Cần thống nhất các quy chuẩn đường cao tốc
VOV.VN - Hệ thống đường cao tốc của nước ta đang được đầu tư xây dựng mới ngày càng nhiều. Và đã đến lúc, cần có sự thống nhất về quy chuẩn khai thác trên toàn hệ thống.
Một trong những tin vui chúng ta được nghe trong những ngày gần đây, đó là dịp nghỉ lễ 30/4 tới, sẽ có thêm một số đoạn đường cao tốc, sau một thời gian xây dựng tương đối gấp rút, sẽ được đưa vào sử dụng. Ví dụ: đoạn từ Cao Bồ đến QL45 ở phía Bắc, hay đoạn Dầu Giây – Phan Thiết ở phía Nam…
Các đoạn cao tốc này ra đời sau khi Tổng cục đường bộ Việt Nam được tải tổ chức trở thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam, tức là có một cơ quan chuyên trách đường cao tốc thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Tôi nghĩ, giờ là lúc cơ quan chuyên trách về cao tốc sẽ phải thật sự để tâm, có những biện pháp cần thiết cho việc xây dựng và chỉ dẫn xây dựng các quy trình về an toàn tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc.
Các đường cao tốc của chúng ta hiện nay đang được vận hành, tổ chức và đang được chỉ dẫn theo một cách không giống bất kỳ ai. Ví dụ, trong Luật giao thông đường bộ yêu cầu các phương tiện đi trên cao tốc cần phải giữ khoảng cách theo biển chỉ dẫn.
Nhưng trên cao tốc của chúng ta, có một biển báo (theo quy chuẩn biển kiểm soát giao thông) có ghi chữ rất lớn bằng tiếng Việt là “Giữ khoảng cách an toàn” ở dưới là bằng tiếng Anh là “Give Stopping Distance” và không có con số nào cả.
Trong trường hợp này, rõ ràng biển chỉ dẫn đó không có bất kỳ tác dụng nào, nó không ra một biển cảnh báo, nó cũng không ra một biển chỉ dẫn.
Một ví dụ khác, hệ thống cao tốc của chúng ta là hệ thống duy nhất trên thế giới mà ở trong cùng một quốc gia, các đường cao tốc được xây dựng theo cùng một tiêu chuẩn, nhưng lại được vận hành những tốc độ khác nhau và những cách thức khác nhau.
Có chỗ thì vận hành ở tốc độ 100 km/h, chỗ thì 120 km/h, chỗ thì có 3 làn thì có làn ngoài tốc độ này, làn trong tốc độ kia, rỗi có chỗ thì tất cả con đường cùng một tốc độ. Tức là không theo một logic, một quy chuẩn nào cả.
Kể cả những con đường mà nếu theo đúng định nghĩa trong Luật giao thông đường bộ (nhất cũng phải có dải phân cách giữa) thì với đường đi Hòa Bình, không thể gọi đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai là cao tốc, mà đó là đường bình thường.
Hay như tất cả các con đường của chúng ta, ở các lối ra (bằng một cách nào đó) bỗng dưng lại được gọi là “điểm giao cắt”, hoặc “nút giao”, mà tiếng Anh là “Interchange”, viết tắt là IC. Thực tế, cả thế giới gọi nó là “Lối ra” (Exit), vì đường cao tốc là một con đường kín và chỉ có các điểm ra. Người ta gọi các điểm “Exit” đó bằng cách đánh số thứ tự.
Chưa kể, ở tất cả các lối ra của chúng ta hầu như đều bị ùn xe, kể cả những đường vành đai, đường trên cao, đường cao tốc… là bởi làn xe rẽ không được tách ra khỏi làn xe đang đi thẳng, mà hầu như sẽ dùng làn bên phải cho các xe rẽ.
Ở các nước mà tôi từng đến, đều có một nguyên tắc rất là rõ ràng là cách lối ra khoảng 500m, người ta sẽ sử dụng “Vai đường” (chúng ta gọi là làn dừng xe khẩn cấp) để biến làn đó thành làn rẽ. Còn những xe đi ở làn ngoài thì cứ đi với tốc độ bình thường và không được phép rẽ, nếu rẽ sẽ phạm luật. Với cách như vậy, sẽ vừa an toàn cho xe sẽ rẽ, an toàn cho xe đang đi thẳng và vẫn đảm bảo được tốc độ lưu thông trên cao tốc.
Tôi nghĩ, bên cạnh việc có thêm một hệ thống cao tốc mới, thì cũng sẽ đòi hỏi việc điều hành, vận hành các con đường đó một cách khoa học và có hệ thống hơn.
Bên cạnh đó, cũng cần phải có một “tư duy cao tốc” để có thể tổ chức lại giao thông đường cao tốc của chúng ta một cách an toàn, hợp lý và hiệu quả hơn./.