Cách mạng Tháng Tám trong con mắt chuyên gia Thái Lan

Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Thái Lan trích một số nhận định của bà Thanyathip Sripana, chuyên gia về Việt Nam thuộc Viện châu Á – trường đại học Chulalongkorn của Thái Lan về ngày này.

Cách mạng Tháng Tám không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam mà còn là hình mẫu, sự khích lệ mạnh mẽ đối với nhiều nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh, đặc biệt là các nước láng giềng đang bị ách đô hộ của thực dân. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nhiều chuyên gia Thái Lan có những nhận định tích cực về ngày trọng đại này.

Bà Thanyathip Sripana, chuyên gia về Việt Nam, Viện châu Á, trường đại học Chulalongkorn, người có nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam cho rằng, Cách mạng Tháng Tám là tấm gương cho các nước thuộc địa noi theo, đặc biệt là các nước láng giềng.

Theo bà Thanyathip, Cách mạng Tháng Tám không chỉ là chiến thắng vang dội của Việt Nam trong thế kỷ 20 mà nó còn có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của Việt Nam trong thời đại ngày nay. Bà Thanyathip cho rằng điều không thể phủ nhận đó là Cách mạng Tháng Tám và các sự kiện lịch sử khác, cuộc đấu tranh kiên trì anh dũng,  tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam là những yếu tố đưa nước Việt Nam phát triển ổn định, vững chắc như ngày hôm nay.

65 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh trong quan hệ với các nước trên thế giới, đạt được nhiều thành công trên trường quốc tế. Vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, Việt Nam ngày càng có tiếng nói quan trọng trên các diễn đàn quốc tế.

Về phong cách và đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh, bà Thanyathip chia sẻ: “Điều đầu tiên tôi biết và học được  từ Người đó là Người coi trọng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng. “Bán anh em xa, mua láng giêng gần”. Điều này chứng tỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng các nước láng giềng. Hồ Chí Minh có phong cách ngoại giao của mình, Người coi trọng ngoại giao mang lại nhiều bạn bè và láng giềng thân thiết. Nó mang lại bình yên, hòa bình, sự hợp tác tạo thuận lợi cho sự phát triển đất nước Việt Nam. Vì vậy có thể thấy rõ là phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh có ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách ngoại giao của Việt Nam hiện nay. Đó là nhấn mạnh đến ngoại giao trong mọi lĩnh vực, ngoại giao đa phương. Ngoài lĩnh vực chính trị và kinh tế, chủ tịch Hồ Chí Minh còn coi trọng lĩnh vực văn hóa. Đó là yếu tố giúp Việt Nam  mở rộng quan hệ với nhiều nước trên thế giới từ xa đến gần. Ngày nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với các nước tại các châu lục, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế lớn như: Liên Hợp Quốc, APEC, WTO. . .  ”

Bà Thanyathip Sriphana có nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam đã được xuất bản, nhận được sự quan tâm của độc giả Thái Lan và Việt Nam cũng như các nhà nghiên cứu như tác phẩm: Việt Kiều tại Thái Lan trong mối quan hệ Thái Lan – Việt Nam cùng hợp tác làm với Viện Đông Nam Á của Việt Nam; nghiên cứu về các lĩnh vực kinh tế, chính trị , ngoại giao và văn hóa của Việt Nam được đăng trên tạp chí nghiên cứu và báo chí lớn của Thái Lan như báo Công luận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên