Các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động chống rét cho gia súc và diện tích mạ gieo cấy
Do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại, những ngày qua, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệt độ xuống thấp, xuất hiện sương muối, gây hại cho cây trồng, vật nuôi.
Các địa phương chủ động triển khai các biện pháp chống rét cho đàn gia súc và diện tích mạ gieo cấy.
Chủ động đối phó với đợt rét đậm, rét hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên tổ chức nhiều lớp tập huấn kĩ thuật, hướng dẫn bà con cách chăm sóc gia súc khi giá lạnh. Đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên đã tiêm phòng các bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, tụ dấu lợn, tả lợn, cúm gia cầm cho đàn vật nuôi; hỗ trợ nông dân các huyện: Định Hoá, Phú Lương, Đại Từ xây dựng chuồng trại, dự trữ thức ăn bổ sung cho trâu bò. Toàn bộ diện tích mạ gieo cấy ở tỉnh Thái Nguyên được che phủ nilon và rắc tro bếp đảm bảo đủ độ ẩm theo đúng kỹ thuật. Ông Đinh Khắc Tĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: Chúng tôi chủ động lên kế hoạch tổ chức hướng dẫn các địa phương dự trữ rơm, chế biến thức ăn cho trâu bò như ủ rơm, ủ xanh, trồng thêm ngô, chuẩn bị áo khoác cho trâu bò chống rét.
Tỉnh Hà Giang tăng cường cán bộ về địa phương kiểm tra, giám sát, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp chống rét, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Ở những khu vực hay xảy ra dịch bệnh như: Niêm Sơn, Niêm Tòng, Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, Thanh Vân, Tùng Vài, Đông Hà, huyện Quản Bạ vệ sinh tiêu độc khử trùng; tổ chức che chắn lại chuồng trại nuôi nhốt gia súc, hạn chế gió lùa trong những ngày rét hại. Hai huyện Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần còn hỗ trợ bà con làm gần 15 nghìn chuồng trại và mỗi hộ nuôi gia súc từ 12 đến 20 mét bạt nilon quây che chắn chuồng trại. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh hướng dẫn cách che phủ nilon cho mạ mới cấy và khuyến cáo bà con không cấy khi nhiệt độ thấp hơn 15 độ C. Ông Trịnh Duy Quyền, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết, ở Hà Giang, chúng tôi chỉ đạo không thả rông gia súc, gia cầm, đảm bảo chuồng trại, thức ăn khô và thức ăn tinh. Chủ động, đảm bảo cây trồng, vật nuôi được chống rét tốt hơn.
Tại Tuyên Quang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức 5 đoàn xuống cơ sở xem xét và đôn đốc công tác phòng chống rét cho gia súc và cây trồng trong đợt rét đậm, rét hại. Đến nay, tất cả các huyện triển khai phòng chống rét cho trâu bò, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chế biến, bảo quản rơm rạ, trồng ngô, trồng cỏ, bổ sung thức ăn cho trâu bò khi thời tiết giá lạnh. Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Tuyên Quang thường xuyên thông báo cho người dân vùng núi cao về thời tiết để bà con chủ động, không thả rông trâu bò. Ông Nguyễn Thọ Lai, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, UBND huyện chủ động trích từ quỹ của huyện chủ động hỗ trợ 10 m bạt và 10 kg thức ăn cho mỗi con trâu trong những ngày rét đậm, rét hại, cho không các địa phương tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng…
Tỉnh Bắc Cạn hiện có 118.000 con trâu, bò. Đối phó với đợt rét đậm, rét hại, tỉnh Bắc Cạn hướng dẫn cho người dân, đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa về cách chăm sóc trâu, bò những ngày giá rét. Để chủ động nguồn thức ăn, ngay sau khi thu hoạch vụ mùa, người dân tích trữ rơm rạ, trồng thêm ngô. Từ đầu mùa đông đến nay, tỉnh Bắc Cạn chưa có trâu bò bị chết rét.
Tại Cao Bằng, để hạn chế ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại đến vụ đông xuân, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương kéo dài lịch thời vụ đến tháng 2 mới gieo cấy. Hiện, các địa phương trong tỉnh chuẩn bị đầy đủ giống lúa cung cấp cho bà con, chủ động nạo vét kênh mương, kiểm tra hoạt động các trạm bơm tưới tiêu. Cao Bằng còn vận động bà con thực hiện phòng chống rét cho gia súc, khuyến cáo bà con không thả rông trâu, bò vào những ngày rét đậm và dùng nilon che chắn chuồng trại.
* Gia Lai: huyện Chư Prông, trâu bò chết do ngộ độc thức ăn
Một tháng qua, ở làng Băng, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, 11 con bò của 5 hộ dân có biểu hiện sùi bọt mét, đạp chân, giẫy giụa và chết sau một ngày mắc triệu chứng. Chính quyền địa phương cử cán bộ xuống kiểm tra, kết luận số trâu này không mắc bệnh lở mồm long móng và bệnh dịch khác mà chết do ngộ độc sau khi ăn phải vỏ sắn mốc (tiếng địa phương gọi là mì). Lực lượng chức năng huyện Chư Prông đã tiến hành tiêu độc khử trùng, khuyến cáo bà con không thả trâu, bò ở khu vực phơi sắn. Cũng trong thời điểm này, xã Ia Băng có một vài con lợn chết do mắc bệnh thương hàn. Chi cục Thú y tỉnh Gia Lai cử cán bộ xuống địa phương thực hiện phòng chống dịch. Ông Bùi Nhất Hội, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, cho biết, Huyện chỉ đạo, thông báo, khuyến cáo cho dân, heo dứt khoát phải chôn, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi heo, thông báo cho bà con không nên chăn thả ở khu vực bà con thu hoạch vụ mì./.