Các tỉnh phía Bắc chủ động phòng tránh thiệt hại do bão số 4
(VOV) -Chính quyền, đoàn thể và nhân dân các tỉnh đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực khi thiên tai xảy ra.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 các tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Các địa phương cần chủ động phương án phòng chống nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có mưa vừa, một số nơi mưa to. Chủ động ứng phó với hoàn lưu bão số 4, Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ đã phân công cán bộ ứng trực tại 4 huyện có nguy cơ xảy ra lũ quét. Hiện điểm sạt lở bờ sông Hương Nha, xã Hương Nha, huyện Tam Nông, lực lượng chức năng của tỉnh đã khắc phục xong.
Đường đi của bão số 4 |
Ông Bùi Đức Tân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều tỉnh Phú Thọ cho biết: Để chủ động đối phó với hoàn lưu bão số 4 và các cơn bão tiếp theo, địa phương đã phân công cán bộ ứng trực kịp thời. Đối với những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét thì chúng tôi duy trì thông tin liên lạc. Các công tác chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện các cơ sở hiện nay đã chuẩn bị sẵn sàng.
Dự báo, đêm nay và những ngày tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ có mưa to, kèm theo tố lốc và có khả năng xảy ra ngập úng cục bộ. Chính quyền, đoàn thể và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực khi thiên tai xảy ra. Ngành chức năng cảnh báo đến từng gia đình, nhất là tại các điểm dân cư nằm trong khu vực nguy hiểm có phương án sẵn sàng di chuyển đến nơi an toàn.
Ông Đặng Viết Thuần, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Về cơn bão này, trước hết chúng tôi yêu cầu các đơn vị rà soát, kiểm tra những điểm trọng yếu xem chỗ nào có khả năng xảy ra lún sụt thì tìm cách khắc phục. Còn cống mà xảy ra chết người do cơn bão trước thì chúng tôi làm lại phần hàng rào che chắn. Ở vùng Võ Nhai thì chúng tôi xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho vùng đó”.
** Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cũng vừa có công điện khẩn số 21 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh từ Quảng Ninh đến Cà Mau và Kiên Giang chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới.
Theo dự báo, sáng 18/7, một vùng áp thấp trên khu vực giữa biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 7h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 240km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 19/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 290km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực giữa biển Đông có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động.
Để chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố theo dõi, kiểm đếm tầu thuyền đang hoạt động trên biển; Tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; Thường xuyên theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên các phương tiện thông tin đại chúng, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xứ lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
** Cùng với chính quyền và ngành chức năng các địa phương, Bộ đội Biên phòng đang tích cực triển khai phương án đối phó với bão số 4 và áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 và có khả năng còn tăng cấp đang xuất hiện ở giữa Biển Đông.
Đến sáng nay, toàn lực lượng đã thông báo cho 46.636 tàu, thuyền đang hoạt dộng trên biển chủ động biệp pháp phòng chống, đồng thời phối hợp với các địa phương sẵn sàng phương án di dân ở vùng trũng, thấp.
Tại tỉnh Thanh Hóa, đến nay, Bộ đội Biên phòng đã kêu gọi gần 8.000 phương tiện vào nơi neo đậu an toàn. Hiện còn 184 phương tiện, với trên 1.400 ngư dân đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão số 4, lực lượng tiếp tục thông báo và liên lạc với chủ tàu vào nơi tránh trú an toàn.
Đại tá Bùi Hồng Tài, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo cho 6 đồn biên phòng tuyến biển thông tin cho bà con biết hướng đi của bão và chủ động đối phó. Bên cạnh đó, thông tin cho 3 trạm báo bão Hoàng Trường, Sầm Sơn, Lạch Bạng trực tiếp nắm bắt và kịp thời thông báo cho bà con. Chúng tôi đã chuẩn bị rất chu đáo nếu xảy ra tình huống gì thì chúng tôi sẽ ứng cứu được ngay”.
** Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ đạo các ngành chức năng quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Hiện Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Ninh kêu gọi, thông báo, kiểm đếm, theo dõi và hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn; đồng thời duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Đại tá Chu Thế Kỳ, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết: Đơn vị đang tập trung nắm và theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, đồng thời kêu gọi tàu thuyền di chuyển đến nơi an toàn tránh bão và phối hợp với các địa phương tổ chức cho nhân dân các biện pháp tránh trú bão phòng chống các công trình trọng điểm như trường hợp xảy ra mưa lũ lớn thì sẽ tổ chức di chuyển các hộ dân trong vùng nguy cơ cao./.