Cách ly y tế, mỗi nơi một kiểu!

VOV.VN - Mỗi nơi làm một kiểu, khiến người dân gặp nhiều trở ngại khi có nhu cầu về quê, đi, đến các địa phương làm ăn và học tập.

Sau khi Bộ Giao thông Vận tải đồng ý khôi phục hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách đi và đến TP Đà Nẵng từ 0h ngày 7/9, rất nhiều người đang sống, lao động và học tập tại Đà Nẵng còn nhiều băn khoăn, nếu trở về quê thì có bị cách ly tập trung hay không?

Trong khi đó, các tỉnh miền Trung lại có những quy định khác nhau về việc tiếp nhận người từ Đà Nẵng đến. Có tỉnh thì thực hiện biện pháp cách ly 14 ngày đối với những người từ Đà Nẵng đến. Nhưng cũng có tỉnh chỉ áp dụng công tác kiểm tra theo dõi y tế chứ không cách ly.

Để tạo thuận lợi cho mọi người sớm ổn định cuộc sống, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu người dân từ TP Đà Nẵng về và có lưu trú tại tỉnh Quảng Nam thực hiện tốt "Thông điệp 5K" theo khuyến cáo của Bộ Y tế, gồm: Đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, giữ khoảng cách và khai báo y tế. Ngoài ra, người dân phải tự theo dõi sức khoẻ, báo cáo với Tổ Giám sát và Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại cộng đồng (nơi lưu trú) biết để giám sát.  

Sau gần một tháng không phát sinh ca bệnh mới trong cộng đồng, sáng 8/9, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản về việc thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch Covid 19 trên địa bàn tỉnh trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, du khách trong và ngoài nước đã lưu trú ổn định trên 15 ngày tại Việt Nam được phép ra đảo Lý Sơn. Đối với người dân đi về từ vùng có dịch như thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi sẽ không tổ chức cách ly tập trung. Người dân phải có xác nhận không mắc Covid-19 của ngành y tế tại nơi đi, khai báo y tế và theo dõi sức khỏe tại nhà.

Bác sĩ Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Đến thời điểm hiện nay, tại tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn một số trường hợp đang cách ly chưa qua 14 ngày. Người từ thành phố Đà Nẵng về phải thực hiện khai báo y tế, theo dõi sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định".

Sáng 8/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh này vừa có phương án xử lý đối với người dân đến từ thành phố Đà Nẵng. Theo đó, để đảm bảo sự đi lại bình thường cho người dân, tỉnh này không lập các chốt chặn, không yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm trước khi đến Khánh Hòa hay cách ly tập trung sau khi về địa phương. Tuy nhiên, người dân phải chấp hành các biện pháp phòng chống dịch như việc khai báo y tế, cài đặt blue zone.

Trước mắt, tỉnh Khánh Hòa phân loại những người đến từ Đà Nẵng, thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là những người đi từ vùng dịch trở về có triệu chứng sốt, ho, khó thở, buộc phải nhập viện, xét nghiệm. Nhóm thứ hai là những người đi qua những khu vực có dịch, tiếp xúc các khu có yếu tố nguy cơ cao, ngành y tế sẽ khai thác thêm yếu tố dịch tễ, để tùy tình hình sẽ cách ly tập trung, xét nghiệm. Nhóm thứ 3 là những người bình thường đã thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch, không đến các khu vực có nguy cơ cao, không có triệu chứng sẽ trở về sống, làm việc bình thường, chỉ cần tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nếu có vấn đề sức khỏe thì thông báo sức khỏe với cơ sở y tế.

Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Tự theo dõi sức khỏe tại nhà chứ không phải cách ly tại nhà. Tức là đi làm việc bình thường, tự mình theo dõi mình, nếu có vấn đề gì về sức khỏe thì thông báo cho y tế. Quan điểm là theo dõi sát, vận động bà con tuyên truyền để không chủ quan, đồng thời vẫn làm ăn. Không lập chốt, không có đòi hỏi người ta phải xét nghiệm, chỉ xét nghiệm những trường hợp nào có chỉ định".

Còn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, chính quyền địa phương quy định người đến từ Đà Nẵng phải đăng ký trước với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, có đủ Giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV2 trong thời hạn 72 giờ đồng hồ. Khi được chấp nhận đến Huế, người dân chỉ được đến Huế trong vòng 72 giờ, nếu quá thời hạn này phải tiếp tục xét nghiệm và chịu chi phí xét nghiệm SASR-Cov-2.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Bình thì yêu cầu các ngành liên quan chỉ đạo các chốt kiểm dịch tăng cường kiểm soát, không tiếp nhận các phương tiện vận tải hành khách chở quá 50% số lượng người theo quy định từ thành phố Đà Nẵng vào địa phương. Các huyện, thành phố, thị xã tích cực chỉ đạo rà soát, phân loại công dân Quảng Bình trở về và khách đến từ vùng dịch, tập trung là thành phố Đà Nẵng và Hải Dương. Các trường hợp nguy cơ cao, có đến các địa danh Bộ Y tế thông báo phải tổ chức cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 2 lần theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các trường hợp về hoặc đến Quảng Bình từ tỉnh Quảng Nam, do đã qua 14 ngày không có ca bệnh trong cộng đồng nên cần tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 14 ngày.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết: “Theo hướng dẫn, bây giờ công dân trở về cho cách ly tại nhà và phải tuân thủ quy định cách ly tại nhà. Địa phương sẽ rà soát lại xem ai có đến các địa danh có nguy cơ mà Bộ Y tế thông báo, xem xét nếu đối tượng có nguy cơ thì sẽ đưa vào cách ly tập trung”.

Tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu đối với các công dân trở về từ địa phương có ghi nhận ca lây lan trong cộng đồng chưa qua 14 ngày thì phải cách ly tập trung. Như vậy, người dân trở về từ Đà Nẵng và thành phố Hải Dương vẫn phải cách ly tập trung; người về từ Quảng Nam chỉ cách ly tại nhà. Người dân về từ Hà Nội vẫn cách ly tại nhà. Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở y tế tỉnh Quảng Trị cho biết: “ Chúng tôi đã có hướng dẫn cụ thể về việc cách ly. Những người đến từ những vùng không có dịch hay đã hơn 14 ngày trong ca bệnh cộng đồng, thì đi lại bình thường. Nhưng từ Đà Nẵng ra thì đây vẫn là vùng dịch, theo đó, sẽ quản lý trong cộng đồng và có biện pháp cách ly hoặc cách ly tại nhà, và giám sát y tế”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đà Nẵng tạm thời dạy học online trong năm học mới để phòng dịch
Đà Nẵng tạm thời dạy học online trong năm học mới để phòng dịch

VOV.VN - Mặc dù dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát tại Đà Nẵng, song để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, ngành giáo dục thành phố vẫn quyết định tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh trong năm học này.

Đà Nẵng tạm thời dạy học online trong năm học mới để phòng dịch

Đà Nẵng tạm thời dạy học online trong năm học mới để phòng dịch

VOV.VN - Mặc dù dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát tại Đà Nẵng, song để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, ngành giáo dục thành phố vẫn quyết định tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh trong năm học này.

Đà Nẵng hỗ trợ người dân khó khăn do COVID-19
Đà Nẵng hỗ trợ người dân khó khăn do COVID-19

VOV.VN - Trong hơn một tháng qua, Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Đà Nẵng tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa như, “Triệu bữa cơm”, “Bữa cơm yêu thương” gửi tặng người dân khó khăn.

Đà Nẵng hỗ trợ người dân khó khăn do COVID-19

Đà Nẵng hỗ trợ người dân khó khăn do COVID-19

VOV.VN - Trong hơn một tháng qua, Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Đà Nẵng tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa như, “Triệu bữa cơm”, “Bữa cơm yêu thương” gửi tặng người dân khó khăn.

Bến xe Đà Nẵng đìu hiu vắng khách
Bến xe Đà Nẵng đìu hiu vắng khách

VOV.VN - Bước sang ngày thứ 2 mở cửa trở lại, bến xe Đà Nẵng vẫn vắng khách. Cả khoảng sân rộng lớn chỉ có 3 xe ô tô đậu chờ khách.

Bến xe Đà Nẵng đìu hiu vắng khách

Bến xe Đà Nẵng đìu hiu vắng khách

VOV.VN - Bước sang ngày thứ 2 mở cửa trở lại, bến xe Đà Nẵng vẫn vắng khách. Cả khoảng sân rộng lớn chỉ có 3 xe ô tô đậu chờ khách.