyện Thiệu Hóa đã lên phương án bao vây, khống chế ổ dịch như thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch; triển khai kế hoạch ngăn chặn ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch; ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi… Ngoài các biện pháp vừa nêu, huyện Thiệu Hóa cũng thành lập 5 chốt kiểm dịch cấp huyện, 3 chốt kiểm dịch tại xã Thiệu Phúc và chỉ đạo các xã thành lập chốt kiểm soát 24/24 đối với lợn và các sản phẩm từ lợn.

Ông Trịnh Văn Súy, Chủ tịch UBND Huyện Thiệu Hóa cho biết: "Sau khi phát hiện dịch tất cả thôn 1 cùng với việc chôn lợn chết đã hợp đồng mua thêm vôi rải khắp thôn đó, đối với các xã lân cận phải tiêu độc khử trùng. Hiện nay theo phương châm xã giữ xã, huyện giữ huyện thì các xã phải lập chốt kiểm dịch. Huyện thì hôm qua chúng tôi đã triệu tập toàn bộ cán bộ chủ chốt, và quán triệt nhiều giải pháp quán triệt và lập 5 chốt ở đường lớn".

Như vậy, huyện Thiệu Hóa là địa phương thứ 2 sau Yên Định xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Huyện Thiệu Hóa giáp danh với huyện Yên Định và đây có thể là nguyên nhân lây bệnh./. (Sỹ Đức-VOV1)


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sức mua thịt lợn vẫn tăng, giá không giảm trước dịch tả lợn châu Phi
Sức mua thịt lợn vẫn tăng, giá không giảm trước dịch tả lợn châu Phi

VOV.VN - Tại các chợ dân sinh, siêu thị cũng như các quán ăn ở Hà Nội, lượng thịt lợn bán ra không giảm và giá không có thay đổi so với trước thời điểm có dịch.

Sức mua thịt lợn vẫn tăng, giá không giảm trước dịch tả lợn châu Phi

Sức mua thịt lợn vẫn tăng, giá không giảm trước dịch tả lợn châu Phi

VOV.VN - Tại các chợ dân sinh, siêu thị cũng như các quán ăn ở Hà Nội, lượng thịt lợn bán ra không giảm và giá không có thay đổi so với trước thời điểm có dịch.

“Thủ phủ” nuôi lợn miền Bắc điêu đứng vì dịch tả lợn châu Phi
“Thủ phủ” nuôi lợn miền Bắc điêu đứng vì dịch tả lợn châu Phi

VOV.VN - Dịch tả lợn châu Phi khiến người nuôi lợn tại vùng quê Bình Lục, Hà Nam, nơi được coi là “thủ phủ” nuôi lợn ở miền Bắc, đứng ngồi không yên vì lợn ế ẩm.

“Thủ phủ” nuôi lợn miền Bắc điêu đứng vì dịch tả lợn châu Phi

“Thủ phủ” nuôi lợn miền Bắc điêu đứng vì dịch tả lợn châu Phi

VOV.VN - Dịch tả lợn châu Phi khiến người nuôi lợn tại vùng quê Bình Lục, Hà Nam, nơi được coi là “thủ phủ” nuôi lợn ở miền Bắc, đứng ngồi không yên vì lợn ế ẩm.

Thiệt hại kinh tế khôn lường nếu không chống được dịch tả lợn Châu Phi
Thiệt hại kinh tế khôn lường nếu không chống được dịch tả lợn Châu Phi

VOV.VN - Việt Nam hiện có 14 triệu hộ chăn nuôi quy mô nông hộ, bởi vậy việc phòng chống dịch tả lợn Châu Phi gặp nhiều khó khăn.

Thiệt hại kinh tế khôn lường nếu không chống được dịch tả lợn Châu Phi

Thiệt hại kinh tế khôn lường nếu không chống được dịch tả lợn Châu Phi

VOV.VN - Việt Nam hiện có 14 triệu hộ chăn nuôi quy mô nông hộ, bởi vậy việc phòng chống dịch tả lợn Châu Phi gặp nhiều khó khăn.