Các trường học ở Đà Nẵng xử lý như thế nào khi có F0?
VOV.VN - Tại TP. Đà Nẵng, hiện, toàn bộ các khối lớp từ THCS đến THPT đang triển khai dạy và học trực tiếp với phương châm thích ứng linh hoạt và an toàn với dịch bệnh. Các trường học đều chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với tình huống khi xuất hiện F0.
Hiện, các trường học ở thành phố Đà Nẵng đã đón học sinh đến trường. Sau khi học sinh đến lớp học trực tiếp đã ghi nhận một số trường hợp là F0, F1 phải chuyển sang học trực tuyến.
Tại trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Đà Nẵng, sau khi trở lại trường, đã ghi nhận 18 học sinh là F0 và F1 trong cùng lớp học. Ngay lập tức, nhà trường chuyển số học sinh này về theo dõi tại nhà và học trực tuyến.
Theo cô Trương Nguyễn Ngọc Vinh, Phó Hiệu trưởng THPT Chuyên Lê Quý Đôn, trong bối cảnh hiện nay, nhà trường linh hoạt trong dạy và học để không ảnh hưởng đến tâm lý và việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Hiện nay, trường có khoảng 100 học sinh là F0, F1 và ở vùng đỏ phải học trực tuyến. Giáo viên trong trường sắp xếp số học sinh này ghép vào một lớp học để giảng dạy trực tuyến chứ không học song song với các bạn tới trường.
Cô Trương Nguyễn Ngọc Vinh cho biết thêm, phương pháp dạy như vậy, sẽ đảm bảo tiếp thu kiến thức cho tất cả học sinh lại không gây khó khăn cho giáo viên khi không phải vừa dạy trực tiếp vừa trực tuyến: “Theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, tất cả những trường học mở cửa đón học sinh đi học trực tiếp đều có phương án khẩn cấp phòng, chống dịch. Tức là khi có tình huống F0 xảy ra tại trường chẳng hạn thì nhà trường sẽ có phương án sẵn sàng ứng phó với việc như vậy”.
Đảm bảo quyền lợi cũng như tạo điều kiện an toàn cho các em học sinh, các trường học ở Đà Nẵng rất linh hoạt trong việc dạy học khi ghi nhận trường hợp F0. Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu xác định, khi xuất hiện F0 trong lớp học thì học sinh lớp đó sẽ chuyển sang học trực tuyến 7 ngày. Sau thời gian 7 ngày, kiểm tra âm tính thì các em sẽ đi học trực tiếp trở lại.
Đối với những học sinh diện F0, F1, nhà trường tạo các lớp học trực tuyến riêng để các em tham gia học bài. Đồng thời, nhà trường phân công thời khóa biểu cho giáo viên giảng dạy trùng với thời khóa biểu mà hiện nay các em đang học đảm bảo song song tiến độ giữa học trực tuyến và học trực tiếp.
Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huệ cho hay, cách học này giúp các em khi quay trở lại học trực tiếp sẽ theo kịp chương trình học tập: “Tại thời điểm này, trường đang có 10 giáo viên ở vùng 4 hoặc là F0, F1. Nhà trường đã phân công những giáo viên này thực hiện dạy trực tuyến. Nếu đến một thời điểm mà số lượng cán bộ giáo viên, nhân viên mắc Covid-19 quá nhiều thì nhà trường sẽ linh hoạt xin phép lãnh đạo quận Hải Châu, Phòng Giáo dục của quận để chuyển sang hình thức học trực tuyến phù hợp có thể theo từng khối lớp”.
Theo kế hoạch, ngày 21/2 tới đây, học sinh tiểu học tại thành phố Đà Nẵng sẽ trở lại trường học trực tiếp. Đối với học sinh mầm non sẽ thăm dò, khảo sát ý kiến của phụ huynh học sinh rồi mới quyết định cụ thể. Hiện nay, việc xuất hiện F0 trong trường học là không tránh khỏi, ngành Giáo dục thành phố Đà Nẵng đã có hướng dẫn chi tiết gửi các trường học phương pháp đảm bảo an toàn khi tổ chức đón học sinh trở lại học trực tiếp. Trường hợp học sinh không thể đến trường học, các trường đảm bảo đủ phương tiện, thiết bị dạy học để tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, không để học sinh bị gián đoạn chương trình học tập.
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay đối với F1, quy định cách ly 7 ngày. Tuy nhiên, điều này thực hiện với các trường học thì rất khó khăn. Bởi vì, hiện tại ở một số trường, giáo viên là F1 thì buộc phải dạy trực tuyến tất cả khối lớp mà có liên quan đến giáo viên đó. Chúng tôi xin ý kiến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, nếu được thì cho phép F1 chỉ cách ly 3 ngày, sau đó xét nghiệm nếu âm tính thì giáo viên và học sinh trở lại trường, đảm bảo chương trình dạy học trực tiếp”./.