Cần cảnh giác về các trò lừa đảo xuất khẩu lao động sang UAE

Thủ đoạn của những kẻ lừa đảo là vẽ ra viễn cảnh về một hợp đồng xuất khẩu lao động đầy triển vọng hoặc lập ra các hợp đồng thương mại nhiều lợi nhuận, dễ thực hiện…

Thời gian gần đây, nhiều cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam đã bị một số đối tượng môi giới xuất khẩu lao động và thương mại lừa đảo tại các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất. Các đối tượng này tổ chức liên kết trong và ngoài nước để lừa đảo. Phần lớn các nạn nhân của các vụ lừa đảo này đều không có đủ bằng chứng pháp lí để có thể khiếu kiện.

Để giúp các doanh nghiệp và người lao động hiểu rõ hơn về các trò lừa và tránh bị lừa, phóng viên VOV đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Abu Dabi (UAE) Nguyễn Quang Khai.

PV: Thưa Đại sứ, ông có thể nói rõ về các trò lừa đảo thương mại và xuất khẩu lao động sang UAE?

Ông Nguyễn Quang Khai: Thủ đoạn của những kẻ lừa đảo là vẽ ra viễn cảnh về một hợp đồng xuất khẩu lao động đầy triển vọng, có thu nhập cao, việc làm ổn định… hoặc lập ra các hợp đồng thương mại mang lại nhiều lợi nhuận, hợp tác lâu dài, dễ thực hiện… Chúng thường đề nghị phải đặt cọc tiền, nộp phí môi giới hoặc ứng trước tiền làm thị thực… để tiến hành các công việc tiếp theo. Số tiền này thường được đề nghị gửi theo đường Western Union hoặc gửi vào một tài khoản do chúng lập ra. Sau khi nhận được tiến chúng huỷ luôn các hợp đồng. 

Một số người đi xuất khẩu lao động sang các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất cũng đã bị chính các đối tượng người Việt lừa đảo bằng các thủ đoạn trên. Chúng lập ra các hợp đồng tuyển dụng ma, thu tiền môi giới xuất khẩu lao động, vé máy bay, phí đào tạo… và sau đó đưa nạn nhân sang các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất bằng thị thực du lịch và bỏ rơi họ sau đó. Phần lớn các nạn nhân đều không có đủ bằng chứng pháp lí để có thể khiếu kiện các đối tượng lừa đảo như: không có hợp đồng xuất khẩu lao động, hoặc nếu có thì là giao kèo viết tay, không có phiếu thu tiền để chứng minh các khoản tiền đã nộp, thậm chí có người chỉ biết tên người môi giới là chị H. hay anh D., chứ hoàn toàn không biết cá nhân, tổ chức nào đã đưa mình sang Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất.

Một số doanh nghiệp Việt Nam đã bị lừa theo kiểu này mất hàng chục nghìn đôla mà không có cách nào đòi lại được. Một số lao động Việt Nam khi sang UAE không có ai nhận trong khi không mang theo tiền. Một số người phải đi xin ăn, ngủ tại các sân bay, bến tàu. Sứ quán phải can thiệp và tìm mọi cách đưa họ trở về Việt Nam.

PV: Vậy các doanh nghiệp và người lao động cần phải chú ý điều gì để tránh bị lừa, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Khai: Để tránh tình trạng trên, Đại sứ quán Việt Nam tại Abu Dhabi xin lưu ý một số điểm sau đây:

Đối với các doanh nghiệp thương mại, xuất khẩu lao động, khi liên hệ với đối tác, cần đề nghị họ cung cấp thông tin đầy đủ tên doanh nghiệp, giấy phép đăng kí kinh doanh hợp lệ, địa chỉ cụ thể, số điện thoại, fax, hòm thư (P.O.Box) và các thông tin của người liên hệ hay người môi giới như: họ tên đầy đủ, quốc tịch, số hộ chiếu, các số điện thoại cố định, di động…

Tuyệt đối không đưa tiền đặt cọc, môi giới trước khi kí hợp đồng tuyển dụng và trước khi chủ sử dụng lao động cung cấp thị thực lao động cho phía doanh nghiệp Việt Nam. Thậm chí khi nhận được thị thực lao động rồi cũng cần kiểm tra lại cẩn thận xem thị thực đó là thật hay giả.

Chỉ cho phép người lao động xuất cảnh Việt Nam sau khi nhận được thị thực lao động (Employment Visa). Thị thực du lịch (Tourist Visa) hoặc thị thực thăm thân (Visit Visa) chỉ được phép lưu lại Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất 30 ngày.

Trong trường hợp cần thiết, có thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Abu Dhabi để thẩm tra, xác minh thông tin về đối tác, hợp đồng môi giới, hợp đồng tuyển dụng… trước khi kí kết giao kèo thương mại hoặc tuyển dụng lao động.

Đối với cá nhân, người lao động Việt Nam có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất nên liên hệ với các công ty xuất khẩu lao động có giấy phép hợp lệ và uy tín ở trong nước.

Nên liên hệ trực tiếp tại trụ sở chính, chi nhánh hay văn phòng đại diện chính của các công ty đó để làm các thủ tục đăng kí, nộp tiền…

Không nên thông qua hay giao phó hoàn toàn cho các cá nhân, đối tượng môi giới, kể cả những người thân thuộc, quen biết thay mình làm các thủ tục đăng kí, nộp tiền, kí hợp đồng...

Khi nộp tiền, phải yêu cầu cơ quan tài chính của đơn vị tuyển dụng cung cấp phiếu thu tiền ghi rõ ràng, đầy đủ số tiền nộp, nội dung nộp tiền với đầy đủ các chữ kí, con dấu cần thiết.

Phải nắm rõ tên công ty, văn phòng, chi nhánh, địa chỉ, số điện thoại, fax, người đại diện… của đơn vị tuyển dụng và phải ghi chép đầy đủ các thông tin này vào sổ tay cá nhân mang theo mình để sử dụng liên hệ khi cần thiết.

Cần đọc rõ và nắm chắc các nội dung trong hợp đồng xuất khẩu lao động trước khi kí với Công ty trong nước và phải lưu giữ một bản sao hợp đồng đó (bản sao chính thức, có chữ kí và đóng dấu của lãnh đạo Công ty) để mang theo người khi ra nước ngoài.

Trước khi lên đường sang UAE để làm việc phải xem kỹ thị thực trước khi xuất cảnh. Đối với người đi lao động xuất khẩu, phải sử dụng thị thực lao động (Employment Visa). Tuyệt đối không sử dụng thị thực du lịch (Tourist Visa) hay thị thực thăm thân (Visit Visa) để sang lao động tại các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất.

Cần ghi lại địa chỉ, số điện thoại, fax của Đại sứ quán Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất để liên hệ  đề nghị giúp đỡ khi cần thiết.

PV:  Trong thời gian qua, UAE đã chịu tác động lớn của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều dự án xây dựng phải bỏ dở. Vậy hiện nay, UAE có nhu cầu nhập khẩu lao động, đặc biệt là lao động của Việt Nam hay không?

Ông Nguyễn Quang Khai: Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất là một trong những nước sớm ra khỏi cuộc khủng hoảng. Kinh tế của UAE đang phục hồi nhanh chóng và tỉ lệ tăng trưởng năm nay có thể đạt trên 3%. Thậm chí ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng, chính phủ UAE vẫn duy trì và tiếp tục xây dựng các công trình  lớn. Vì vậy, nhu cầu lao động của UAE vẫn rất lớn. Năm 2009, UAE đã tiếp nhận 4.000 lao động Việt Nam và trở thành một trong những nước nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong năm nay. Hiện Việt Nam có khoảng 16.000 lao động đang làm việc tại UAE và sắp tới con số này sẽ tăng nhanh hơn.

Tuy nhiên, để duy trì thị trường này chúng ta cần phải quan tâm, đưa các lao động có tay nghề, ‎ y thức tổ chức kỷ luật tốt, tôn trọng pháp luật, phong tục tập quán và văn hoá của nước sở tại. Không nên đưa ồn ạt đi và chạy theo lợi nhuận. Để làm được việc này, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần chú ‎ ý đến việc đào tạo chuyên môn,  giáo dục, định hướng tốt, nêu cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, luôn luôn giữ được hình ảnh tốt đẹp của người Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên