Cần “thuốc đặc trị" vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, không để thành bệnh khó chữa
VOV.VN - Hành vi đi ngược chiều đa phần là do ý thức của người tham gia giao thông. Việc thiếu ý thức này dẫn đến nhiều hệ quả khôn lường và cần xử lý nghiêm để không thành “bệnh” nan y.
Thời gian gần đây, tình trạng các phương tiện xe hai bánh vi phạm đi ngược chiều diễn ra rất phổ biến, xảy ra cả trong các tuyến đường nội đô và trên các tuyến đường quốc lộ.
Hầu hết những trường hợp xe hai bánh đi ngược chiều của đường một chiều hoặc đi ngược chiều trên đường có biển “cấm đi ngược chiều” là do người điều khiển phương tiện muốn tiết kiệm thời gian, rút ngắn quãng đường phải đi hoặc trong các tuyến nội đô tại các ngã tư có đèn tín hiệu nhằm giải quyết công việc cá nhân mà không quan tâm đến việc chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
Nguyên nhân dẫn đến việc đi ngược chiều đa phần là do ý thức của người tham gia giao thông trên đường. Hành vi đó không chỉ thể hiện sự coi thường pháp luật của người điều khiển phương tiện khi tham giao thông, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính người điều khiển phương tiện đi ngược chiều cũng như đối với các phương tiện tham gia giao thông khác.
Tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, lấn làn… diễn ra khá phổ biến tại nhiều tuyến đường, phố trên địa bàn Hà Nội. Đây cũng chính là nguyên nhân gây xung đột, ùn tắc giao thông. Để chấm dứt tình trạng này, không cách nào khác là phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm...
Ra ngõ… gặp vi phạm
Theo ghi nhận của phóng viên VOV.VN tại nhiều tuyến đường, phố cho thấy, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, như vượt đèn đỏ, lấn làn, đi vào đường ngược chiều… diễn ra khá phổ biến.
Đường càng to, càng rộng, tình trạng đi ngược chiều càng nhiều. Đó là thực trạng vi phạm trên tuyến đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) đi vào Hà Đông.
Mỗi ngày, hàng đoàn xe máy nối đuôi nhau, ngang nhiên đi ngược chiều trên tuyến đường Nguyễn Trãi vào khung giờ cao điểm gây ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Việc đi ngược chiều phổ biến hơn vào cao điểm sáng và chiều, khi lượng phương tiện di chuyển trên đường Nguyễn Trãi hướng đi Ngã Tư Sở tăng cao, thì cũng là lúc người dân bất chấp nguy hiểm đi ngược chiều ở làn đường đối diện nhằm tiết kiệm thời gian và tránh ùn tắc giao thông.
Các phương tiện đi ngược chiều bắt đầu từ đầu phố Nguyễn Tuân đến điểm quay đầu xe trước cổng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - 336 Nguyễn Trãi. Lộ trình di chuyển của dòng xe máy đi ngược chiều kéo dài khoảng 400m.
Lượng người đi ngược chiều bất chấp nguy hiểm dàn hàng 2, hàng 3… có đoạn nhiều người đi lên vỉa hè dành cho người đi bộ khiến giao thông ở đây hỗn loạn, ùn tắc. Thậm chí tại các nút giao, dòng người hỗn loạn, đi lại không theo một quy tắc gì, chặn đầu nhiều phương tiện đi đúng chiều.
Theo ghi nhận của phóng viên tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi trong vòng 15 phút phóng viên đã đếm được 35 phương tiện đi ngược chiều trên vỉa hè.
Đáng nói là trong giờ cao điểm phương tiện tham gia giao thông rất đông, nhưng từng tốp 8-10 xe máy vẫn vô tư đi ngược chiều trên vỉa hè đường Nguyễn Xiển (phía số nhà chẵn) băng qua ngã tư rồi rẽ vào đường Nguyễn Trãi (hướng về Hà Đông).
Được biết, vỉa hè đoạn từ ngõ 214 đến số nhà 36 Nguyễn Xiển từ lâu đã trở thành “lối đi tắt” của hàng trăm phương tiện mỗi ngày nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa có giải pháp xử lý triệt để.
Anh Nguyễn Trường Thanh, ở Văn Quán, Hà Đông cho biết: "Sáng nào tôi cũng đi qua khu vực ngã tư này. Xe máy đi ngược chiều khá nhiều, đã cản trở việc lưu thông của các phương tiện khác. Nhiều vụ va chạm đã xảy ra. Đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý dứt điểm vấn nạn này".
Một người bán hàng trên đường Nguyễn Trãi cho biết, tình trạng người dân bất chấp nguy hiểm tham gia giao thông ngược chiều diễn ra lâu nay và ông cũng nhiều lần chứng kiến các phương tiện đã va chạm, chầy xước chân tay là bình thường, may vẫn chưa có thiệt hại gì lớn.
“Rất nhiều người tùy tiện và thiếu ý thức, tiện là quay đầu xe, đi ngược chiều ở đoạn đường này, rất nguy hiểm cho những người tham gia giao thông. Mong rằng lực lượng chức năng có biện pháp xử lý thật nghiêm để không tái diễn tình trạng vi phạm này", một người dân kiến nghị.
Tương tự, tại các nút giao thông, như ngã tư Đại Cồ Việt, Ngã Tư Sở; Vạn Phúc - Tố Hữu; nút giao Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch; ngã tư Trần Khát Trân - Bạch Mai- Phố Huế…và hàng loạt tuyến phố như Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy, Kim Mã, Nguyễn Thái Học...người điều khiển xe máy vượt đèn đỏ, đi ngược chiều diễn ra khá phổ biến.
Tại phố Kim Mã (đoạn gần ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh), dù đơn vị thi công đã quây rào, chắn phần lớn mặt đường, chỉ chừa một làn đường hẹp cho các phương tiện lưu thông theo hướng Cầu Giấy - Kim Mã, song từng đoàn xe máy vẫn “rồng rắn” kéo nhau đi ngược chiều, gây ùn tắc giao thông cục bộ.
Còn trên tuyến đường Nguyễn Văn Huyên (đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến Nguyễn Khánh Toàn), hằng ngày, nhiều phụ huynh đưa đón con học Trường THCS Lê Quý Đôn chọn cách đi ngược chiều trên vỉa hè để tránh phải đi vòng qua ngã tư. Không ít bậc cha mẹ sẵn sàng vượt đèn đỏ và lấn cả vào làn đường dành cho ô tô.
Chị Nguyễn Minh Thúy, một phụ huynh có con học tại Trường THCS Lê Quý Đôn bức xúc: "Không hiểu các bậc cha mẹ nghĩ gì khi đánh cược tính mạng của chính mình và con cái để liều lĩnh đi ngược chiều, chặn đầu các phương tiện tham gia giao thông. Đây là hành vi vi phạm, thể hiện sự thiếu ý thức, cần được cơ quan chức năng xử phạt thật nặng".
Xử lý nghiêm để không tái diễn
Theo Trung tá Vũ Mạnh Nam, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, nguyên nhân chính dẫn tình trạng trên là do ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông rất kém. Bất kể thời gian nào trong ngày, chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng là vi phạm lại tái diễn. Hơn nữa, chế tài xử phạt hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe người vi phạm. Ví dụ, hành vi đi xe máy ngược chiều chỉ xử phạt hành chính 350.000 đồng, mà không tước Giấy phép lái xe.
Trung tá Vũ Mạnh Nam cho biết thêm, khó khăn nhất trong xử lý vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lấn làn… là vi phạm diễn ra vào giờ cao điểm, lực lượng CSGT phải tập trung làm nhiệm vụ phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông. Khi bị phát hiện và xử lý, không ít người tìm mọi lý do xin bỏ qua lỗi vi phạm, thậm chí sẵn sàng chống đối CSGT...
Theo Trung tá Vũ Mạnh Nam, thời gian tới Đội Cảnh sát giao thông số 7 sẽ phối hợp với công an các quận, phường cử lực lượng lập chốt chặn tại các điểm thường xuyên xảy ra vi phạm. Ngoài ra, Đội cũng kiến nghị cơ quan chức năng triển khai giải pháp công trình ở những nơi thường xảy ra vi phạm, ví dụ lập hàng rào trên vỉa hè ngăn phương tiện đi ngược chiều.
Còn Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền và Điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Phòng CSGT cho biết, hiện các đội cảnh sát giao thông đã bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là ở các nút giao thông có nguy cơ xảy ra ùn tắc.
Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát giao thông đã ban hành Kế hoạch về xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát. “Việc thực hiện tốt 2 kế hoạch này chắc chắn sẽ giúp người tham gia giao thông nâng cao ý thức”, Trung tá Hoài nhấn mạnh.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Quang, Văn phòng Luật sư Key Việt Nam, mức phạt đối với hành vi điều khiển xe đi ngược chiều đã được pháp luật quy định.
Cụ thể, đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 6 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định (Khoản 5 Điều 6). Bị tước quyền sử dụng GPLX từ 01 - 03 tháng (Điểm b khoản 10 Điều 6).
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 8 Điều 6 (Điểm b khoản 7 Điều 6). Bị tước quyền sử dụng GPLX từ 02 - 04 tháng (Điểm c khoản 10 Điều 6).
“Căn cứ theo mức phạt trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP chúng ta cần xử lý nghiêm, không nương nhẹ bất cứ người vi phạm và với lý do gì, tôi tin là những hành vi đi ngược chiều của người tham gia giao thông sẽ không tái phạm”, Luật sư Nguyễn Đức Quang nêu kiến nghị./.
Mức phạt đối với hành vi điều khiển xe đi ngược chiều
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” được quy định như sau:
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định (Điểm c khoản 5 Điều 5).
Bị tước quyền sử dụng GPLX từ 02 - 04 tháng (Điểm c khoản 11 Điều 5).
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều 5 (Điểm a khoản 7 Điều 5).
+ Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định (Điểm a khoản 8 Điều 5).
Bị tước quyền sử dụng GPLX từ 05 - 07 tháng (Điểm đ khoản 11 Điều 5).
- Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng:
+ Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều 7 và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định (Điểm c khoản 4 Điều 7).
Bị tước quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 - 03 tháng (Điểm a khoản 10 Điều 7).
+ Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 8 Điều 7 (Điểm a khoản 7 Điều 7).
Bị tước quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 - 04 tháng (Điểm b khoản 10 Điều 7).
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc (Điểm a khoản 8 Điều 7).
Bị tước quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 05 - 07 tháng (Điểm c khoản 10 Điều 7).
- Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác:
Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều” (Điểm c khoản 3 Điều 8).
-Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác:
Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều” (Điểm c khoản 3 Điều 8).