Các tỉnh, thành tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày thương binh, liệt sỹ

VOV.VN - Hôm nay (27/7) các tỉnh thành trên khắp cả nước tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024).

Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức lễ giỗ các anh hùng liệt sĩ tại Côn Đảo

Phóng viên Lưu Sơn/VOV-TP.HCM đưa tin: Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hôm nay 27/7, tại Đền thờ Côn Đảo, huyện Côn Đảo, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Lễ giỗ các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã hy sinh tại Côn Đảo. 

Dự lễ có đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng nhiều cựu tù chính trị Côn Đảo và lãnh đạo, nhân dân huyện Côn Đảo. 

Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện nghi thức nguyện chuông kính cáo và dâng hương khai lễ. 

Sau nghi thức khai lễ, các đại biểu đã làm lễ chào cờ và dành phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng Liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã hy sinh; các đại biểu lần lượt tiến vào chánh điện dâng lễ, dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước hy sinh tại Côn Đảo.

Theo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, năm 1992, Di tích Nghĩa trang Hàng Dương đã được khởi công tôn tạo, đã tìm và xây được 1.923 ngôi mộ. Đến năm 2009, Đền thờ Côn Đảo được khởi công xây dựng, cụm di tích này đã tìm, vinh danh được 2.284 liệt sỹ và đã được khắc ghi lên bia đá tại đền thờ.

Tuy nhiên, sau những cuộc vượt ngục bất thành, trên vùng đất Côn Đảo và ngoài biển khơi còn rất nhiều chiến sĩ cách mạng đã nằm lại nơi đáy đại dương, còn rất nhiều những người con ưu tú của dân tộc đã chôn vùi trong cát bụi, thân xác các tù nhân gần như ở khắp mọi nơi trên Đảo. Tất cả họ đã âm thầm dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho non sông đất nước. Sự hy sinh to lớn của bao thế hệ người tù Côn Đảo là những trang sử hào hùng của dân tộc bằng chính tình yêu quê hương Tổ quốc.

Tại lễ giỗ, với lòng thành kính và tri ân sâu sắc anh linh các anh hùng liệt sỹ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu, các đại biểu nguyện chung sức, chung lòng tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, cùng nhau quyết tâm xây dựng khối đoàn kết, vì một Côn Đảo và đất nước Việt Nam văn minh, giàu đẹp, xứng đáng với công lao to lớn của các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sỹ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đang yên nghỉ trên mảnh đất thiêng Côn Đảo.

Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ năm nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, trong đó có lễ giỗ, tri ân các anh hùng liệt sỹ và đồng bào yêu nước hy sinh tại Côn Đảo. Các hoạt động nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Người dân, du khách dâng hương tưởng niệm 64 chiến sĩ Gạc Ma

PV Thái Bình /VOV Miền Trung đưa tin: Hôm nay (27/7), tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, hàng trăm người dân, du khách đến dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma 36 năm trước, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ.

 

Người dân trong tỉnh Khánh Hòa và du khách nhiều địa phương đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời", tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã ngã xuống khi bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc vào ngày 14/3/1988; Dâng hương tại khu vực mộ gió tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ.

Các đoàn khách cũng tham quan kỷ vật của các liệt sỹ và nghe thuyết minh về quá trình chiến đấu bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Từ đầu năm đến nay, hơn 230 đoàn khách với hơn 30 ngàn lượt khách đến viếng, dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại Khu tưởng niệm này. Dịp 27/7 năm nay, từ ngày 20/7 đến nay (27/7), có hơn 3.000 lượt du khách, người dân đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Ông Võ Duy Trúc, Trưởng Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Lượng khách đến đây của các đoàn, tổ chức, cá nhân đăng ký dâng hương đông hơn so với các năm trước. Việc chuẩn bị hết sức chu đáo, trang trọng. Theo đánh giá của du khách, của các đoàn, rất mừng có nhiều đoàn đã đến đây nhiều lần. Họ đánh giá khu vực này ngày càng xanh hơn, tươi hơn, sạch đẹp hơn".

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc bất ngờ cưỡng chiếm trái phép đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng ngã xuống. Năm 2015, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi công xây dựng, rộng hơn 2ha, có tổng mức đầu tư gần 130 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của đoàn viên Công đoàn và người lao động cả nước. Năm 2017, Khu tưởng niệm đi vào hoạt động. Trung tâm khu tưởng niệm là Tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời" nằm trên đồi, khắc họa hình ảnh 64 người con anh dũng, bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma. Ngoài ra, tại đây còn có khu mộ gió, bảo tàng ngầm... Tỉnh Khánh Hòa đang triển khai dự án xây dựng Bảo tàng Trường Sa, khớp nối Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.

TP.HCM tri ân 200 người có công tiêu biểu

Theo PV Ngọc Xuân/VOV-TP.HCM: Sáng nay 27/7, Thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức họp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024). 

 

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, nhiều năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố đặc biệt quan tâm.

Thành phố đã vận động gần 190 tỷ đồng cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách; đảm bảo 100% mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ.

Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ, chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, đền thờ, nhà bia ghi tên liệt sĩ trên địa bàn TP.HCM cũng được tập trung thực hiện với tổng kinh phí hơn 95 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, Thành phố đã tìm kiếm, quy tập, tiếp nhận và tổ chức lễ an táng 47 hài cốt liệt sĩ.

Theo ông Phan Văn Mãi, công tác đền ơn đáp nghĩa vẫn phải ráo riết hơn, chạy đua với thời gian để chăm sóc, tri ân kịp thời, không để sót, lọt những trường hợp người có công chưa được hưởng chính sách.

"Chúng ta nói chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhưng tất cả phải được thể hiện qua công việc cụ thể, thường xuyên của mỗi cấp ủy, chính quyền, ở từng cơ sở. Không chỉ là sự giúp đỡ về vật chất mà còn là sự động viên, chia sẻ về mặt tinh thần. Đây là điều mà chúng tôi rất mong muốn. Trong thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, nên rà soát lại và chúng ta làm tốt hơn, làm bằng cái tâm, bằng tình cảm, lòng tri ân của mình", ông Phan Văn Mãi cho biết.

Dịp này, lãnh đạo TP.HCM đã trao quà tri ân các Mẹ Việt Nam Anh hùng và gần 200 người có công tiêu biểu.

Tham dự họp mặt, ông Nguyễn Văn Thành Đạo, ngụ quận Bình Tân, thương binh 1/4 chia sẻ niềm xúc động trước sự quan tâm, chăm lo của Đảng bộ, chính quyền các cấp. Là cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu giúp bạn Campuchia, dù bị thương tật, sức khỏe kém, nhưng ông luôn tâm niệm phải phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong mọi hoàn cảnh, tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, hỗ trợ đồng đội.

"Sau khi xuất ngũ, bình phục sức khỏe thì tôi tham gia công tác ở địa phương. Trước đây là trưởng ấp, rồi trưởng khu phố, và bí thư chi bộ cho đến nay, khoảng 27, 28 năm rồi. Mình là Bộ đội cụ Hồ, trước đây thời thanh niên thì chiến đấu bảo vệ đất nước, bây giờ thì vẫn tiếp tục cống hiến cho địa phương để giúp giúp dân, giúp địa phương ngày càng phát triển", ông Đạo cho biết.

Phát triển bền vững TP.HCM, thiết thực tri ân các anh hùng liệt sĩ

Theo phóng viên Ngọc Xuân/VOV-TPHCM: Cũng trong ngày hôm nay (27/7), ại Đền Bến Dược, huyện Củ Chi, TP.HCM, đoàn lãnh đạo TP.HCM cùng hơn 500 đại biểu nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo đã tham dự Lễ tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024). Hoạt động này nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc công lao to lớn của anh hùng liệt sĩ với đất nước, đồng thời tuyên truyền, giáo dục về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và trách nhiệm trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” cho các tầng lớp nhân dân.

 

 

Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược có 44.520 liệt sĩ được khắc tên, trong đó có 9.322 liệt sĩ là con em của 40 tỉnh, thành khác đã chiến đấu hy sinh trên vùng đất Sài Gòn- Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây là ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ lớn nhất tại TP.HCM, nằm ngay giữa “tam giác sắt” trên vùng đất nổi tiếng với địa đạo Củ Chi, một trong những biểu tượng của sự kiên cường và tinh thần chiến đấu bất khuất của quân và dân ta.

Dự lễ tưởng niệm, ông Nguyễn Văn Chùm - Chi hội trưởng cựu chiến binh ấp Xóm Mới, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi nhớ lại quãng thời gian ông đi theo cách mạng từ năm 16 tuổi; gia đình ông có 7 anh em thì có đến 4 người đã hy sinh.

"Hôm nay về đây thắp nén nhang cho những người đã hy sinh vì đất nước thì cảm xúc mình rất bùi ngùi, cách đây bốn mươi mấy năm tôi cũng đã từng cùng gia đình và các đồng đội, đồng chí tham gia kháng chiến, hôm nay về đây kẻ mất người còn. Tôi mong thế hệ trẻ tiếp bước ông cha để giữ vững truyền thống của đất nước mình, truyền thống của quê hương đất thép", ông Chùm nói.

Cả nước hiện có hơn 9,2 triệu người có công; gần 1,2 triệu liệt sĩ; gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; trên 3.200 nghĩa trang, nhiều người chưa tìm thấy, hoặc tìm thấy mà không có tên tuổi…

Về thắp nén nhang cho đồng đội, cho những người đã anh dũng hy sinh, bà Nguyễn Thị Hạnh, 77 tuổi,  nữ du kích Củ Chi năm xưa cho biết bà vẫn miệt mài cùng các dì, các chị tiếp tục tìm kiếm hài cốt những người còn nằm lại chiến trường, dù gặp rất nhiều khó khăn.

"Mình cũng thương nhớ, thương tiếc, đi lên đây thắp nhang. Nhớ lại hồi chiến tranh, có những người mà bây giờ không có tên họ, vẫn đang tìm, nên thấy cũng đau thương. Khó khăn nhất là bây giờ đã san bằng hết rồi, họ trồng cây cao su, rồi xây nhà cửa nên mình tìm không ra", bà Hạnh nói.

Ông Nguyễn Văn Ảnh - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi cho biết, hàng năm ông và đồng đội về đây thắp hương, cảm thấy rất vui vì Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo kịp thời cho các gia đình thương binh liệt sĩ, diện chính sách, người có công với cách mạng.

"Đặc biệt năm nay được Đảng, Nhà nước quan tâm tăng lương cho cán bộ hưu trí và các đối tượng chính sách, nhờ vậy đời sống của bà con phần nào được nâng lên", ông Ảnh cho biết.

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM cho biết: trong những ngày qua, lãnh đạo thành phố đã tổ chức 22 đoàn công tác đến thăm, tặng quà, cảm ơn các gia đình thương binh, người có công với đất nước tiêu biểu tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức; có nhiều hoạt động ý nghĩa như: tuổi trẻ thành phố thắp nến tri ân; khánh thành Đền tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Rừng Sác - Cần Giờ…

Bên cạnh đó, Đảng bộ và hệ thống chính trị của thành phố trong nhiều năm qua đã chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động, nhiều công trình, nhiều việc làm, nhiều mô hình thiết thực có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, huy động được các nguồn lực to lớn trong toàn xã hội.

Ông Lộc đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội Thành phố… tiếp tục có những công trình, phần việc quan tâm công tác đền ơn đáp nghĩa, gắn liền với giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo gia đình người có công với đất nước có mức sống trung bình khá trở lên.

Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng, khơi sức và phát kiến nhiều năng lượng tích cực, chung sức đồng lòng hướng đến sự phát triển của thành phố kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng ta lấy con người là trung tâm, là chủ thể để triển khai thực hiện các mục tiêu cho động lực phát triển, phấn đấu đến năm 2030 TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo... Tổ chức các hoạt động về sự phát triển bền vững Thành phố vì hạnh phúc của nhân dân, chính là ý nghĩa có chiều sâu cho việc đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tri ân người có công với đất nước", ông Lộc chia sẻ.

Tổ chức Lễ giỗ tập thể các liệt sĩ Trung đoàn 1-U Minh

Theo phóng viên Phạm Hải/VOV ĐBSCL: Ngày 27/7, tại đền thờ các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 1 – U Minh tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng, Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh và UBND quận Cái Răng, TP. Cần Thơ tổ chức Lễ giỗ tập thể đầu tiên tại khu Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 1-U Minh.

Trung đoàn 1-U Minh, Sư đoàn 330, Quân khu 9 là đơn vị chủ lực đầu tiên của miền Tây Nam Bộ, thành lập ngày 23-9-1963. Qua hơn 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc, Trung đoàn 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 3 tiểu đoàn, 6 đại đội và 26 cán bộ, chiến sĩ cũng vinh dự được trao tặng danh hiệu cao quý này. Trong giai đoạn từ ngày thành lập đến 30/4/1975, Trung đoàn 1-U Minh có gần 12 năm chiến đấu trên chiến trường ĐBSCL, trong đó có hơn 8 năm chiến đấu ở tỉnh Cần Thơ (TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang ngày nay). Tại chiến trường này, Trung đoàn 1-U Minh đã lập được nhiều chiến công, nhưng cũng là chiến trường mà cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã hy sinh nhiều nhất.

Để tỏ lòng thành kính, biết ơn các Anh hùng liệt sĩ, Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh đề xuất chủ trương, được lãnh đạo nhiều địa phương và nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi, tài trợ, đóng góp xây dựng đền thờ tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Đến dự lễ giỗ tập thể, Đại tá Nguyễn Thành Chiến, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1 – U Minh xúc động cho biết: "Cùng với các địa phương, cùng với Trung đoàn 1 hiện nay tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Thực ra cái này chỉ tham gia một phần thôi vì ban liên lạc không có lực lượng. Nhưng mà với trách nhiệm của mình, với tình thương của mình đối với anh em để đi tìm kiếm, cất bốc. Thì mấy hôm nay làm cũng khá nhiều rồi đó, nhất là anh em ở miền bắc, lần trước ban liên lạc đã nhiều lần đi vào tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Trà Vinh tìm kiếm anh em và thử AND để xác định danh tính liệt sĩ".

Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 1 – U Minh được cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, các nhà hảo tâm chung sức đồng lòng, tự nguyện đóng góp xây dựng.

Đồng Tháp tổ chức lễ truy điệu, an táng 97 hài cốt liệt sĩ

Theo PV Phạm Hải/VOV ĐBSCL: Ngày 27/7, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Tam Nông, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Lễ truy điệu, an táng 97 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Vương quốc Campuchia. Tham dự lễ truy điệu có lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp; Đoàn đại biểu 2 tỉnh Prey Veng và Pursat của Vương quốc Campuchia; Ban Chỉ đạo 515 Quân khu 9.

Thực hiện kế hoạch, trong giai đoạn mùa khô 2023-2024, Đội công tác K91 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp đã tìm kiếm, quy tập được 97 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Vương quốc Campuchia tại 2 tỉnh PrayVeng và Puasat.

Tại buổi lễ truy điệu, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ nỗi đau thương mất mát và lòng tiếc thương vô hạn đến các gia đình, người thân của các liệt sĩ được tìm thấy trong đợt này.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, do điều kiện chiến tranh ác liệt kéo dài, 97 hài cốt liệt sĩ đưa về Tổ quốc đợt này chưa xác định được tên, tuổi, quê quán; song dù quê quán ở đâu, xin hương hồn các liệt sĩ hãy xem quê hương Đồng Tháp là nơi đất lành để nằm lại nơi đây. Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp thay mặt nhân dân cả nước nguyện chăm sóc, giữ gìn phần mộ. Đồng thời quyết tâm thực hiện hoài bão của các liệt sĩ lúc sinh thời, tiếp tục ra sức bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Sau lễ truy điệu và lễ dâng hương đã tiến hành tổ chức an táng 97 hài cốt liệt sĩ tại nghĩa trang Liệt sĩ Tam Nông, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Hoạt động của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ

Phóng viên Đoàn Sĩ/VOV TPHCM đưa tin: Công đoàn cơ sở Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 cùng lực lượng thanh niên tình nguyện ra quân đồng loạt với nhiều hoạt động thiết thực tại địa nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024). 

Diễn ra tập trung trong 3 ngày vừa qua, với các hoạt động kể đến như: thực hiện lắp đặt 6 bộ cột đèn năng lượng mặt trời và trồng cây xanh, vệ sinh, chỉnh trang cảnh quan tại Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; lắp đặt 9 bộ cột đèn năng lượng mặt trời tại đoạn đường thuộc thôn Vĩnh Phúc, Xã Vĩnh Tân. Tổng giá trị công trình là hơn 45.000.000 đồng.

Thông qua các hoạt động kể trên, lực lượng đoàn viên Công đoàn và Đoàn thanh niên Nhà máy đã bày tỏ lòng quý trọng và biết ơn đối với những chiến sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc; thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, với sự xung kích, tình nguyện phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn, Công đoàn, Đoàn thanh niên của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và địa phương, các công trình an sinh xã hội ý nghĩa đã được hoàn thành nhanh chóng để góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương nơi Nhà máy đứng chân.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tiền Giang: Đồng loạt làm lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại cấp xã
Tiền Giang: Đồng loạt làm lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại cấp xã

VOV.VN - Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2024) sáng nay 27-7, hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đều tổ chức lễ tưởng niệm các Anh hùng, liệt sỹ.

Tiền Giang: Đồng loạt làm lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại cấp xã

Tiền Giang: Đồng loạt làm lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại cấp xã

VOV.VN - Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2024) sáng nay 27-7, hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đều tổ chức lễ tưởng niệm các Anh hùng, liệt sỹ.

Nỗ lực hỗ trợ gia đình liệt sỹ ở Yên Bái
Nỗ lực hỗ trợ gia đình liệt sỹ ở Yên Bái

VOV.VN - Với phương châm “Mọi hoạt động hướng về thân nhân liệt sỹ”, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái đã tích cực vận dụng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước; vận động các nhà hảo tâm, nhà tài trợ ủng hộ vật chất, trang thiết bị giúp gia đình liệt sỹ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Nỗ lực hỗ trợ gia đình liệt sỹ ở Yên Bái

Nỗ lực hỗ trợ gia đình liệt sỹ ở Yên Bái

VOV.VN - Với phương châm “Mọi hoạt động hướng về thân nhân liệt sỹ”, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái đã tích cực vận dụng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước; vận động các nhà hảo tâm, nhà tài trợ ủng hộ vật chất, trang thiết bị giúp gia đình liệt sỹ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Hàng nghìn thanh niên Bắc Kạn, Cao Bằng đồng loạt thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ
Hàng nghìn thanh niên Bắc Kạn, Cao Bằng đồng loạt thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ

VOV.VN - Kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sỹ, tối 26/7, tuổi trẻ các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng đã đồng loạt tổ chức chương trình thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ.

Hàng nghìn thanh niên Bắc Kạn, Cao Bằng đồng loạt thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ

Hàng nghìn thanh niên Bắc Kạn, Cao Bằng đồng loạt thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ

VOV.VN - Kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sỹ, tối 26/7, tuổi trẻ các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng đã đồng loạt tổ chức chương trình thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ.