Cần sớm thực hiện các giải pháp khắc phục bồi lắng, sạt lở suối Bảy Mẫu

VOV.VN - Mấy năm gần đây, tình trạng bồi lắng, sạt lở suối Bảy Mẫu, đoạn chảy qua các xã Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, phương án xử lý nạo vét, khơi thông dòng chảy, hạn chế sạt lở đôi bờ vẫn chưa giải quyết được tình trạng này.

Những ngày gần đây, tại khu vực phía Tây thành phố Đà Nẵng có mưa to. Mỗi đợt mưa là đất đai 2 bên bờ con suối Bảy Mẫu, đoạn chảy qua các xã Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Phong lại sạt lở. Ông Nguyễn Hào, ở thôn An Châu, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, trước đây, con suối này rất sâu, chảy êm đềm. Từ khi hồ Đồng Nghệ xây dựng, cứ mưa lớn, nước đầy hồ chứa, xả lũ thì nước con suối hung hãn hơn. Mấy năm gần đây, con suối bị bồi lắng, dòng suối thu hẹp lại, nước không có lối thoát nên chảy mạnh ra 2 bên bờ gây sạt lở mất đất.

Ông Nguyễn Hào lo lắng, nhà ông cách con suối vài trăm mét nhưng năm nào nước cũng tràn vào nhà: “Mỗi năm lở dần, lở dần. Tại vì con nước không có lối thoát nên nó tràn vào nhà. Nếu mà có lối thoát thì nước sẽ chảy dọc. Đằng này nước không có lối thoát nên chảy vào trong nhà luôn, nếu có lối thoát thì đâu đến nỗi gì đâu. Nước cứ chảy vô trong này, năm nào cũng bị hết”.

Ông Nguyễn Lợi, Phó Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Nam Thành, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang kể, trước đây con suối này sâu lút đầu người, giờ chỉ còn lại như con mương nhỏ. Vì thế, cứ mỗi lần xả lũ là cả làng, cả xóm cuống cuồng chạy lụt, cây cối hoa màu bị cuốn trôi, xói lở.

Ông Nguyễn Lợi nói, bà con mong muốn sớm nạo vét thông dòng chảy suối Bảy Mẫu để khơi thông dòng chảy: “Nhân dân chúng tôi ở đây mong sớm được nạo vét, trổ dòng chảy cho thoáng, đừng cho chảy vô trong vườn, trong nhà mà trôi cá, trôi cả đất vườn. Hàng năm cứ tới mừa mưa là dân chúng tôi sợ lắm. Cứ hễ xả đập là nước dâng, tràn vô nhà. Khi nước tràn vô thì cá, heo gà trôi hết. Anh em đội xung kích chúng tôi chuẩn bị khi xảy ra lụt, xả đập là đi bắt heo, dắt bò đưa lên cao, đưa dân lên vùng cao. Mấy chục năm nay không nạo vét, dọn dẹp chi hết thì nó phải bồi thôi”.

Trước tình trạng bồi lắng gây sạt lở của dòng suối này, đầu năm 2023, một chủ doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang là Công ty Cổ phần HBC Sài Gòn Đà Nẵng mong muốn nạo vét để khơi thông dòng chảy, tận thu lượng cát, sạn, phục vụ các công trình trọng điểm của thành phố. Vị trí dự kiến khơi thông có điểm đầu tại Cầu Máng, xã Hòa Khương đến Cầu Trắng, xã Hòa Phú. Toàn bộ chi phí do Công ty này chịu trách nhiệm và việc tận thu sẽ thực hiện theo quy định. Sau khi nhận được văn bản của doanh nghiệp, Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng chuyển đến Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND huyện Hòa Vang và các sở ngành liên quan kiểm tra, xử lý.

Nhận được văn bản của Văn phòng UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã tổ chức họp và kiểm tra thực địa, đồng thời có văn bản số 211 ngày 21/4/2023 gửi UBND thành phố nêu rõ: “Qua tổng hợp ý kiến các đơn vị dự họp, thống nhất đề nghị UBND thành phố giao UBND huyện Hòa Vang chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu đề xuất thực hiện việc nạo vét khơi thông dòng chảy để tiêu thoát lũ trong mùa mưa. Việc tận thu vật liệu thông thường cát sỏi giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu đề xuất cấp giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án xây dựng công trình. Kinh phí thực hiện do doanh nghiệp tự bỏ ra và xin thu hồi đất cát sỏi cung cấp cho các công trình trọng điểm để bù đắp chi phí bỏ ra khơi thông dòng chảy.

Sau khi nhận văn bản tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND thành phố có văn bản giao UBND huyện Hòa Vang chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan tiến hành kiểm tra, xác định sự cần thiết của việc nạo vét khơi thông dòng chảy suối Bảy Mẫu. Trường hợp cần thiết thì lập thủ tục và phương án nạo vét, khơi thông theo đúng quy định…

Thực hiện chỉ đạo này, UBND huyện Hòa Vang tiến hành lấy ý kiến của UBND các xã có liên quan và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng. Các xã Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Phong có văn bản trả lời nêu rõ sự thống nhất và đồng ý chủ trương nạo vét khơi thông suối Bảy Mẫu đoạn từ Cầu Máng đến Cầu Trắng.

Ông Lê Đinh Minh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, 1 trong 3 xã có dòng suối chảy qua đề nghị: “Quan điểm của xã thì Lãnh đạo xã cơ bản là thống nhất chủ trương này. Bởi nạo vét khơi thông dòng chảy thì không ảnh hưởng ngập lụt đến bà con trong xã này. Tuy nhiên, đơn vị thi công phải làm trước một bước về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM) cụ thể khu vực nào nạo vét, khu vực nào làm kè sạt lở”

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cũng có văn bản số 3269 (ngày 10/8/2023) trả lời nêu rõ việc cần thiết phải nạo vét các đoạn bị bồi lấp, khơi thông dòng suối chảy từ Cầu Máng đến Cầu Trắng.

Trên cơ sở này, ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang gửi UBND thành phố báo cáo sự cần thiết của việc nạo vét khơi thông dòng chảy đoạn suối vừa nêu; Đồng thời đề xuất giải pháp là “Nạo vét, khơi thông các điểm bị bồi lấp kết hợp chỉnh trị một số đoạn suối đã bị co hẹp do bị bồi lấp”; Xin chủ trương cho sử dụng kinh phí thông qua việc cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường để đầu tư kè, gia cố một số đoạn sạt lở.

Sau khi nhận được báo cáo của UBND huyện Hòa Vang, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản số 4888, ngày 8/9/2023 đồng ý chủ trương nạo vét, khơi thông dòng suối chảy từ Cầu Máng đến Cầu Trắng. UBND thành phố Đà Nẵng cũng giao UBND huyện Hòa Vang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lập phương án nạo vét khơi thông và khái toán kinh phí thực hiện theo chủ trương này. Thực hiện nội dung văn bản này, UBND huyện Hòa Vang tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo như xin ý kiến Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang… Sau khi nhận được sự đồng thuận của người dân, văn bản hướng dẫn thực hiện của các sở ngành liên quan, ngày 05/4/2024, UBND huyện Hòa Vang tiếp tục có Công văn  số 928 gửi UBND thành phố Đà Nẵng báo cáo chi tiết quá trình thực hiện, các quy định hiện hành, kiến nghị UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ thiết kết bản vẽ thi công, trình UBND thành phố phê duyệt.

Ngay sau đó, UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan kiểm tra nội dung kiến nghị của UBND huyện Hòa Vang. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kiểm tra, tổng hợp và có văn bản số 1416 (ngày 24/5/2024) thống nhất với ý kiến đề xuất của UBND huyện Hòa Vang. Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị UBND thành phố giao Sở Nông  nghiệp và Phát triển nông thôn “chủ trì, hướng dẫn UBND huyện Hòa Vang, Công ty HBC Sài Gòn Đà Nẵng thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở; thủ tục bàn giao công trình sau khi xây dựng hoàn thành và các trình tự, thủ tục bàn giao công trình”… Trong đó lưu ý doanh nghiệp phải có văn bản cam kết thực hiện đầu tư công trình theo đúng phương án thiết kế được thẩm định, phê duyệt; sau khi triển khai hoàn thành công trình phải bàn giao toàn bộ công trình cho nhà nước quản lý, sử dụng.

Đến đây, tưởng chừng mọi hồ sơ thủ tục về việc thực hiện chủ trương “nạo vét khơi thông dòng suối chảy từ Cầu Máng đến Cầu Trắng tại các xã Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Khương, huyện Hòa Vang” đã hoàn chỉnh. Thế nhưng, ngày 12/7 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng lại có văn bản số 3773 giao UBND huyện Hòa Vang chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan kiểm tra, đánh giá cụ thể sự cần thiết của việc thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy, đánh giá kỹ hiệu quả về mặt thoát nước tưới tiêu… Nội dung văn bản này thay thế cho nội dung Công văn số 4888 ngày 8/9/2023. Điều đáng nói cả 2 Công văn số 4888 và 3773 đều do một Phó Chủ tịch UBND thành phố ký.

Tại các hội nghị, các cuộc họp Thành ủy, người đứng đầu thành phố Đà Nẵng thẳng thắn nhắc nhở tình trạng cán bộ tham mưu lòng vòng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Mới đây, vào ngày 17/7, tại Hội nghị Thành ủy Lần thứ 16, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các cấp ủy Đảng cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả và quyết liệt Chỉ thị số 34, ngày 27/10/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về “Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đẩy lùi tình trạng đùn đẩy, né tránh, không làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao”:

“Chỉ thị 34 của Ban Thường vụ ban hành rất đúng, rất trúng và triển khai một cách bài bản với nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng, phong phú nhưng trên thực tế thì hiệu quả đạt được thì chưa cao và chất lượng, tiến độ thể hiện rất rõ qua các công việc, những chỉ tiêu mà chúng ta chưa đạt được. Nguyên nhân thuộc về chủ quan, trong đó vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy, sự phối hợp, xác định trách nhiệm trong việc thực thi công vụ không đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ. Đấy là chưa nói đến câu chuyện cán bộ dám làm, chỉ đặt ra vấn đề là làm cho nó đúng, không đùn đẩy, né tránh, không tham mưu lòng vòng”, ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

Một trong những nguyên nhân làm cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng trong thời gian gần đây bị chững lại đó là sự tắc trách, tham mưu lòng vòng, né tránh trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Chuyện một doanh nghiệp xin chủ trương xã hội hóa nạo vét, khơi thông dòng chảy một đoạn suối với rất nhiều văn bản “đưa lên đá xuống” kéo dài hơn một năm nay, phải chăng là “câu chuyện buồn” và biết đến bao giờ mới chấm dứt ở thành phố này?.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đà Nẵng chủ động khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Đà Nẵng chủ động khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

VOV.VN - Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu phải đặt quyết tâm chính trị cao nhất để tập trung nhận diện rõ và khắc phục 10 biểu hiện của tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Đây là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Đà Nẵng chủ động khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Đà Nẵng chủ động khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

VOV.VN - Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu phải đặt quyết tâm chính trị cao nhất để tập trung nhận diện rõ và khắc phục 10 biểu hiện của tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Đây là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Đà Nẵng bàn giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Đà Nẵng bàn giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

VOV.VN - Thành ủy Đà Nẵng dành nhiều thời gian thảo luận các giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ Đảng viên.

Đà Nẵng bàn giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Đà Nẵng bàn giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

VOV.VN - Thành ủy Đà Nẵng dành nhiều thời gian thảo luận các giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ Đảng viên.