Các tỉnh Tây Nguyên nỗ lực giảm tai nạn giao thông từ xe công nông

VOV.VN - “Ra đường sợ nhất công nông”, từ lâu đã trở thành câu cửa miệng của người dân các tỉnh Tây Nguyên về những nguy cơ mất an toàn giao thông tiềm tàng của xe công nông, loại phương tiện vận tải-sản xuất đặc thù ở khu vực.

Để cân bằng giữa đòi hỏi cấp thiết về phương tiện phục vụ sản xuất với đảm bảo an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông, công an các xã trong khu vực đã có những nỗ lực nhằm tăng tính an toàn của xe công nông và ý thức của người điều khiển loại xe này khi tham gia giao thông.

Là đô thị tỉnh lỵ của Đắk Lắk nhưng ở thành phố Buôn Ma Thuột, số lượng xe công lưu hành vẫn có đến hàng nghìn chiếc, nhất là ở các xã vùng ven. Ông Y Thơm Kênh, thôn 1, xã Cư Êbur , thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, dù đủ điều kiện kinh tế để mua một xe bán tải, nhưng ông vẫn sử dụng xe công nông vì tính đa năng của phương tiện. Ngoài việc vận chuyển hàng hóa, xe này còn có khả năng cày cả rẫy khô và ruộng nước khi được lắp thêm thiết bị.

Ông Y Thơm cũng nhận thấy xe công nông kiểu cũ quá thiếu an toàn, nên trước khi mua xe mới, ông đã lắng nghe lời khuyên của lực lượng công an xã, đầu tư gần gấp rưỡi chi phí để xe được an toàn hơn:

“Khi làm xe này thì công an nói hết rồi, phải lắp đèn xi nhan, bên phải, bên trái, còi”- vừa nói, ông Y Thơm vừa thao tác trực tiếp trên xe. "Toàn bộ đầu tư là hết 125 triệu. Mà xe này không cần quay, đây là máy đề”. 

Thực tế ở xã Cư Êbur, tỉnh Đắk Lắk cũng như ở khắp các địa phương các tỉnh Tây Nguyên, rất ít xe công nông có đầy đủ đèn, còi, xi-nhan. Trong số hàng trăm nghìn phương tiện loại này, chỉ số ít xe tham gia dịch vụ vận tải, chuyên chở nông sản, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng… được chủ xe phần nào quan tâm các yếu tố an toàn. Phần còn lại chỉ hoạt động theo mùa, đèn còi hầu như đã rơi rụng, rất mất an toàn, năm nào cũng có tai nạn giao thông chết người xảy ra.

Đa số vụ tai nạn giao thông liên quan xe công nông xảy ra lúc trời tối, khi loại phương tiện này gần như ẩn hình. Để giảm thiểu nguy cơ tai nạn, từ đầu năm 2024, cảnh sát giao thông và công an xã ở 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, đã tổ chức nhiều đợt dán decal phản quang cho xe công nông trên địa bàn, thu hút đông đảo chủ phương tiện.

Theo Đại úy Bùi Mạnh Tuấn, Phó trưởng Công an xã Cư ÊbBur, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, dán decal phản quang không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là giải pháp tuyên truyền toàn diện về an toàn giao thông đối với xe công nông.

"Việc dán decal này là một cách để tiếp xúc với bà con. Từ việc dán decal này để tuyên truyền, vận động, kêu gọi bà con tự trang bị đèn chiếu sáng, đèn hậu, còi… tăng cường các biện pháp an toàn để trong quá trình khai thác, sử dụng xe được đảm bảo. Việc này sẽ được làm từng bước, tổ chức thường xuyên, hạn chế thấp nhất rủi ro tai nạn giao thông"- Đại úy Bùi Mạnh Tuấn nói.

Ở 5 tỉnh Tây Nguyên hiện có khoảng 200.000 xe công nông. Việc dán decal phản quang cho loại xe này được thực hiện từ năm 2019, ở một số xã. Đến đầu năm nay, giải pháp này mới  được triển khai rộng khắp, kết hợp với công tác tuyên truyền về các quy định, quy tắc khi tham gia giao thông, nhất là việc không chạy quá tốc độ quy định, không chở người trên thùng xe; tuân thủ tránh xe, vượt xe, chuyển hướng đúng quy định … 

Thượng tá Phạm Quốc Lập – Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Nông cho rằng, trong điều kiện thực tế ở tỉnh, đây là giải pháp hiệu quả.

"Dán decal phản quang cho xe càng, xe máy cày này để cho những người tham gia giao thông chủ động phát hiện phương tiện đi phía trước để chủ động phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông. Cùng với đó là giải pháp tuyên truyền vận động, xử lý những xe không đảm bảo tiêu chuẩn có thể gây nguy cơ tai nạn giao thông"-Thượng tá Phạm Quốc Lập nói.

Dù đã có tác dụng đáng kể trong việc nâng cao độ an toàn của xe công nông khi tham gia giao thông lúc tối trời, nhưng dán decal phản quang cho phương tiện này không phải phải giải pháp bền vững. Là phương tiện phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, xe công nông thường xuyên dầm mưa dãi nắng, lội bùn, va quệt cây bụi, các tấm phản quang có thể nhanh chóng trầy xước, bong tróc và mất tác dụng. Để hạn chế hơn nữa nguy cơ gây tai nạn, xe công nông ở Tây Nguyên cần được kiểm soát chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, ngay từ cơ sở lắp ráp.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Công an Thừa Thiên Huế đồng loạt triển khai kiểm tra nồng độ cồn
Công an Thừa Thiên Huế đồng loạt triển khai kiểm tra nồng độ cồn

VOV.VN - Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa triển khai đợt cao điểm tổng kiểm soát vi phạm về nồng độ cồn, ma túy trên phạm vi toàn tỉnh.

Công an Thừa Thiên Huế đồng loạt triển khai kiểm tra nồng độ cồn

Công an Thừa Thiên Huế đồng loạt triển khai kiểm tra nồng độ cồn

VOV.VN - Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa triển khai đợt cao điểm tổng kiểm soát vi phạm về nồng độ cồn, ma túy trên phạm vi toàn tỉnh.

2 thanh niên bị điện giật tử vong khi đưa xe công nông khỏi vũng lầy
2 thanh niên bị điện giật tử vong khi đưa xe công nông khỏi vũng lầy

Khi cố đưa xe công nông ra khỏi vũng lầy, hai thanh niên ở Đắk Lắk đã vô tình làm đứt dây điện dưới đất, bị điện giật tử vong.

2 thanh niên bị điện giật tử vong khi đưa xe công nông khỏi vũng lầy

2 thanh niên bị điện giật tử vong khi đưa xe công nông khỏi vũng lầy

Khi cố đưa xe công nông ra khỏi vũng lầy, hai thanh niên ở Đắk Lắk đã vô tình làm đứt dây điện dưới đất, bị điện giật tử vong.