Các tỉnh miền Tây nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19
VOV.VN - Công tác truyền thông cũng được duy trì liên tục tại các tỉnh miền Tây thông qua các hoạt động như gửi tin nhắn, khuyến khích người dân chủ động thực hiện khuyến cáo 5K, khai báo y tế điện tử...
Những ngày gần đây, dịch Covid-19 tại địa bàn các tỉnh miền Tây đang diễn biến phức tạp trở lại, số ca mắc mới đang có chiều hướng gia tăng. Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực phòng, chống dịch theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả.
Nâng cao cấp độ chống dịch, tăng cường công tác tuyên truyền
Không chỉ khoanh vùng, truy vết, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch mà công tác truyền thông cũng được duy trì liên tục tại các tỉnh miền Tây thông qua các hoạt động như gửi tin nhắn, khuyến khích người dân chủ động thực hiện khuyến cáo 5K, khai báo y tế điện tử...
Đồng thời, những thông tin về diễn biến dịch bệnh, công tác phòng chống, kiểm tra cũng được cập nhật thường xuyên trên các kênh truyền thông như các trang Zalo chính thức của từng tỉnh, truyền hình địa phương, mạng xã hội để người dân tiện theo dõi.
Đơn cử, tại Vĩnh Long, mỗi ngày sẽ có 2 bản tin (sáng, chiều) “Cập nhật tình hình dịch Covid-19” được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh gửi đi qua Zalo “Chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Long”. Nội dung các bản tin này đều thông báo cụ thể số ca nhiễm, nghi nhiễm; Các địa điểm đang có ca nhiễm; Tổng hợp diễn biến dịch cũng như tiến độ tiêm chủng của địa phương.
“Khu vực tôi đang sống hiện vẫn là vùng xanh, nhưng do trong nhà có người già và trẻ nhỏ, nên gia đình tôi tuân thủ nghiêm túc yêu cầu 5K và tiêm vắc-xin đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cả nhà”, Lê Văn Mười (54 tuổi, Thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) nói.
Cũng theo ông Mười, để có những thông tin về dịch bệnh tại tỉnh nói riêng và miền Tây nói chung, gia đình ông thường xuyên theo dõi, cập nhật từ báo đài và các kênh truyền thông uy tín. “Tôi theo dõi và nhận tin từ kênh Zalo của chính quyền tỉnh vì đây là những thông tin chính thống để mình biết tình hình dịch ra sao, tránh việc lo lắng thái quá hay chủ quan lơ là thì cũng không tốt”, ông Mười nói thêm.
Tại An Giang, theo thông tin đăng tải trên Zalo “Cổng thông tin tỉnh An Giang”, để tăng cường công tác giám sát và chủ động kiểm soát dịch hiệu quả, tỉnh tiếp tục duy trì Tổ kiểm soát thực hiện rà soát tất cả các trường hợp đi về từ các tỉnh, thành phố có số mắc cao (như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…) và các địa bàn dịch thuộc cấp độ 3, 4 để tăng cường, chủ động giám sát chặt chẽ, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao.
Các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch Covid-19. Song song, phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt Tổ Covid-19 cộng đồng trong việc giám sát, xét nghiệm, theo dõi y tế đối với các trường hợp đi về từ ngoài tỉnh.
Tương tự tại Bạc Liêu, công an thành phố đã thành lập các Tổ tuần tra đóng chốt lưu động để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy định phòng, chống dịch như: Ra đường trong giờ giới nghiêm từ 20 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau; Người chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm một liều vắc xin dưới 14 ngày ra đường; Tụ tập trên 10 người; Không đeo khẩu trang; Không giữ khoảng cách; các cơ sở, quán ăn, uống, nhà hàng, bán ăn, uống tại chỗ;...
Đặc biệt, ngày 24/11 vừa qua thành phố Bạc Liêu cũng đã đưa ra kêu gọi nhân dân thành phố chống dịch. Trong nội dung gửi đi từ Zalo “Công an thành phố Bạc Liêu” nhấn mạnh: Vì tính mạng, sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; vì sự phát triển của thành phố Bạc Liêu, toàn thể Nhân dân thành phố hãy đoàn kết, đồng lòng, chung tay phòng, chống dịch Covid-19; hãy thật sự chia sẻ, vượt qua khó khăn để cùng nhau chiến thắng dịch bệnh, chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc thật vui tươi và đầm ấm.
Tăng tốc tiêm vaccine cho người dân
Song song với việc áp dụng các biện pháp tăng cường để kiểm soát dịch bệnh, các tỉnh miền Tây cũng đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân. Các tỉnh nhấn mạnh, trong thời gian tới, để kiểm soát được dịch thì chiến lược bao phủ vaccine là giải pháp hữu hiệu nhất.
Cụ thể UBND tỉnh An Giang đã giao Sở Y tế tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả. Trong đó, ưu tiên tiêm chủng cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền và phụ nữ mang thai; yêu cầu các cơ sở tiêm chủng sử dụng ứng dụng nền tảng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.
Tính đến ngày 22/11, tỷ lệ tiêm người từ đủ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin của tỉnh đã đạt 78,37%, trẻ em từ 12-17 đạt 49,90%. Dự kiến hết tháng 11/2021 đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin trên 80% dân số, khả năng lây nhiễm sẽ giảm và kiểm soát được dịch bệnh.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 Đồng Tháp, hiện tỉnh đã có hơn 1,1 triệu người được tiêm vaccine mũi một (81,41% dân số), mũi 2 đạt hơn 718 nghìn liều (52,94%). Tại Sóc Trăng, địa phương này có gần 800 nghìn người được tiêm vaccine mũi một (92,62%) và mũi 2 được tiêm cho hơn 592.000 người từ 18 tuổi trở lên (69,04%).
Tại Cần Thơ, UBND thành phố đề nghị người dân chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng Covid-19 hạn chế di chuyển ra khỏi nơi ở, không đến những nơi tập trung đông người. Các cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm, ăn uống (nhà hàng, quán ăn, quán cà phê…) được khuyến khích chỉ bán hàng mang đi.
TP Cần Thơ xác định dịch Covid-19 đang ở cấp độ 3. Đến nay, địa phương này đã tiêm hơn 1,7 triệu liều vaccine, trong đó người trên 18 tuổi đã tiêm vaccine đạt hơn 96% và người đã tiêm đủ 2 mũi đạt 82%./.