Cải cách thủ tục hành chính ở Bình Dương: "Nút thắt" cần được gỡ bỏ
VOV.VN - Thời gian qua, người dân và doanh nghiệp ở Bình Dương vẫn còn nhiều phàn nàn về tình trạng thủ tục hành chính chậm chạp, gây phiền hà. Đây là vấn đề được cử tri và đại biểu quan tâm chất vấn tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, diễn ra vào chiều 22/7.
Nhiều dự án chậm tiến độ do vướng thủ tục hành chính
Tại buổi chất vấn, các đại biểu HĐND tỉnh đặt vấn đề, qua tiếp xúc, một số doanh nghiệp phản hồi về việc mất nhiều thời gian mới được xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư. Các ngành mất nhiều thời gian để cho ý kiến, một số chủ trương đầu tư phải họp đi họp lại nhiều lần. Việc dự án chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trả lời chất vấn, ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương thừa nhận, việc chậm thủ tục cho doanh nghiệp vẫn còn xảy ra. Thủ tục hành chính liên quan đến cấp chủ trương đầu tư chịu sự tác động đến nhiều luật (trên 10 luật) và 30 nghị định, nên cần nhiều thời gian thẩm định.
Hiện nay, chính sách, pháp luật còn nhiều rối rắm, chồng chéo; nhiều quy định khác nhau giữa địa phương và trung ương thường xuyên thay đổi, bổ sung nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Cùng với đó là việc thiếu đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Nhiều dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất nhưng không phù hợp với quy hoạch đô thị. Công tác phối hợp chưa hiệu quả giữa các cơ quan liên quan, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ.
Giải quyết vấn đề này, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương đã tham mưu nhiều giải pháp như: Xây dựng Sổ tay đầu tư để hỗ trợ nhà đầu tư; ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ. Tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác chấp thuận chủ trương; thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm các quy định; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư để đảm bảo tiến độ và chất lượng, phù hợp quy định của pháp luật.
Ông Nhân cho biết thêm: "Hiện nay chúng tôi có nhóm 24/7, tức là đề án 24/7, là làm xuyên đêm. Đối với hồ sơ, thủ tục sở, ngành thẩm định nếu không làm đúng, đủ, chính xác thì người thẩm định phải chịu trách nhiệm. Hiện nay, chuyển đổi số cũng đã thực hiện được 2 năm, do vậy rất mong các sở ngành chuyên môn hỗ trợ giúp xây dựng phần mềm liên thông công khai tất cả các thủ tục về đầu tư kể cả công và tư, để không làm phiền đến nhà đầu tư, kể cả lãnh đạo tỉnh”.
Chậm cấp giấy phép cho lao động nước ngoài
Liên quan đến thủ tục hành chính, các đại biểu khác đặt vấn đề, hiện nay, việc gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn và chậm trễ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp đã kiến nghị ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ để họ yên tâm đầu tư.
Vấn đề này được ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đăng đàn trả lời. Theo ông, trước đây việc cấp phép chậm do chuyển từ Ban Quản lí các khu công nghiệp về một đầu mối là sở nên bị động về nhân sự. Sau đó, Sở cũng đã có những giải pháp để khắc phục.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở đã cấp mới 3.698 giấy phép lao động, cấp lại 997 giấy phép lao động và gia hạn 553 giấy phép lao động. Sở tiếp nhận báo cáo và xác nhận 157 trường hợp lao động người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động. So với cùng kỳ năm 2023, số lượng hồ sơ được giải quyết tăng 163%.
Mới đây, việc thực hiện cấp phép theo Nghị định số 70/2023/NĐ-CP, nhiều doanh chưa nắm rõ nên hồ sơ thiếu và bị trả lại để bổ sung dẫn đến chậm.
Để giải quyết những khó khăn này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương đã thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn liên quan đến lĩnh vực lao động người nước ngoài; ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 70/2023/NĐ-CP; cung cấp biểu mẫu hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp; tổ chức hội nghị, trao đổi, hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật về lao động người nước ngoài.
Ông Trịnh Đức Tài cho biết: “Chúng tôi cũng tăng cường viên chức để cùng tham gia thực hiện và nhất là nâng cao tinh thần trách nhiệm, cũng như thái độ phục vụ của đội ngũ công chức trong việc cấp phép cho lao động. Trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi cũng đang thực hiện thủ tục đấu thầu làm các quy trình ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết cấp phép lao động cho người nước ngoài. Hy vọng thời gian tới hạn chế thấp nhất hồ sơ trễ hẹn".
Cũng liên quan đến thủ tục hành chính, đại biểu khác đặt vấn đề, nhiều nơi bắt nộp hồ sơ trực tuyến gây khó khăn cho người lớn tuổi.
Liên quan đến vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương Võ Anh Tuấn cho biết, việc này không bắt buộc.
Tuy nhiên, tỉnh Bình Dương đang khuyến khích người dân nộp hồ sơ trực tuyến vì nhiều lợi ích để hạn chế thời gian đi lại; nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi; kết quả giải quyết được số hóa và có thể tái sử dụng.
Hiện nay, các Bộ phận một cửa đều có đội ngũ hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến hướng dẫn sử dụng Cổng dịch vụ công; tạo tài khoản và ký chữ ký số miễn phí; hỗ trợ chuyển đổi đăng nhập bằng tài khoản VNeID.
Đối với người dân ở xa hoặc lớn tuổi vẫn được tiếp nhận hồ sơ giấy; được hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến nếu có nhu cầu.