Cấm xe khách làn ngoài cùng, liệu có giúp lập lại trật tự quanh bến?
VOV.VN - Để ngăn chặn tình trạng xe khách xếp hàng “diễu phố”, mới đây, đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất cấm xe khách ở làn ngoài cùng (giáp vỉa hè) đường Phạm Hùng.
Hãy cùng VOV Giao thông trò chuyện với người tham gia giao thông về tính khả thi của đề xuất này và những giải pháp có thể triển khai để lập lại trật tự khu vực quanh các bến xe.
Đầu tiên, chúng ta sẽ cùng trò chuyện với anh Dương Đức Hải, ở Cầu Giấy, Hà Nội. Xin chào anh, là một tài xế taxi, chắc hẳn anh đã nhiều lần cảm thấy phiền toái với những vi phạm của phương tiện xe khách ở khu vực các bến xe?
Khi bọn em tham gia giao thông gần bến xe Mỹ Đình, lối rẽ Tôn Thất Thuyết ý, cái chiều người ta được rẽ phải thì xe khách cứ lấn làn, đi chậm như rùa bò, nhiều khi các phương tiện đi đằng sau muốn rẽ vào thì cũng không thể rẽ được.
Người ta dừng đón trả khách, đi chậm như vậy thì ngã tư đấy bị tắc rất nhiều.
Trước tình trạng này thì đại diện Thanh tra Sở GTVT có đề xuất cấm xe khách ở làn ngoài cùng (giáp vỉa hè) đường Phạm Hùng. Anh thấy thế nào?
Em thấy đề xuất của bên thanh tra giao thông cũng là hợp lý. Xe khách đi rùa bò rất ức chế trong việc đi lại của người tham gia giao thông.
Tất cả các xe nên vào trong bến xe bắt khách, trả khách, không ảnh hưởng giao thông khu vực quanh bến xe.
Theo anh nếu đề xuất này được thực hiện thì có gặp khó khăn gì không?
Cơ bản em nghĩ là sẽ thực hiện được trên thực tế. Quan trọng nhất là lực lượng chức năng phải vào cuộc, xử lý thật nghiêm thì mới cải thiện được.
Bình thường có biển cấm nhưng không có lực lượng chức năng là người ta không thực hiện.
Vâng, xin cảm ơn anh!
Nếu xe khách bị cấm lưu thông ở làn ngoài cùng bên phải (giáp vỉa hè) thì không chỉ ngăn chặn hành vi dừng đỗ, đón trả khách tùy tiện, mà còn có thể đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông yếu thế hơn, như quan điểm của ông Nguyễn Thế Hùng, ở quận Hoàn Kiếm:
Cái đấy là phù hợp. Xe to đi làn ngoài cùng bên trái (giáp giải phân cách giữa) thì an toàn hơn rất nhiều so với làn bên phải, bởi vì người đi bộ, xe đạp, xe máy, người ta bao giờ cũng đi vào làn đó.
Riêng xe khách to cứ cho đi làn ngoài cùng bên trái, nhưng khi vào bến phải có biển cảnh báo cho an toàn, tránh tai nạn. Biển cảnh báo bắt buộc các xe khách phải đi đúng làn, vạch sơn kẻ liền đàng hoàng, thì người lái xe phải tuân thủ biển báo ấy.
Và biển báo ấy phải lắp đặt đầy đủ, rõ ràng từ xa?
Đúng rồi. Và khi đã có biển báo thì phải đưa thông tin lên phương tiện truyền thông thì người lái xe mới nắm được.
Cứ cắm biển mà không thông báo trên vô tuyến, hôm trước người ta đi không vấn đề gì, hôm sau lại có biển, đến lúc vào giữa đường rồi mới thấy biển thì bất cập.
Bên cạnh đó thì cần vai trò của lực lượng chức năng, như chia sẻ của thính giả trước?
Điều đó là đương nhiên. Nếu không có con người thì phải có camera theo dõi và giám sát. Lần đầu tiên nhắc nhở và thông báo về công ty, gia đình. Lần thứ hai thì xử phạt hành chính thôi.
Với các khu vực bến xe khác thì chú có mong muốn thế nào?
Tất cả bến xe mình nên thực hiện như thế, tránh tai nạn giao thông là chính. Bây giờ lượng phương tiện lớn, chuyện ách tắc vào giờ tan tầm là không thể tránh khỏi.
Có điều đấy cũng là “miếng cơm manh áo”, người ta đầu tư vào một cái xe, khách thì không có, đấy cũng là tình huống bắt buộc thôi. Nhưng về ATGT, về luật thì anh phải chấp hành, không thể trông vào cái đấy để làm ẩu được.
Vâng, cảm ơn chú với những chia sẻ cùng VOV Giao thông!
Đa phần người tham gia giao thông đều đồng tình với đề xuất cấm xe khách ở làn ngoài cùng (giáp vỉa hè) đường Phạm Hùng, và mong rằng cơ quan chức năng sớm triển khai, sau đó điều chỉnh cho phù hợp thực tế.