Cần làm rõ những bất thường liên quan đến Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam
VOV.VN - Có ý kiến cho rằng, với những dấu hiệu “bất thường” gây bất bình trong dư luận như hiện nay cũng có thể xem xét, tiến hành một cuộc kiểm tra, thanh tra toàn diện đối với Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam.
Những ngày qua, dư luận tại tỉnh Quảng Nam xôn xao việc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh này ký văn bản gửi các trường học giới thiệu 3 doanh nghiệp tư vấn sửa chữa trường học, được cho là “đối tác tin cậy của Sở”. Càng bất ngờ hơn khi văn bản này vừa ban hành được 3 ngày thì ông Giám đốc Sở lại cấp tốc ký công văn thu hồi lại văn bản vừa ký trước đó.
Nhân vụ việc này, dư luận càng nóng lên những chuyện bất thường đã và đang xảy ra trong ngành Giáo dục địa phương nhưng chưa được thanh tra, kiểm tra, công khai trước dư luận. Người dân mong chờ Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu ngành GD-ĐT tỉnh này, sau nhiều vụ “lùm xùm” trong thời gian vừa qua.
Trước áp lực dư luận, ông Hà Thanh Quốc lên tiếng giải thích rằng, trong quá trình soạn thảo văn bản số 2369 về việc triển khai sửa chữa các trường học năm 2021, tổ quản lý dự án văn phòng sở đã diễn đạt chưa rõ ý, dễ gây hiểu nhầm?
“Thực ra chỗ bộ phận tham mưu nội dung văn bản này còn non, thiếu kinh nghiệm. Giới thiệu thế nhưng quyết định chọn ai là ở Hiệu trưởng”, ông Quốc nói
Việc Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đổ lỗi cho cấp dưới thiếu kinh nghiệm trong tham mưu liệu có thỏa đáng?
Xin trở lại với 3 ngày trước đó, vào ngày 8/11/2021, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT đã ký văn bản giới thiệu 3 công ty tư vấn là Công ty Cổ phần Kỹ thuật xây dựng Quảng Nam, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Quảng Nam và Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Nam Phát Thịnh cùng với dòng thông tin “Các đơn vị này từng là đối tác của Sở GD-ĐT tỉnh nên Sở đã kiểm nghiệm được khả năng và năng lực trong việc tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát”.
Văn bản về sửa chữa trường học vừa ban hành đã gặp phải sự ứng mạnh mẽ trong dư luận. Xung quanh vấn đề này, nhiều doanh nghiệp và người dân tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi, vì sao Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam lại giới thiệu 3 doanh nghiệp vừa nêu? Liệu có sự “ưu ái”, “sân sau” nào ở đây hay không?
Lý giải điều này, ông Hà Thanh Quốc cho rằng, cấp dưới không đủ năng lực làm chủ dầu tư nên phải giới thiệu các đối tác của Sở: “Trong trường học thì các thầy Hiệu trưởng làm chủ đầu tư, tuy nhiên, họ không có chuyên môn về việc này. Rút kinh nghiệm, để đảm bảo hồ sơ theo quy định, chứ như các năm trước thì các trường nhờ nên nhiều khi hồ sơ không đảm bảo, gây chậm trễ và dễ sai sót”.
Thật khó hiểu trước những lời giải thích “tiền hậu bất nhất” của ông Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam. Bởi, khi ký văn bản triển khai nhiệm vụ sửa chữa trường học có giới thiệu 3 công ty tư vấn thì ông khẳng định đó là “các đối tác của Sở” và các Hiệu trưởng không có chuyên môn làm chủ đầu tư. Đến khi bị dư luận phản đối, ông lại đổ lỗi cho cấp dưới tham mưu non kém và ký văn bản thu hồi văn bản đã ký trước đó?. Phải chăng, ông Giám đốc Sở này đang “trốn trách nhiệm”?
Những lời biện minh quanh co càng khiến dư luận thêm bức xúc. Có ý kiến cho rằng, văn bản số 2369 về triển khai sửa chữa các trường học thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam năm 2021 với tổng kinh phí là gần 26,5 tỷ đồng, có nhiều điểm “bất thường”.
Thứ nhất, ngày 29/10/2021, UBND tỉnh Quảng Nam mới ban hành Quyết định số 3139 về việc phê duyệt chủ trương và nguồn vốn sửa chữa các trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú năm 2021. Tuy nhiên, theo văn bản số 2369 của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam thì ngày 6/10, Sở đã tổ chức cuộc họp với các Hiệu trưởng để hướng dẫn thực hiện sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất. Tức là, 23 ngày trước thời điểm UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định phê duyệt chủ trương và nguồn vốn sửa chữa thì Giám đốc Hà Thanh Quốc đã tổ chức họp về nội dung này. Tại đây, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đã giới thiệu cụ thể 3 công ty tư vấn.
Thứ hai, văn bản số 2369 về triển khai sửa chữa 29 trường học năm 2021, ban hành ngày 08/11/2021 nhưng Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ đầu tư là các trường đến ngày 15/11/2021 phải trình Sở Xây dựng phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật. Như vậy, nếu trừ hai ngày nghỉ cuối tuần thì các chủ đầu tư chỉ có hơn 5 ngày để hoàn tất công việc này với rất nhiều thủ tục theo quy định hiện hành.
Trao đổi với phóng viên VOV, Luật sư Bùi Bá Dũng, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam cho biết, với thời gian quá ngắn như vậy, không doanh nghiệp nào có thể chuẩn bị kịp hồ sơ chứng minh năng lực nếu không có sự chuẩn bị từ trước. Luật sư Dũng cũng cho rằng, 3 công ty mà Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam giới thiệu chỉ có thể hoàn tất hồ sơ chứng minh năng lực nếu họ đã nhận được thông tin về các dự án này từ trước?
Theo Luật sư Bùi Bá Dũng, Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản dưới luật như Nghị định 63/2014, Nghị định 25/2020, đều quy định rất rõ nguyên tắc “minh bạch, rõ ràng và bình đẳng” trong hoạt động đấu thầu. Vì thế, một cơ quan nhà nước ban hành văn bản mang tính chất “định hướng” trong hoạt động đấu thầu là vi phạm các quy định của pháp luật.
“Rất nhiều nội dung trong văn bản này không đúng, thứ nhất là nó mang tính chất chỉ đạo, áp đặt, gần như hướng cho các trường lựa chọn 3 doanh nghiệp trong văn bản. Văn bản cũng khẳng định rằng 3 doanh nghiệp này có năng lực, vậy cơ sở nào để khẳng định rằng 3 doanh nghiệp này có năng lực?”, luật sư Dũng nói.
Từ sự việc này, dư luận tiếp tục đặt câu hỏi về việc sử dụng ngân sách nhà nước trong sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các trường học thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam những năm trước đây có bảo đảm tính công khai, minh bạch?
Lo ngại hơn là trong thời gian gần đây, nhiều cán bộ, giáo viên ở tỉnh Quảng Nam bày tỏ bất bình về những việc làm thiếu minh bạch của người đứng đầu ngành GD-ĐT tỉnh Quảng Nam. Mới đây nhất là việc tổ chức kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục; Công tác điều chuyển, luân chuyển giáo viên cũng gây nhiều bức xúc trong đội ngũ giáo viên liên quan đến ông Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam. Một thầy giáo đã nghỉ hưu tại thành phố Tam Kỳ cho rằng, nhiều bất cập trong điều động, luân chuyển giáo viên đã diễn ra trong một thời gian dài, khiến nhiều người ngán ngẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và chất lượng dạy học của thầy cô.
Thầy giáo này cho rằng, cán bộ, viên chức ngành giáo dục Quảng Nam đang chờ đợi UBND tỉnh làm rõ những vấn đề này: “Ngay cả giáo viên ở thành phố lại luân chuyển về thành phố, trong khi các địa phương miền núi thiếu giáo viên. Cách luân chuyển như vậy nên nhiều người đặt câu hỏi, rất nhiều người bức xúc, không đồng tình cách luân chuyển như vậy nhưng họ còn đang công tác nên không dám nói. Tôi nghĩ khi dư luận phản ánh nhiều như vậy thì vì nền giáo dục, tỉnh Quảng Nam nên lắng nghe dư luận chứ cứ để vậy là không thỏa đáng?”
Tháng 9 vừa qua, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh giải trình về việc luân chuyển giáo viên. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam cũng vừa yêu cầu ông Hà Thanh Quốc có giải trình sớm nhất về việc ông ký văn bản giới thiệu 3 công ty tư vấn. Như vậy, chỉ hơn 2 tháng qua, ông Hà Thanh Quốc 2 lần được yêu cầu giải trình về những vấn đề nổi cộm, gây bất bình trong dư luận xã hội liên quan đến ngành GD-ĐT và cá nhân Giám đốc Sở.
Một lần nữa, dư luận lại mong chờ cấp ủy, chính quyền địa phương làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu ngành Giáo dục tỉnh, không nên cứ giải trình cho qua chuyện. Có ý kiến cho rằng, với những dấu hiệu “bất thường” gây bất bình trong dư luận như hiện nay cũng có thể xem xét, tiến hành một cuộc kiểm tra, thanh tra toàn diện đối với Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam./.