Cần có phản biện kín khi thẩm định sách giáo khoa?

VOV.VN - Sau những ồn ào về SGK Tiếng Việt 1, TS Lê Thống Nhất cho rằng khâu thẩm định SGK cần có thêm phản biện kín, xin ý kiến các chuyên gia giáo dục, giáo viên và sớm công bố sách để dư luận góp ý.  

Sau những ồn ào và phản ứng của dư luận về một số ngữ liệu trong sách Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ sách Cánh Diều, Bộ GD-ĐT đã phát đi thông cáo báo chí về việc sẽ chỉnh sửa cuốn sách trên. TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục đã có chia sẻ với VOV.VN về vấn đề này.

PV: Thưa ông, sau những ồn ào của dư luận, Bộ GD- ĐT cho biết Hội đồng thẩm định và nhóm tác giả SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều đã thống nhất sẽ chỉnh sửa những nội dung chưa phù hợp, ông có bình luận gì về điều này?

TS Lê Thống Nhất: Tôi cho rằng việc này tuy chậm, nhưng cũng là 1 cách chính thức Bộ GD-ĐT công nhận những sai sót trong SGK Tiếng Việt lớp 1. Điều này giúp dư luận có phần yên tâm hơn.

Trong thông cáo báo chí Bộ GD-ĐT gửi cũng đã nêu rất rõ các vấn đề báo chí, dư luận nêu ra, như vậy Bộ đã có sự tiếp thu và thừa nhận những gì dư luận phản ánh là đúng.

Bộ GD-ĐT cũng đã hứa sẽ sửa chữa một cách tối đa những sai sót trong sách.

PV: Vậy theo ông, SGK nên được sửa theo hướng ra sao để thuận tiện nhất cho học sinh và giáo viên khi năm học mới đã diễn ra được hơn 1 tháng, thưa ông?

TS Lê Thống Nhất: Nhìn lại sách giáo khoa Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại  những năm 2018, 2019, vào đầu mỗi năm học, đều có một hội đồng thẩm định sách. Hội đồng này không thẩm định việc có cho sử dụng sách lâu dài hay không mà là thẩm định ngắn. Tôi vẫn nhớ có những năm sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại sửa đến 75 trang. Nhưng việc sửa này diễn ra trước năm học, nên khi sách in ra đến tay học sinh và giáo viên là trọn vẹn.

Còn hiện nay sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 lại sửa khi đang trong năm học hơn 1 tháng, như vậy có nghĩa sẽ không có 1 cuốn chỉnh sửa hoàn thiện ngay cho học sinh trong năm học này. Tôi cho rằng phương án tốt nhất là in lại những trang cần sửa dưới dạng tài liệu bổ sung. Tập tài liệu này sẽ phải được chuyển đến tất cả các nhà trường đang giảng dạy theo cuốn sách này và các phụ huynh đã mua sách. Đương nhiên, việc này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của nhà xuất bản, nhưng không thể thu tiền của giáo viên, phụ huynh cho tập tài liệu bổ sung này, vì đây là lỗi của người làm sách.

Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tức thời, bất đắc dĩ, còn đương nhiên trong năm học sau, cuốn sách sẽ được nhóm tác giả và NXB chỉnh sửa hoàn thiện.

Tôi cho rằng, đây là lần đầu tiên thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa nên có quá nhiều vấn đề chúng ta vẫn chưa thể lường hết. Chúng ta thực nghiệm quá vội vàng, không theo đúng quy trình của khoa học giáo dục khi đưa sách giáo khoa vào nhà trường.

Chương trình đổi mới sách giáo khoa năm 2000 thực nghiệm trong 2 năm và tôi biết ban biên tập sách của NXB Giáo dục khi đó chỉnh sửa đến 4 năm mới hoàn chỉnh như cuốn sách học sinh đã học.

Việc thực nghiệm vội vàng là một trong những bất cập của chương trình lớp 1 năm nay.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tiến hành vòng 1 thẩm định sách lớp 2 và lớp 6, câu hỏi đặt ra là liệu Bộ GD-ĐT có đứng ra chủ động thực nghiệm chương trình lớp 1 một cách bài bản để SGK những lớp sau sẽ không xảy ra sự cố như vừa rồi hay không?

PV: Như ông vừa nói, liệu rằng chương trình giáo dục phổ thông mới và SGK lớp 1 có ra đời trong bối cảnh quá vội vàng không, thưa ông?

TS Lê Thống Nhất: Ra đời không vội vàng, nhưng quá trình chiêm nghiệm, thực nghiệm, nghiên cứu kỹ, thăm dò rộng hơn thì lại vội vàng. Tôi cho rằng, các chuyên gia xây dựng chương trình môn học như vậy vẫn hơi lâu chứ không phải vội. Tuy nhiên, tôi biết khi ra chương trình môn học, có rất nhiều chuyên gia phản biện về chương trình, song cũng có những ý kiến của chuyên gia không được các hội đồng biên soạn lắng nghe.

Ngay từ khi xây dựng chương trình môn học, nhiều chuyên gia đã cho rằng chương trình quá tải, nên khi sách giáo khoa viết theo chương trình môn học, mới bị phản ánh là nặng. Tôi không nói riêng bộ sách Cánh Diều mà là tình trạng chung của các bộ sách lớp 1. Nhiều giáo viên lớp 1 cho biết, mặc dù có những bài học quy định dạy trong 1 tiết, nhưng phải dạy đến cả buổi vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu chuẩn đầu ra của bài học. Nhiều trường phải mạnh dạn dãn thời gian dạy 1 bài để học sinh có thể tiếp thu.

Như vậy, chúng ta phải xem lại chương trình môn học và điều chỉnh lại chương trình môn học, vì đây là kim chỉ nam cho các tác giả viết sách giáo khoa.

Phải chăng nhân dịp này, Bộ GD-ĐT nên có một diễn đàn sâu rộng để lắng nghe ý kiến về chương trình môn học. Việc này tuy muộn, nhưng vẫn phải làm, bởi nếu giáo viên quá tải với phân phối chương trình sẽ không thể truyền tải được hết những mong muốn của SGK đến học sinh.

Vấn đề quá tải chương trình là câu chuyện lâu dài, một vài câu chữ sai có thể thay được, nhưng chính chương trình môn học mới là điều quyết định. Những phụ huynh có con đã học lớp 1 và nay có thêm 1 cháu đang học lớp 1 sẽ thấy rất rõ chuyện nặng nhẹ của chương trình mới.

PV: Sau sự việc liên quan đến SGK Tiếng Việt 1 vừa qua, có thể thấy, hội đồng quan trọng nhất để chỉ ra những sai sót của bộ sách không phải hội đồng thẩm định của Bộ GD-ĐT mà là “hội đồng” từ dư luận, ông nghĩ sao về vấn đề này?

TS Lê Thống Nhất: Tôi cho rằng sự bí mật quá đáng của những cuốn sách giáo khoa lớp 1 đang triển khai là điều không tốt. Lẽ ra những văn bản về SGK lớp 1 nên được công bố sớm hơn. Trong thời đại số, rõ ràng ngoài hội đồng thẩm định ra, xã hội có thể nhìn thấy những cái hay, những bất cập, để góp ý, chỉnh sửa trước khi phê duyệt chính thức.

Nếu nội dung sách giáo khoa sớm được công bố rộng rãi trên mạng, được nhiều người biết đến sẽ không xảy ra những sai sót đáng tiếc. Hiện nay dư luận bùng nổ bởi họ bị bất ngờ, chỉ khi học sinh vào học, mới phát hiện ra những hạt sạn.

Tôi cho rằng, với SGK lớp 2, lớp 6 đang thẩm định vòng 1, Bộ GD-ĐT nên sớm công bố công khai để dư luận được biết.

Bộ GD- ĐT nên có những đổi mới, thẩm định sách không chỉ cần ý kiến của 15 người ngồi trong hội đồng thẩm định, mà còn cần có những ý kiến chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo giảng dạy bộ môn để nhìn nhận cuốn sách một cách khách quan, đa chiều hơn.

Ngoài hội đồng thẩm định, nên có phản biện kín với từng SGK, giống như bảo vệ luận án Tiến sỹ để đảm bảo tính khách quan, chân thực.

Về việc thực nghiệm SGK, tôi nhấn mạnh Bộ GD-ĐT cần đứng ra tổ chức thực nghiệm, không thể để các NXB, các công ty phát hành tự tổ chức thực nghiệm, tự báo cáo kết quả thực nghiệm như hiện nay.

PV: Sau những ồn ào của SGK Cánh Diều, có thể thấy làm SGK rất khó và rủi ro. Liệu chúng ta đẩy mạnh xã hội hóa nhưng có nên giao toàn bộ việc làm sách cho các công ty, nhà xuất bản như hiện nay không, thưa ông?

TS Lê Thống Nhất: Tôi biết có những tác giả rất nổi tiếng nhưng đã làm đơn xin rút, không viết SGK. Nếu như lớp 1, NXB Giáo dục có 4 bộ sách được duyệt thì đến lớp 2 chỉ còn lại 2 bộ. Như vậy, nếu những người đã nhớ học 2 bộ sách của NXB Giáo dục ở lớp 1 thì lớp 2 sẽ không có sách học nữa, đây cũng là một bất cập.

Có lần tôi đã gửi ý kiến lên Ủy ban Văn hóa, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng về việc ai sẽ cam kết rằng các công ty cổ phần kia sẽ viết đủ sách cho 12 năm học. Nếu như có 1 rủi ro nào đó, họ có thể sẽ dừng lại và không viết tiếp. Tôi rất ủng hộ ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc Bộ GD-ĐT phải có 1 bộ sách giáo khoa riêng. Nhưng không hiểu vì lý do gì, mà Bộ không làm. Nếu Bộ GD-ĐT không làm, nhà nước không có 1 bộ sách riêng sẽ ảnh hưởng đến an ninh sách giáo khoa. Điều này vô cùng nguy hiểm, vì chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty tư nhân, các NXB làm sách. Một lúc nào đó, nếu có 1 môn hoặc 1 lớp học mà không có ai viết sách, sẽ xử lý ra sao.

Do đó, tôi vẫn khẩn thiết đề nghị Bộ GD-ĐT bằng mọi giá phải có 1 bộ SGK riêng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hội đồng thẩm định sách giáo khoa chỉ nói có hoặc không!
Hội đồng thẩm định sách giáo khoa chỉ nói có hoặc không!

VOV.VN - Nhà nước, ngành Giáo dục đã trao cho các thầy vị trí, vai trò, trách nhiệm trong hội đồng thẩm định thì các thầy có quyền quyết "Có" hoặc "Không" với tác giả biên soạn sách giáo khoa. Không nên "tôn trọng" như thế!

Hội đồng thẩm định sách giáo khoa chỉ nói có hoặc không!

Hội đồng thẩm định sách giáo khoa chỉ nói có hoặc không!

VOV.VN - Nhà nước, ngành Giáo dục đã trao cho các thầy vị trí, vai trò, trách nhiệm trong hội đồng thẩm định thì các thầy có quyền quyết "Có" hoặc "Không" với tác giả biên soạn sách giáo khoa. Không nên "tôn trọng" như thế!

Rưng rưng ngắm bìa sách giáo khoa Tiếng Việt của thế hệ 7X, 8X đời đầu
Rưng rưng ngắm bìa sách giáo khoa Tiếng Việt của thế hệ 7X, 8X đời đầu

VOV.VN - Ngắm lại bìa sách giáo khoa môn Học vần, Tập đọc, Tiếng Việt, Văn... bậc tiểu học của 30 - 40 năm trước, những người thế hệ 7X, 8X hẳn sẽ thấy thương nhớ rưng rưng.

Rưng rưng ngắm bìa sách giáo khoa Tiếng Việt của thế hệ 7X, 8X đời đầu

Rưng rưng ngắm bìa sách giáo khoa Tiếng Việt của thế hệ 7X, 8X đời đầu

VOV.VN - Ngắm lại bìa sách giáo khoa môn Học vần, Tập đọc, Tiếng Việt, Văn... bậc tiểu học của 30 - 40 năm trước, những người thế hệ 7X, 8X hẳn sẽ thấy thương nhớ rưng rưng.

Phụ huynh than học lớp 1 quá nặng, sách giáo khoa còn bất cập
Phụ huynh than học lớp 1 quá nặng, sách giáo khoa còn bất cập

VOV.VN - Có những vấn đề đã nảy sinh khi chương trình phổ thông mới đi vào thực tế. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra bất cập và khoảng cách giữa môn Tiếng Việt với các môn học khác trong chương trình.

Phụ huynh than học lớp 1 quá nặng, sách giáo khoa còn bất cập

Phụ huynh than học lớp 1 quá nặng, sách giáo khoa còn bất cập

VOV.VN - Có những vấn đề đã nảy sinh khi chương trình phổ thông mới đi vào thực tế. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra bất cập và khoảng cách giữa môn Tiếng Việt với các môn học khác trong chương trình.