Cách gì để “giữ chân” tài năng trẻ?
VOV.VN - Làm sao tạo ra được chính sách để các em tiếp tục phát huy tài năng, phục vụ đất nước...?
Cả ba đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Olympic Toán, Hóa học và Vật lý quốc tế năm 2017 đều đạt thành tích cao nhất trong lịch sử tham dự từ trước đến nay. Tuy nhiên, làm sao tạo ra được chính sách để các em tiếp tục phát huy tài năng, phục vụ đất nước...?
6 học sinh Việt Nam tại Lễ Đài trao giải IMO 2017. |
Nhiều tài năng chiếm lĩnh đỉnh cao
Theo số liệu được Ban tổ chức Olympic Toán quốc tế (IMO) 2017 công bố trên trang web chính thức của cuộc thi, năm nay Đoàn Việt Nam đạt thành tích cao nhất trong 43 lần dự thi IMO, đứng thứ 3 thế giới. Cụ thể, với Olympic Toán quốc tế 2017, Đoàn Việt Nam giành 4 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng, đứng thứ 3 thế giới, thành tích cao nhất trong 43 lần dự thi Olympic Toán quốc tế.
Với Olympic Vật lý quốc tế 2017: Đoàn Việt Nam giành 4 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng, đứng thứ 5 sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Singapore. Đây là thành tích cao nhất trong lịch sử 37 lần tham dự Olympic Vật lý quốc tế. Olympic Hoá học quốc tế năm 2017: Đoàn Việt Nam giành 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc - xếp thứ 2 cùng với Trung Quốc, sau Hoa Kỳ.
Đây cũng là kết quả cao nhất của Đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế từ trước đến nay. Đặc biệt, môn Toán, học sinh Hoàng Hữu Quốc Huy (Trường THPT Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng 2 thí sinh khác có điểm số cá nhân cao nhất.
Thầy Lê Quốc Hùng, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ: “Thành tích của em Huy là niềm tự hào của không chỉ nhà trường mà toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sở dĩ Việt Nam có được kỳ tích này là do thời gian gần đây phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi đỉnh cao đã thấm đến các tỉnh thành và đã có nhiều tài năng được phát hiện trên toàn quốc. Lần đầu chúng tôi cử học sinh đi thi Olympic và may mắn có em Hoàng Hữu Quốc Huy đạt kết quả cao”.
PGS.TS Lê Anh Vinh, người từng tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 2001, Trưởng đoàn Olympic Toán học 2017 chia sẻ, không chỉ thế hệ anh mà ngày nay, một học sinh muốn được tham gia vào các kỳ thi học sinh giỏi phải vượt qua nhiều vòng rồi mới đến thi quốc tế. “Nhiều người thắc mắc, ở nước ngoài liệu có luyện học sinh kiểu “gà nòi” như ở Việt Nam hay không? Học sinh để được chọn thi Olympic học có vất vả như học sinh Việt Nam hay không? Tôi khẳng định là rất vất vả. Ở Mỹ, để lọt vào danh sách 6 bạn đi thi Olympic Toán quốc tế, sự vất vả không hề thua kém 6 bạn ở Việt Nam” - PGS.TS Lê Anh Vinh cho hay.
Cần môi trường phát triển để tránh “chảy máu” tài năng...
Là thí sinh đầu tiên của Bà Rịa - Vũng Tàu lọt vào đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế (IMO), Hoàng Hữu Quốc Huy xuất sắc giành huy chương vàng với điểm số cá nhân cao nhất, bằng điểm của hai thí sinh đến từ Nhật Bản và Iran. Sau khi đoạt giải, chưa quyết định con đường tương lai sẽ theo đuổi, “chàng trai vàng” Toán học cho biết trước mắt sẽ học tại Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, theo Toán ứng dụng, tích luỹ kiến thức để đi du học. Tuy nhiên, Huy cho rằng nếu được Nhà nước hỗ trợ thì sẽ rất tốt, vì đến nay em cũng chưa hình dung trong tương lai mình sẽ phát triển theo hướng nào?
Đó cũng là nỗi trăn trở của thầy Lê Quốc Hùng, người thầy đã dẫn dắt Hoàng Hữu Quốc Huy để bước lên bục vinh quang. Thầy Hùng chia sẻ: Bên cạnh niềm vui và tự hào thì chúng tôi cũng trăn trở về định hướng phát triển cho các em sau này. Trước đây các em đoạt giải quốc tế thì Nhà nước, Bộ GD-ĐT cấp học bổng để đi du học, còn hiện nay các em chỉ được hưởng ưu tiên là được tuyển thẳng vào trường đại học. Chính vì thế học sinh, gia đình và nhà trường phải tự mày mò tìm kiếm môi trường giáo dục tốt giúp các em phát triển tài năng”.
Thực tế, chính sách đãi ngộ còn nhiều bất cập và môi trường làm việc thiếu hiệu quả khiến nhiều người dù có tài nhưng vẫn chưa thực sự phát huy được hết khả năng.
TS. Toán học Lê Thống Nhất (Người sáng lập trường học trực tuyến Bigschool) cho rằng: Để tránh tình trạng các tài năng “chớm nở” đi theo con đường du học, ngoài việc ưu tiên tuyển thẳng vào trường đại học thì các em cần phải có giáo trình học tập riêng, chứ không phải học những giáo trình bình thường như các sinh viên khác sẽ rất lãng phí. Đồng thời, cần có đội ngũ giáo sư giỏi để định hướng cho các em có thể đi nhanh hơn trong lĩnh vực mà mình giỏi, được tiếp cận khoa học, giao lưu quốc tế.
“Giải pháp tối ưu nhất để giữ chân các em là tạo điều kiện đào tạo trong nước nhưng kết hợp đào tạo hợp tác quốc tế. Tạo điều kiện cho nhiều sinh viên được học tập, giao lưu ngắn, dài hạn ở nước bạn, giúp sinh viên tiếp cận môi trường giáo dục quốc tế. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo” - ông Nhất đề xuất.
Theo ý kiến của một số chuyên gia giáo dục, để giải được bài toán này, chúng ta cần xây dựng đề án riêng để thu hút nhân tài, tạo môi trường phát huy tài năng trẻ. Môi trường ở đây không chỉ là đảm bảo cuộc sống cho họ mà quan trọng hơn cả là môi trường làm việc để họ phát triển năng lực. Đã đến lúc chúng ta cần phải có sự thay đổi nhất định trong việc đãi ngộ thu hút nhân tài...”./.
“Để phát hiện và đào tạo bồi dưỡng được một tài năng là hết sức kỳ công, mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, việc các em đoạt giải chỉ là sự khởi đầu, còn để các em trở thành tài năng thực sự cống hiến cho đất nước sau này thì cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, cần có cơ chế hỗ trợ để những “hạt giống” tài năng này được phát triển hết mức…”
Thầy Lê Quốc Hùng, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn.