Cận cảnh "siêu tàu” chuyên cứu nạn trên biển, chống chịu cả bão
VOV.VN - Lực lượng cứu nạn hàng hải Việt Nam chuẩn bị tiếp nhận “siêu tàu” chuyên dụng tìm kiếm, cứu nạn được chính người Việt đóng mới trị giá hơn 400 tỷ đồng với tầm hoạt động phạm vi hơn 3.000 hải lý, chống chịu được mức sóng tới hơn cấp 9.
Chuẩn bị hoàn thành đóng mới "siêu tàu” chuyên cứu nạn trên vùng biển xa
Thực hiện chương trình mục tiêu của Chính phủ nhằm hiện đại hóa lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải, từ đầu năm 2023, Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ cho Cục Hàng hải Việt Nam và đặc biệt là Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) thực hiện dự án đóng mới tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ. Dự án, có tổng mức đầu tư khoảng 423 tỷ đồng vừa được triển khai, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 189 (Z189, Tổng cục công nghiệp quốc phòng) là đơn vị trực tiếp đóng. Dự kiến tàu sẽ được bàn giao và đưa vào khai thác từ Quý III năm 2024. Tàu có khả năng hoạt động dài ngày trên biển, tầm hoạt động phạm vi hơn 3.000 hải lý.
Ông Vũ Việt Hùng - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết, hiện nay, tình hình thời tiết, bão gió trên vùng biển Việt Nam ngày càng khắc nghiệt, diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố, tai nạn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân và vận tải hàng hóa trên biển.
Vietnam MRCC là lực lượng chuyên trách thực hiện công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển, nhưng đội tàu của Trung tâm được giao quản lý chỉ có 7 tàu (3 tàu có chiều dài 41m, tầm hoạt động 250 hải lý; 4 tàu có chiều dài 27m, tầm hoạt động 150 hải lý) đóng từ năm 2000, chưa đáp ứng được nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn ở phạm vi rộng lớn với thời tiết ngày càng khắc nghiệt như hiện nay.
Do đó, việc đầu tư bổ sung 1 tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn xa bờ có khả năng hoạt động cứu nạn dài ngày trên biển, trong điều kiện thời tiết xấu cho Vietnam MRCC là hết sức cần thiết và cấp bách. “Siêu tàu” cứu nạn đóng mới này sẽ được trang bị cho Vietnam MRCC để phục vụ tìm kiếm, cứu nạn trên biển, chỉ huy hiện trường trong những vụ việc, sự cố phức tạp.
Đại Úy Lê Hữu Toàn, Trợ lý kĩ thuật, Nhà máy Z189 (Tổng cục công nghiệp quốc phòng) cho biết, tàu được đóng mới tạm thời đặt tên là SAR 631 được chính thức đóng từ giữa năm 2023 đến nay đã bắt đầu thành hình với khối lượng đóng được khoảng 60% mục đích chuyên làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn xa bờ.
“Tàu cứu nạn này có chiều dài toàn phần 63,8m, chiều rộng 10,2m, tổng dung tích 958GT, trọng tải toàn phần 395 DWT. Tàu được thiết kế có tốc độ cao lớn nhất 20,5 hải lý/giờ. Tàu được trang bị đầy đủ các trang thiết bị nghi khí hàng hải, cứu sinh, cứu hỏa, thiết bị chuyên dùng phục vụ tìm kiếm cứu nạn,… phù hợp theo yêu cầu của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và theo các công ước quốc tế về hàng hải. Tàu được thiết kế có thể chứa được 20 thuyền viên, cùng 20 người là lực lượng cứu nạn và y bác sĩ và có thể cứu được 100 người bị nạn trên biển…”, Đại Úy Lê Hữu Toàn chia sẻ.
Tiến tới sẽ đóng mới nhiều “siêu tàu” chuyên cứu nạn hàng hải
Theo ông Vũ Việt Hùng - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, dự án đóng tàu SAR 631 chuyên dùng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn hàng hải là một trong những dự án trọng điểm của Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải).
“Tàu tìm kiếm cứu nạn loại chuyên dùng này kích cỡ thiết kế dài khoảng 63m sắp được Vietnam MRCC tiếp nhận là loại lớn nhất hiện nay theo biên chế của chúng tôi. Là tàu lớn có khả năng đi biển dài ngày, có phạm vi hoạt động rộng, chống chịu được với sóng biển tới trên cấp 9. Khi đưa tàu SAR 631 vào hoạt động chúng tôi sẽ nâng cao hơn nữa khả năng và hiệu quả hoạt động tìm kiếm cứu nạn hàng hải”, ông Vũ Việt Hùng chia sẻ.
Theo Phó Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, mục tiêu, khi đóng mới tàu SAR 631 là tăng cường khả năng ứng phó với các loại hình tai nạn sự cố xảy ra trên biển, đặc biệt khi gặp mưa bão. Tăng cường sự hiện diện của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam tại các khu vực biển xa, các khu vực biển, đảo và quần đảo của Việt Nam như Hoàng Sa và Trường Sa...
Ngoài chức năng thực hiện hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển, tàu sẽ giúp Vietnam MRCC thực hiện tốt hơn công tác huấn luyện, chữa cháy, lai dắt và hỗ trợ hoạt động của các loại tàu thuyền trên biển. Đồng thời, hỗ trợ ứng cứu sự cố tràn dầu, cũng như hỗ trợ an toàn, an ninh hàng hải và tham gia bảo vệ môi trường biển, ứng phó với sự cố thiên tai,…
Ông Vũ Việt Hùng cho biết thêm, trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải đã giao cho Cục Hàng hải Việt Nam, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam nghiên cứu để đầu tư thêm 2 tàu loại dài 63m nữa trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025.
“Nếu như được trang bị những loại tàu tìm kiếm cứu nạn cỡ lớn này thì chúng tôi dự kiến đảm bảo hiện diện và thực hiện nhiệm vụ tại các vùng biển thường xuyên xảy ra tai nạn, sự cố như các vùng biển ở khu vực miền Trung, vùng Tây Nam Bộ,...”, ông Vũ Việt Hùng nhấn mạnh.