Cân nhắc tính khả thi khi giảm giờ làm việc

VOV.VN - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu sớm thực hiện nội dung quy định về giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần. Nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc tính khả thi khi giảm giờ làm.

Đề xuất giảm giờ làm việc của người lao động xuống dưới 48 giờ/tuần của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Chính phủ. Đơn vị này cho rằng, giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần là một chính sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Vì vậy, Bộ sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.

Theo đánh giá của các chuyên gia, để giảm giờ làm, không còn cách nào khác là phải cải thiện năng suất, tăng lương, tăng thu nhập, đảm bảo mức sống của người lao động. Tuy nhiên, ở Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển dựa vào lợi thế lao động giá rẻ, chưa chú trọng đến việc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại nên năng suất lao động chưa cao.

Nhìn từ các quốc gia đã đạt được mức năng suất vượt trội như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc, để duy trì được tốc độ tăng năng suất, các quốc gia này đã trải qua những thay đổi cơ cấu mạnh mẽ như đầu tư công nghệ, tăng hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm...

Giảm giờ làm phải đảm bảo thu nhập không giảm

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, việc giảm giờ làm xuống còn 44 giờ và tiến tới xuống 40 giờ là phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là giải pháp để giảm giờ lao động nhưng vẫn giữ được nguyên lương; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc nâng cao sức khỏe, tái tạo sức lao động cũng như nâng cao trình độ kỹ năng chuyên môn và có thời gian để tham gia các hoạt động nhằm gắn kết gia đình. Do đó, đề xuất này rất đáng để xem xét, tiến tới đưa vào thực tiễn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh năng suất lao động của nước ta còn thấp thì việc giảm giờ làm sẽ có những tác động nhất định đến việc tăng năng suất lao động. Ông Thịnh phân tích, việc tăng năng suất lao động đã được các doanh nghiệp, đơn vị thực hiện từ nhiều năm nay. Việc tăng năng suất lao động sau khi giảm giờ làm là bài toán không phải một sớm, một chiều có thể đạt được. Hàng năm chúng ta đều có chỉ tiêu tăng năng suất lao động, thế nhưng nhiều năm không đạt được, chỉ có 6 tháng đầu năm nay mức tăng năng suất lao động đạt hơn 6%, đây là kỳ vọng để có thể hoàn thành được mục tiêu tăng năng suất lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nếu giảm giờ làm việc, người lao động có điều kiện để phục hồi sức khỏe, nâng cao năng lực, trình độ nghề nghiệp thì làm việc sẽ hiệu quả hơn, khi đó năng suất lao động cũng tăng cao. Vấn đề này cần cân nhắc để cân đối cho phù hợp.

TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu thực hiện việc giảm giờ làm thì các đơn vị và doanh nghiệp cần có những giải pháp nhất định để ổn định hoặc tăng năng suất lao động. Giải pháp căn cơ nhất là các doanh nghiệp phải quan tâm đến việc nâng cao trình độ, năng lực của người lao động, để từ đó việc giảm giờ làm vẫn đảm bảo được tiền lương cũng như đóng góp của người lao động cho doanh nghiệp, xã hội.

“Doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất thế nào, quy trình ra sao, ứng dụng khoa học công nghệ vào tổ chức sản xuất cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thế nào? Nếu vẫn sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu thì năng suất và chất lượng không thể tăng cao được. Nếu quy trình vẫn cũ, không áp dụng số hóa thì vừa không đảm bảo yêu cầu về xanh hóa sản phẩm, vừa không đảm bảo cho yêu cầu nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh. Rõ ràng, đây là cả một bài toán mà doanh nghiệp và người lao động phải có sự thống nhất, kết hợp với nhau thì khi đó chúng ta mới có thể giảm giờ làm nhưng năng suất vẫn được nâng cao và tiền lương, đời sống của người lao động vẫn ổn định, an sinh tốt”, ông Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu quan điểm, mục tiêu của chúng ta hiện nay là phải tận dụng sức lao động để tăng năng suất lao động, đó cũng là yêu cầu của thị trường lao động khi mà các doanh nghiệp nước ngoài đang tràn vào Việt Nam thuê mướn lao động, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam và thế giới vừa trải qua đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế xã hội đang rất khó khăn. Nếu áp dụng giảm giờ làm ngay, từ 48 giờ xuống còn 44 giờ thì sẽ tác động mạnh đến các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, vì nguồn nhân lực của Việt Nam đang trong thời kỳ già hóa dân số, nguồn lao động sẽ thiếu. Nếu chúng ta giảm đi 4 giờ làm việc thì đồng nghĩa với việc giảm đi nguồn nhân lực.

Vì lẽ đó, nếu thực hiện giảm giờ làm trong điều kiện năng suất lao động đang thấp như hiện nay thì phải tính toán và cân nhắc rất kỹ; Nên đánh giá lại các tác động đến kinh tế - xã hội, xem xét một cách tổng thể và cũng phải tính toán đến yếu tố tăng năng suất lao động nhưng vẫn tạo điều kiện cho người lao động được làm việc và có thu nhập ổn định. Thực tế hiện nay, rất nhiều người lao động có hoàn cảnh khó khăn và họ muốn làm thêm giờ để tăng thu nhập.

“Cũng có nhiều ngành nghề, lĩnh vực muốn giảm thời gian làm việc đi để kết hợp làm thêm việc khác, cho nên phải có phương án đánh giá tác động lại, về mặt lâu dài, tôi khẳng định rằng, chúng ta phải giảm giờ làm việc. Đó là nguyên lý, nguyên lý của vấn đề lao động vì tăng năng suất lao động là phải giảm thời gian mà số lượng sản phẩm vẫn tăng lên hoặc là số lượng sản phẩm không đổi nhưng thời gian lao động giảm đi, đó mới gọi là tăng năng suất lao động. Thế nhưng trong điều kiện hiện nay, chúng ta nên xem xét, tổng hợp đánh giá lại tác động, lựa chọn thời gian thích hợp để từng bước giảm dần thời gian làm việc của người lao động”, ông Bùi Sỹ Lợi bày tỏ.  

Cũng theo ông Lợi, việc giảm giờ làm là mong muốn, là nguyện vọng chính đáng và cũng là xu hướng của thời đại, đây cũng cách để tiến tới tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, thu nhập của cán bộ, công chức, người lao động còn quá thấp thì việc giảm giờ làm sẽ gây khó khăn cho chính người lao động chứ không phải cho các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho hay, khi thông qua Bộ luật lao động năm 2019 thì chúng ta đã so sánh với thời gian làm việc của khu vực công và khu vực tư. Đã có nhiều ý kiến đề xuất giảm 4 giờ làm việc cho khu vực sản xuất kinh doanh, nhưng khi ấy nhiều người lao động chưa muốn giảm như vậy, các doanh nghiệp cũng chưa muốn giảm ngay bởi nó sẽ tác động không nhỏ đến năng suất lao động.

Phương thức quan trọng nhất và điều kiện tốt nhất hiện nay là phải tiếp tục tuyên truyền, vận động để các doanh nghiệp tăng cường đầu tư, nâng cao công nghệ cải tiến kỹ thuật, sắp xếp lại nhân sự để việc tổ chức lao động được hợp lý, vừa thúc đẩy tăng năng suất lao động, vừa tăng thu nhập cho người lao động và cũng tạo các điều kiện về phúc lợi xã hội, chăm lo cho cán bộ, công chức, người lao động trong doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là giảm giờ làm nhưng thu nhập của người lao động phải được tăng lên.

Đây là mối quan hệ ba bên, Nhà nước đại diện cho chủ sử dụng lao động và đại diện cho người lao động nên thương lượng với nhau bàn bạc, tính toán, nếu doanh nghiệp nào, khu vực nào đáp ứng được các yêu cầu đó thì có thể thí điểm giảm giờ làm nhưng vẫn tăng năng suất lao động và thu nhập của người lao động.

Theo ông Lợi, phải bố trí tổ chức sắp xếp lại bộ máy, cơ cấu tổ chức dây chuyền sản xuất hợp lý để thúc đẩy tăng năng suất lao động; Doanh nghiệp phải tích lũy, đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao kỹ thuật để làm sao có công nghệ hiện đại tiên tiến, giảm lực lượng lao động; Bản thân người lao động phải nâng cao tay nghề, bởi nâng cao tay nghề là để thúc đẩy tăng năng suất lao động. Mục tiêu của chúng ta là người lao động phải được làm việc trong điều kiện an toàn, đảm bảo điều kiện lao động tốt nhất để họ có thể làm việc hiệu quả hơn. Đồng thời, phải chú trọng xây dựng khu vui chơi, văn hóa, hạ tầng cơ sở cho người lao động, nâng cao đời sống tinh thần để tạo động lực khiến họ hăng say sản xuất, thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó có thu nhập cao hơn.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giảm giờ làm và “bài toán” năng suất lao động
Giảm giờ làm và “bài toán” năng suất lao động

VOV.VN - Lần thứ hai trong nửa năm, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ xây dựng lộ trình giảm giờ làm trong tuần của lao động khu vực tư nhân từ 48 xuống 44, tiến tới 40 giờ. Năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam nằm trong nhóm thấp so với khu vực, trong khi số giờ làm việc thuộc nhóm cao.

Giảm giờ làm và “bài toán” năng suất lao động

Giảm giờ làm và “bài toán” năng suất lao động

VOV.VN - Lần thứ hai trong nửa năm, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ xây dựng lộ trình giảm giờ làm trong tuần của lao động khu vực tư nhân từ 48 xuống 44, tiến tới 40 giờ. Năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam nằm trong nhóm thấp so với khu vực, trong khi số giờ làm việc thuộc nhóm cao.

Tình trạng lao động mất việc, giảm giờ làm "hạ nhiệt" những tháng cuối năm 2023
Tình trạng lao động mất việc, giảm giờ làm "hạ nhiệt" những tháng cuối năm 2023

VOV.VN - Bộ LĐ-TB-XH cho biết, tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV năm 2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023.

Tình trạng lao động mất việc, giảm giờ làm "hạ nhiệt" những tháng cuối năm 2023

Tình trạng lao động mất việc, giảm giờ làm "hạ nhiệt" những tháng cuối năm 2023

VOV.VN - Bộ LĐ-TB-XH cho biết, tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV năm 2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023.

Có nên giảm giờ làm của doanh nghiệp xuống 44h mỗi tuần?
Có nên giảm giờ làm của doanh nghiệp xuống 44h mỗi tuần?

VOV.VN - Để giảm giờ làm việc cho người lao động trong khu vực doanh nghiệp thì cần tạo ra lộ trình phù hợp; đưa điều đó vào trong thỏa ước lao động hoặc luật lao động để tạo ra sự đồng thuận chung, cũng như không ảnh hưởng tới hoạt động đặc thù của các doanh nghiệp.

Có nên giảm giờ làm của doanh nghiệp xuống 44h mỗi tuần?

Có nên giảm giờ làm của doanh nghiệp xuống 44h mỗi tuần?

VOV.VN - Để giảm giờ làm việc cho người lao động trong khu vực doanh nghiệp thì cần tạo ra lộ trình phù hợp; đưa điều đó vào trong thỏa ước lao động hoặc luật lao động để tạo ra sự đồng thuận chung, cũng như không ảnh hưởng tới hoạt động đặc thù của các doanh nghiệp.