Cần một nền giáo dục có Tầm và từ Tâm

VOV.VN - Không ít lần sau khi ra quyết định, ngành giáo dục đã từng phải sửa sai. Phải chăng nguyên nhân từ tư duy làm giáo dục "chạy theo tiến độ"?

2 tháng nay kể từ khi bắt đầu năm học mới, năm học mà chương trình SGK mới được triển khai, cả xã hội xôn xao về SGK lớp 1 - bộ sách Cánh diều. Bộ sách đang chiếm xấp xỉ 30% thị phần cả nước, khi đi vào sử dụng, phụ huynh, giáo viên mới “tá hỏa” về những “hạt sạn” có trong đó.

Qua giải thích của Hội đồng Thẩm định, xã hội lại một phen ngã ngửa khi biết thời gian dạy thực nghiệm của sách mới có vài tháng, trong khi về nguyên tắc khoa học, thời gian thực nghiệm phải là 2 năm. Vài tháng thực nghiệm do chính các Nhà xuất bản và tác giả tiến hành đã được đánh giá là "hay", là "tốt" để đưa vào dạy đại trà. Đằng sau sự vội vàng đó là gì?

Nhưng chưa hết, trong Hội nghị trực tuyến ngành Giáo dục toàn quốc năm 2020 mới đây, một đại biểu đã công khai thời gian tập huấn bộ sách mới cho giáo viên ở địa phương mình chỉ vỏn vẹn có 2 ngày.

Thời gian ngắn được giải thích là do dịch  Covid-19. Nhưng nó không biện minh được cho việc triển khai nóng vội, bất chấp nguyên lý khoa học và cả cái tâm với học trò, cái tâm với nền giáo dục nước nhà.

Nhìn lại thực tế trước đó, không ít lần sau khi ra quyết định, ngành giáo dục đã từng phải sửa sai. Còn nhớ kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, với cách thức xét tuyển tự do thay đổi nguyện vọng trong 20 ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khiến nhiều gia đình thí sinh phải lao vào cuộc đua điên đảo tính toán rút, nộp hồ sơ không kém thị trường chứng khoán. Rất nhiều ông bố, bà mẹ đã cùng con từ các vùng quê, bán lợn gà, thóc lúa để thuê nhà tại thành phố trực chờ lo rút, nộp hồ sơ giữa các trường đại học. Sau đó, Bộ cũng phải nhận trách nhiệm là đã không lường hết được tình huống xảy ra.

Không tính toán thấu đáo hoặc không đủ sức tính toán thấu đáo trước khi ra các quyết sách, hậu quả sẽ không đơn giản chỉ là phải sửa sai mà đó còn là nỗi khổ của nhiều gia đình, là sự thiệt hại về kinh tế và thậm chí có thể là bước thụt lùi của nền giáo dục.

Hình như lâu nay giáo dục đang được làm với tư duy chạy theo tiến độ. Tiến độ để lập thành tích hay phải chăng, tiến độ của những dự án giáo dục đã được ký kết? Chỉ có người trong cuộc mới có thể trả lời.

Sinh thời, Bác Hồ có ước vọng: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai được với cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ phần lớn công học tập của các cháu”.

Mục tiêu to lớn và lâu dài Bác đặt lên vai thế hệ trẻ, nhưng Người đã triển khai rất khoa học bằng 1 mục tiêu trước mắt là xoá mù chữ cho toàn dân lúc đó. Với trẻ nhỏ, nguyên lý giáo dục của Bác không có chuyện “bón thúc”, nhồi nhét: “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Những người làm giáo dục được Bác lựa chọn là những bậc trí thức hàng đầu như: Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu... có khả năng thiết lập những bước đầu tiên trên con đường đưa người Việt Nam vươn tới mục tiêu lớn là sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.

Nền giáo dục Việt Nam đã được xây dựng có TẦM và từ TÂM như thế.

Thiết nghĩ, ngày nay, nếu còn tiếp tục tư duy chạy theo tiến độ, chúng ta sẽ khó có một nền giáo dục đổi mới căn cơ đúng nghĩa. Bởi đổi mới luôn phải bắt nguồn từ triết lý, mục tiêu đúng đắn, hợp lý và phải từ cái tâm và tầm của từng cá nhân muốn và có khả năng biến triết lý, mục tiêu đó thành hiện thực.

Bởi đối tượng để triển khai của giáo dục không phải là một công trình giao thông hay một dự án khu công nghiệp.

Đối tượng của giáo dục là con người, là học sinh, là tương lai của đất nước. Cần lắm lúc này một cách làm giáo dục khác, có TẦM và thực sự  từ TÂM!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Trước hết phải là nền giáo dục không nói dối”
“Trước hết phải là nền giáo dục không nói dối”

VOV.VN - Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, không thể tạo nên một sản phẩm hoàn hảo khi chấp nhận nói dối ngay từ những năm các con cắp sách đến trường.

“Trước hết phải là nền giáo dục không nói dối”

“Trước hết phải là nền giáo dục không nói dối”

VOV.VN - Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, không thể tạo nên một sản phẩm hoàn hảo khi chấp nhận nói dối ngay từ những năm các con cắp sách đến trường.

“Nhập khẩu” giáo dục nước ngoài vào Việt Nam nên cẩn trọng
“Nhập khẩu” giáo dục nước ngoài vào Việt Nam nên cẩn trọng

VOV.VN - Nhiều chuyên gia giáo dục tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của ý tưởng “nhập khẩu” chương trình đào tạo bậc tiểu học, phổ thông, đại học của Phần Lan.

“Nhập khẩu” giáo dục nước ngoài vào Việt Nam nên cẩn trọng

“Nhập khẩu” giáo dục nước ngoài vào Việt Nam nên cẩn trọng

VOV.VN - Nhiều chuyên gia giáo dục tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của ý tưởng “nhập khẩu” chương trình đào tạo bậc tiểu học, phổ thông, đại học của Phần Lan.

Bỏ biên chế giáo dục: Chỉ nên áp dụng ở một số trường?
Bỏ biên chế giáo dục: Chỉ nên áp dụng ở một số trường?

VOV.VN -Việc thí điểm bỏ biên chế giáo dục không thể thực hiện đại trà mà chỉ áp dụng ở những trường tốp trên, có uy tín.

Bỏ biên chế giáo dục: Chỉ nên áp dụng ở một số trường?

Bỏ biên chế giáo dục: Chỉ nên áp dụng ở một số trường?

VOV.VN -Việc thí điểm bỏ biên chế giáo dục không thể thực hiện đại trà mà chỉ áp dụng ở những trường tốp trên, có uy tín.