Cần có giải pháp giúp người khuyết tật tháo gỡ khó khăn trong học tập
VOV.VN - Không có sách giáo khoa chữ nổi trong khi chương trình giáo dục phổ thông mới đã đồng loạt được triển khai, thiếu giáo viên dạy ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh khiếm thính... Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để học sinh khuyết tật tiếp cận giáo dục.
Việc đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa để đáp ứng yêu cầu mới đã hoàn tất nhằm phát huy tối đa năng lực của người học. Tuy nhiên, những học sinh khiếm thị vẫn phải tiếp tục trông chờ những bộ sách giáo khoa chữ nổi để học tập và trẻ câm điếc còn gặp rất nhiều rào cản để có thể tiếp thu kiến thức để học lên những bậc học cao hơn.
Trong 10 năm trở lại đây, sau sự ra đời của một loạt các văn bản, chính sách về giáo dục, đặc biệt là giáo dục cho người khuyết tật và việc triển khai chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, Luật Giáo dục 2019, giáo dục nói chung và giáo dục cho người khuyết tật nói riêng có những chuyển biến khá rõ nét. Sự bình đẳng về giáo dục đã giúp người khuyết tật có cơ hội khẳng định mình ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, số lượng người khuyết tật tham gia giáo dục vẫn còn thấp so với tỷ lệ chung và phần lớn trẻ khuyết tật vẫn gặp khó khăn khi tham gia những bậc học cao. Đặc biệt là từ khi ngành giáo dục thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, học sinh khuyết tật lại gặp phải những khó khăn khiến cho việc học của các em có xu hướng “thụt lùi”.
Bao giờ học sinh khiếm thị có sách giáo khoa?
Sách giáo khoa là công cụ học tập cực kỳ quan trọng đối với tất cả học sinh. Đặc biệt, với học sinh khiếm thị, sách giáo khoa không chỉ là công cụ mà còn là cánh cửa mở ra thế giới tri thức. Sự thiếu hụt sách giáo khoa chữ nổi khiến các em gặp nhiều khó khăn, hạn chế cơ hội học tập và phát triển.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quyết định lựa chọn 3 bộ sách giáo khoa phục vụ việc dạy và học cho học sinh các cấp. Trong khi đối với những em học sinh khiếm thị đang tham gia học hòa nhập ở các trường phổ thông, vẫn chưa có cơ hội để các em tiếp cận sách giáo khoa chữ nổi chương trình mới.
Với chủ trương "một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa" mà ngành giáo dục đang thực hiện, học sinh khuyết tật cần có 3 bộ sách giáo khoa chữ nổi Braille. Tuy nhiên việc làm ra một bộ sách chữ nổi Braille đòi hỏi nhiều kinh phí, kỹ thuật công phu. Điều này khiến các em học sinh khiếm thị đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức, kinh phí làm sách chưa có, các em hiện trông chờ vào sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm điều này đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong công cuộc đổi mới giáo dục.
Trả lời câu hỏi "Những rào cản nào khiến việc làm sách giáo khoa cho học sinh khiếm thị bị chậm trễ?" Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt Việt Nam – một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt cho biết: “Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 đã được thực hiện, thế nhưng sách giáo khoa mới được thực hiện cuốn chiếu theo từng năm chứ không thực hiện đồng loạt. Và sau khi có sách giáo khoa, chúng ta mới có thể chuyển đổi sách giáo khoa sang chữ nổi được. Điều thứ hai, hiện tại Việt Nam chưa có kinh phí để dành cho sách giáo khoa. Việc quan trọng hơn nữa là đội ngũ chuyên gia có thể làm sách giáo khoa chữ nổi ở Việt Nam là rất ít, phương tiện để sản xuất sách giáo khoa cũng cực kỳ hạn chế".
Trước những rào cản về thời gian, kinh phí, đội ngũ sản xuất khiến công cuộc sản xuất sách chữ nổi trở nên cực kỳ khó khăn, gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập của các em học sinh khiếm thị, bà Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam chia sẻ: “Đối với các em học sinh khiếm thị, việc cả tháng cả năm không có sách giáo khoa là cực kỳ khó khăn đối với các em và đây là một vấn đề rất lớn”.
Bên cạnh những quan điểm và sự đồng cảm, bà bày tỏ mong muốn: “Trước mắt khi chưa có nguồn ngân sách của Nhà nước thì mong muốn là cũng có sự chung tay của các tổ chức, các cơ quan, các cá nhân trong cộng đồng để có thể trước mắt là in ấn những bộ sách mà đã được chuyển đổi sang chữ Braille, để đủ cho các em đang học trong năm học 2024 – 2025, sau đó thì tiếp tục chuyển đổi những bộ sách mà chưa được chuyển đổi.
"Cùng với việc chuyển đổi in ấn sách thì chúng tôi đã hình thành việc xây dựng thư viện lưu động để luân chuyển sách cho các em học sinh có nhu cầu. Còn về lâu dài thì tôi rất mong cơ quan sẽ quan tâm việc xây dựng cơ chế đảm bảo nguồn ngân sách Nhà nước cho vấn đề sách giáo khoa và học liệu, học vụ cho các em học sinh khuyết tật.”, bà Đinh Việt Anh chia sẻ.
TS Nguyễn Đức Minh cho biết, hiện vẫn chưa có kinh phí Nhà nước cho vấn đề chuyển đổi sách giáo khoa cho học sinh khuyết tật. Tất cả đều dựa vào kinh phí của tổ chức, cá nhân. Và việc chuyển đổi đến nay chỉ mới hoàn thành các môn chính, còn các môn tiếp theo vẫn dựa vào sự hỗ trợ từ quỹ thiện tâm của tập đoàn VinGroup để làm tiếp. Tuy nhiên việc nhân bản cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, bộ ngành để huy động nguồn kinh phí và xưởng sản xuất.
Những khó khăn trong việc học lên bậc học cao hơn của trẻ câm điếc
Học sinh khiếm thị và học sinh khiếm thính là hai đối tượng chiếm phần đa trong số những học sinh khuyết tật khi tham gia giáo dục hòa nhập. Với học sinh khiếm thính do mất khả năng nghe nói nên việc học tập chủ yếu dựa vào ngôn ngữ cử chỉ. Tuy nhiên hiện nay chưa có sự thống nhất giữa các vùng miền về ký hiệu ngôn ngữ nên việc dạy và học của học sinh khiếm thính gặp không ít khó khăn. Gần như không thể truyền đạt kiến thức ở các cấp bậc cao như THCS, THPT cho các học sinh khiếm thính.
Bàn về những khó khăn của trẻ câm điếc trong học tập, TS Nguyễn Đức Minh chia sẻ thêm: “Khó khăn hơn nữa đối với các em đó là hiện tại mặc dù Bộ Giáo dục Đào tạo cũng như một số tổ chức đã xây dựng một số hệ thống ký hiệu ngôn ngữ, ký hiệu đồng bộ. Tuy nhiên đây mới là hệ thống thu thập và sử dụng cho giao tiếp hàng ngày, còn hệ thống ký hiệu ngôn ngữ chuyên môn của các môn học đối với các cấp học cao hơn cấp tiểu học cho người khuyết tật nghe nói thì gần như là thiếu vắng hoàn toàn, nên tôi nghĩ rằng đây là khó khăn, rào cản rất lớn".
Cần sớm chuyển đổi sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông và thực thi những chính sách cụ thể để hỗ trợ học sinh khuyết tật trong học tập
Học tập là quyền lợi chính đáng của tất cả mọi người không phân biệt người bình thường hay khuyết tật. Để người khuyết tật có thể tham gia học tập bình đẳng, rất cần những chính sách hỗ trợ và sự chung tay của cộng đồng xã hội đặc biệt của ngành giáo dục.
Những rào cản khi học sinh khuyết tật tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới cần sớm được giải quyết, cụ thể là in sách giáo khoa mới cho học sinh khiếm thị, thay đổi cách đánh giá, đào tạo giáo viên dạy ngôn ngữ ký hiệu để tạo cơ hội cho học sinh khiếm thính được học lên những bậc học cao hơn như mong muốn của bản thân các em. Những điều đó chính là tạo điều kiện cơ bản nhất để các em phát huy được khả năng của mình để học tập và cống hiến cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội.