Các tỉnh Tây Nguyên sẵn sàng ứng phó bão số 4

VOV.VN - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh khu vực Tây Nguyên  đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng người dân phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 4.

 

Theo dự báo, các tỉnh Kon Tum và Gia Lai của Tây Nguyên sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi con bão số 4 khi đổ bộ vào đất liền. Tại tỉnh Kon Tum, cùng với kiên quyết di dời người dân khỏi những khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn, chính quyền và ngành chức năng đang tăng cường rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Sở Công Thương tỉnh Kon Tum chỉ đạo các nhà máy thủy điện trên địa bàn tuân thủ chặt chẽ quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ chứa, thông tin chặt chẽ với với các sở, ngành chức năng để có phương án vận hành hồ chứa nhằm cắt lũ cho hạ du và đảm bảo an toàn cho công trình. Về công trình thủy lợi, theo Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, hiện 85 hồ chứa lớn đang duy trì khoảng 70% dung tích và đã sẵn sàng phương án vận hành trong tình huống xảy ra mưa lũ lớn.

Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum cho biết, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc cùng người dân phòng, chống, ứng phó với bão số 4 nhằm giảm đến mức tối thiểu thiệt hại có thể xảy ra: “Cấp ủy và chính quyền huyện, xã, thành phố tổ chức trực 24/24 từ tối nay. Huyện ủy, UBND huyện đi cơ sở xuống tận xã, tận thôn, tận làng kiểm tra, triển khai cho xã để xã triển khai phòng chống cơn bão số 4. Xã, thôn tuyên truyền vận động người dân của thôn mình, của xã mình, của làng mình biết được nguy hại của cơ bão số 4 này để có ý thức tự đề phòng và phòng chống”.  

Tại Gia Lai, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương lên phương án di dời người dân ở các vị trí nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; canh gác nghiêm cấm người dân qua lại các vị trí, địa bàn nguy hiểm; bố trí lực lượng vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính. Tỉnh Gia Lai cũng cho học sinh, sinh viên toàn tỉnh được nghỉ học từ chiều 27/9.

Đối với việc bảm bảo an toàn hồ chứa, xả lũ thuỷ điện, thuỷ lợi trong tỉnh, ông Lưu Trung Nghĩa- Giám đốc Sở NN&PTNT- Phó Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai cho biết thêm.

“Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Cứu hộ, cứu nạn tỉnh đã có văn bản chỉ đạo sớm đối với các chủ hồ, đập. Ở đây là thuỷ điện An Khê Kanak, Thuỷ lợi Ayun Hạ, các thuỷ điện trên lưu vực sông Ba, hệ thống Sê-rê-pốc phía Tây của tỉnh, làm sao để phối hợp với nhau tốt nhất, nhận định tình hình chính xác nhất để điều tiết xả lũ và hồ chưa cho đúng quy trình , đảm bảo khoa học và chủ động"- ông Nghĩa nói.

Tại Đắk Lắk, ở vùng rốn lũ Ea Súp, ông Nguyễn Thiên Văn, Bí thư huyện uỷ cho biết, việc vận hành, xả lũ của các hồ chứa được giám sát và thông báo sớm đến vùng hạ du để người dân chủ động ứng phó. Công tác ứng trực được triển khai 24/24, các lực lượng sẵn sàng di dời dân khỏi vùng ngập lụt; đồng thời sẵn sàng cơ sở vật chất và nhân lực để ứng phó nếu có tình huống bất thường:

“Lâu nay huyện biết khu vực nào hay xảy ra ngập lụt, cho nên chủ động thông báo cho người dân ở vùng thấp trũng, gắn với đó là công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, tăng, bạt, mùng, mền, có những điểm nếu kéo dài có chốt chặn anh em để hỗ trợ người dân. Phối hợp các đồn biên phòng, đoàn kinh tế 727 với các lực lượng trong ban chỉ đạo phòng chống lụt như công an, huyện đội để sẵn sàng ứng cứu”- ông Văn nói.

Tại vùng lòng hồ dự án thuỷ lợi Krông Pách thượng, xã Cư San, nơi hàng trăm hộ dân vẫn ở trong khu vực nguy hiểm mỗi khi có mưa lớn, ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND huyện M’đrăk cho biết: “Cả huyện đặc biệt chú trọng vùng lòng hồ Krông Pách thượng. Trong sáng hôm nay thì chúng tôi đã họp và thống nhất cử lực lượng gần 100 người vào ở trong khu vực này để đảm bảo khi có lũ bão, mưa lớn xảy ra để di dời các hộ dân ở cao trình thấp lên vùng đảm bảo an toàn, mình không chủ quan lơ là, đảm bảo tính mạng, tài sản cho bà con.”

Với các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, nơi được dự báo sẽ có mưa lớn do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão, các lực lượng địa phương cũng đã sẵn sàng theo phương châm 4 tại chỗ để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Tại Lâm Đồng, tỉnh đặc biệt chú ý đến công tác vận hành hồ đập, xả lũ tại các công trình thủy điện để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, không để xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ.

Tại tỉnh Đắk Nông, các địa phương và các lực lượng cùng với người dân theo dõi chặt chẽ dự báo thiên tai, sẵn sàng phương án phòng, chống ngập úng và sạt lở đất. Ông Lê Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn Đắk Nông, cho biết: "Theo cảnh báo của Đài khí tượng thủy văn, toàn bộ tỉnh sẽ hầu hết có mưa lớn, thì nguy cơ chủ yếu là ngập lụt và sạt lở đất. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các ngành có liên quan chuẩn bị nhân lực vật lực sẵn sàng công tác ứng phó. Nếu mà mưa lớn liên tục vài ngày thì nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở tỉnh lộ 4B và quốc lộ 28"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên