Cần nghề mới cho làng đốt than ở Ea Bar – Buôn Đôn

VOV.VN - Sớm được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề mới là mong muốn của người dân Ea Bar.

Nghề đốt than ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc đã có gần 30 năm nay, người dân đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do khói và bụi than. Những năm qua, chính quyền và ngành chức năng đã thực hiện một số biện pháp chuyển đổi ngành nghề nhưng chưa thực sự hiệu quả. Sớm được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề là mong muốn của người dân Ea Bar.

Mù mịt khói và bụi than ở bãi đốt.

Nghề đốt than ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc tập trung chủ yếu là thôn 6 và thôn 7. Thống kê mới nhất của xã Ea Bar hiện có gần 70 lò đốt đang hoạt động. Vào mùa mưa, công suất hoạt động của các lò này đã giảm so với  mùa khô nhưng vừa đến đầu thôn thì mùi khét, hắc của gỗ bị đốt xộc ngay vào mũi, khói bốc mù mịt khắp thôn xóm. 

Trên khoảng đất rộng gần 200m2, gia đình chị Nguyệt đang đốt 3 lò than, chồng chị tiếp tục cưa củi để xếp nốt lò còn lại. Mặc cho khói và mùi khét đậm đặc trong không khí, chị Nguyệt và các con vẫn chất củi, xếp lò mà không có khẩu trang hay đồ dùng bảo hộ lao động nào.

Chị Nguyệt cho biết, khoảnh đất này là gia đình chị thuê để đốt than, cứ mỗi lò phải trả 140 nghìn đồng tiền thuê đất, rồi tiền mua củi từ nơi khác chở về, phần công thì vợ chồng và con cái tự làm.

Trước thông tin chính quyền địa phương cấm không cho người dân đốt than trong khu dân cư, chị Nguyệt rất lo lắng vì cả gia đình chưa biết sống bằng nghề gì: “Cấm ở đây thì phải tạo điều kiện cho dân.Bây giờ không có gì làm, lấy gì mà sống. Con em chút xíu mà em cũng bắt ra làm, bây giờ mướn người nữa thì không có tiền lời để ăn. Thật ra hầm nào ngon lành, tính chi phí hết thì cũng lời được 500 ngàn. 

Em bây giờ ước làm rẫy làm nương cho khỏe. Bây giờ nhà nước mở một công ty hay cái gì đó cho dân xúm lại làm ở đây cũng được chứ cả làng ai cũng làm hết thế này mà bỏ nghề thì đói liền, cha mẹ không có tiền cho con đi học nữa”.

Gia đình anh Hòa cũng đốt 2 lò than. Cùng chung với nỗi lo của các hộ đang làm nghề này, gia đình anh vẫn chưa xác định sẽ làm gì để kiếm sống khi chính quyền địa phương cương quyết xóa bỏ nghề đốt than ở đây.

Anh Hòa nói: “Dân bây giờ thì củi cũng đi mua chứ đâu có đi lấy về, già thì bệnh già, trẻ thì bệnh trẻ, cây cối đâu có lên nổi đâu. Mong muốn chủ yếu là rẫy, nương, cấp cho một hộ bao nhiêu đó người ta mới không làm nghề này chứ bây giờ nguồn thu nhập không có thì làm sao”.

Anh Lê Quang Định cũng sống bằng nghề đốt than này cả chục năm nay, nhưng chỉ là đi làm thuê. Anh cho biết, ngày công của anh được trả 150 ngàn đồng, ngày này qua ngày khác đều phải tiếp xúc với bụi than và khói độc hại rất ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vẫn phải làm để nuôi gia đình. “Tôi không có rẫy ruộng gì cả, ăn rồi đi làm mướn thôi, ai kêu thì làm. 

Ở đây bây giờ nói thật là bà con khổ, sống bằng nghề than này từ xưa đến nay rồi. Bao nhiêu năm nay cấp trên về phá đi nhiều lần rồi mà không được. Dân số thì đông, đất đai thì không có, từ chỗ đó bà con sống bằng nghề này. Trên về cũng tạo điều kiện mà có được gì đâu, như nghề bánh tráng đưa về người có người không, thành giờ ở đây nói thật là sống bằng nghề than.

Ở đây chỗ nào người ta cũng đốt hết, khói thì người ta đốt buộc phải ô nhiễm rồi. Làm sao mà không độc được, biết độc nhưng mà không có thì phải làm, bây giờ không làm thì lấy gì mà ăn”.

Lò đốt than ngay sát nhà ở.

Điều đáng nói là các hộ đốt than ở xã Ea Bar không tập trung về một địa điểm mà rải rác khắp thôn, người làm quy mô lớn thì thuê đất, người làm ít thì đốt lò ngay trong vườn nhà mình. Thế nên cả làng lúc nào cũng tràn ngập khói, bụi, sức khỏe người dân trong thôn và các vùng lân cận bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là người già và trẻ em. Anh Nguyễn Tấn Sang nói: “Rất ngột ngạt, khó chịu, che bạt cho bớt đi mà người ta cũng không che. Chịu không nổi bụi, khói đủ cả. Một năm không biết bao nhiều tiền bạt mà cũng chịu không nổi. Ở đây bây giờ có hai lò chứ khi cả sáu lò cùng đốt thì mấy đứa nhỏ ho cả ngày, hít phải khói đây coi như bị viêm xoang. Làng mà cấm mấy thứ này thì cũng bị xáo trộn, 90% làm nghề này mà, cần tập trung một chỗ hoặc là có hướng giải quyết nào cho ổn định”.

Ea Bar được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đắc Lắc, đến thời điểm này, xã đã đạt 14 trong tổng số 19 tiêu chí. Trong 5 tiêu chí chưa đạt có tiêu chí môi trường, thế nên chính quyền xã kiên quyết không cho người dân đốt than trong khu dân cư trong thời gian tới.

Ông Trần Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc cho biết: Việc trước tiên, nếu được sự quan tâm của các ngành chuyên môn hỗ trợ cho xã khảo sát để đánh giá mức độ tác động đến môi trường, trên cơ sở đó sẽ nhờ một số lực lượng như kiểm lâm và các lực lượng khác của cấp trên phối hợp hỗ trợ cho xã để chúng tôi tập trung vận động, thuyết phục và cương quyết phải đưa ra khỏi khu dân cư việc đốt than này. Cái khó nhất là khi vận động các hộ này cần có chính sách để cho họ chuyển đổi nghề chuyển sang trồng trọt, chăn nuôi hoặc là một số nghề khác để cho họ dần dần từ bỏ nghề đốt than này.

Ngất ngưỡng xe chở than đi tiêu thụ.

Trong điều kiện không có đất sản xuất, mong muốn hiện nay của người dân là sớm được hỗ trợ để chuyển đổi ngành nghề có thu nhập ổn định. Trước đây, Trung tâm khuyến công tỉnh Đắc Lắc cũng đã có dự án hỗ trợ làm nghề bánh tráng ở đây nhưng mới chỉ ở quy mô nhỏ và hiện vẫn bế tắc ở khâu tiêu thụ. 

Chính quyền địa phương cần có những khảo sát, đánh giá để tìm hướng đi phù hợp cho cuộc sống của những người dân đang làm nghề đốt than ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ai tiếp tay việc hợp pháp hóa gỗ lậu ở Đắk Lắk?
Ai tiếp tay việc hợp pháp hóa gỗ lậu ở Đắk Lắk?

VOV.VN -Xưởng chế biến gỗ và kho gỗ của Công ty TNHH Hiền Thái ở giữa khu dân cư, nhưng chính quyền địa phương không hay biết.

Ai tiếp tay việc hợp pháp hóa gỗ lậu ở Đắk Lắk?

Ai tiếp tay việc hợp pháp hóa gỗ lậu ở Đắk Lắk?

VOV.VN -Xưởng chế biến gỗ và kho gỗ của Công ty TNHH Hiền Thái ở giữa khu dân cư, nhưng chính quyền địa phương không hay biết.