Các tỉnh miền núi đề phòng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất
Do chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua Bắc bộ, trong 2 ngày qua, các tỉnh thuộc khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa trên diện rộng. Dự báo trong 2 đến 3 ngày tới, nhiều nơi tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Mưa vừa và mưa to xuất hiện từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Lượng mưa đo được ở các tỉnh ven biển phổ biến trên dưới 30 mm. Riêng tỉnh Ninh Bình có lượng mưa 50 - 100 mm. Đặc biệt, tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình có mưa 156 mi-li-mét; huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá 200 mm.
Dự báo, đêm nay (14/9), khu vực có mưa sẽ lấn sâu vào đất liền, phạm vi mưa mở rộng vào các tỉnh thuộc đồng bằng, trung du Bắc Bộ, vùng núi phía tây Bắc Bộ, các huyện phía tây hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa có khả năng xảy ra mưa to.
Trước tình hình này, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo 11 huyện miền núi thống kê những hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, sẵn sàng sơ tán bà con đến nơi an toàn. Hiện nay, ngoài 202 điểm có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến 5.000 hộ dân với khoảng 17.000 nhân khẩu, các địa phương rà soát những điểm xung yếu để bổ sung, báo cáo kịp thời Ban chỉ huy phòng chống luạt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có phương án sơ tán khi cần thiết.
Ông Nguyễn Trọng Hải, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Chúng tôi đã điện cho các huyện miền núi đề phòng đợt mưa sau bão số 3 đất đã ngấm mưa, bây giờ mưa xuống sẽ gây lũ ống, lũ quét trên các huyện miền núi. Các xã ở miền núi đi lại khó khăn, nhiều nơi lại chưa có điện thoại nên khi mưa to, lũ về rất khó khăn. Vì vậy, các xã yêu cầu thôn trưởng, bản trưởng phải tập huấn và cắt cử trai làng đêm canh gác lũ, nghe chuyển động của dòng nước phải cánh báo gõ chuông gõ mõ để bà con thức dậy sơ tán”.
Mặc dù 2 ngày qua ở tỉnh Phú Thọ có mưa nhiều nơi, nhưng lượng mưa nhỏ, không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, các cấp chính quyền và ngành chức năng ở Phú Thọ không chủ quan. Ngành y tế, môi trường, công thương đã chuẩn bị đầy đủ lương thực thực phẩm, cơ số thuốc men và thuốc khử trùng để ứng cứu những địa bàn nếu xảy ra mưa to, gây chia cắt. Tại 4 huyên là Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập và Đoan Hùng -mỗi địa phương có khoảng 100 hộ dân ở trong vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét cũng sẵn sàng phương châm 4 tại chỗ phòng chống mưa bão.
Ông Trần Quốc Bình, Chi cục trưởng Chi cục quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ nói: “Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh giao cho ngành y tế chuẩn bị đủ cơ số thuốc chủ động phòng chống và khắc phục hậu quả sau thiên tai. Chúng tôi chỉ đạo cấp huyện và cấp xã: Nếu nơi xảy ra thiên tai mà bị chia cắt phải chuẩn bị lương thực được tối thiểu 1 tuần. Trước mùa mưa bão, phân ban tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đã hiệp đồng cụ thể tới các lực lượng đứng chân trên địa bàn và hiệp đồng với tất cả các Ban chỉ huy quân sự các huyện. Chúng tôi sẽ huy động tối đa lực lượng khi xảy ra tình huống xấu ở vị trí nào là lực lượng cứu nạn có mặt kịp thời. Từ nay đến 30/11, lúc nào chúng tôi cũng trong tư thế sẵn sàng ứng phó với thiên tai”.
Ông Ma Quang Trung, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Lào Cai cũng khẳng định: Công tác phòng chống mưa lũ vẫn được tỉnh chú trọng triển khai. Ngoài việc tuyên truyền để người dân không đi vớt củi, bắt cá khi có mưa to, nước sông suối dâng cao, các huyện, xã còn chủ động cắm biểm báo tại các ngầm tràn, khe suối nguy hiểm cảnh báo bà con tránh sự số đáng tiếc xảy ra.
“Những điểm nguy hiểm đó tập trung ở ven sông, ven suối và các tuyến đường quốc lộ. Những điểm này là những huyện dọc sông Hồng gồm thành phố Lào Cai, Bảo Thắng, Bảo Yên và một số huyện vùng cao- địa chất không ổn định, không tốt như: Sa Pa, Bát Xát, là những nơi dễ xảy ra đất trượt hàng năm. Hiện nay, chúng tôi cho kiểm tra không những di dời dân mà còn kiểm tra những hồ, đập chứa nước. Tất cả các huyện có những nguy hiểm đó, chúng tôi có cảnh báo cho bà con nhân dân, không được làm lều lán ở ven sông, ven suối; lưu ý những vết nứt khi xảy ra sẽ trượt ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản”. Ông Ma Quang Trung nói.
Mùa mưa bão đang diễn ra, để giảm thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra, ngoài việc sẵn sàng triển khai phương án phòng chống của chính quyền và ngành chức năng các địa phương, mỗi người dân cần chủ động phòng chống./.