Cần ưu tiên công tác giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc

Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Cần nâng cao tri thức, trình độ nhận thức cho đồng bào dân tộc, trong đó có đội ngũ làm công tác dân tộc. Có như vậy, việc tham mưu chính sách dân tộc cho Đảng, Nhà nước mới có hiệu quả…

<< Thắm đượm tình đoàn kết các dân tộc
<< Khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ I
<< Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số thành công tốt đẹp

Chiều 13/5, ngay sau khi bế mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất, Ban Chỉ đạo Đại hội đã tổ chức họp báo thông báo những kết quả nổi bật Đại hội đã đạt được.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí các nội dung xung quanh đại hội và vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc.

PV: Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất vừa kết thúc, để lại trong lòng mỗi người những cảm xúc khác nhau. Xin Bộ trưởng cho biết cảm nhận của mình về Đại hội?

Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Chắc ai cũng có cảm nhận về không khí phấn khởi của Đại hội- ngày hội đại đoàn kết các dân tộc. Có thể nói, đây là lần đầu tiên Đảng, Nhà nước ta tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam với quy mô toàn quốc. Đại hội đã tổng kết phong trào thi đua yêu nước của đồng bào dân tộc thiểu số qua các thời kỳ cách mạng; tôn vinh biểu dương công lao đóng góp to lớn của đồng bào; biểu dương, khen thưởng các tập thể cá nhân điển hình, qua đó đã tạo không khí tưng bừng, phấn khởi, tự hào và tự tin trong đồng bào.

Đây là một Đại hội có thể nói không giống như Đại hội của các tổ chức chính trị-xã hội khác, không bầu Ban Chấp hành và nhân sự Đại hội. Đại hội nhằm giúp Đảng và Chính phủ đánh giá, tổng kết về việc thực hiện chính sách dân tộc từ cấp Trung ương đến địa phương. Từ đó xem những mặt nào mạnh thì tiếp tục phát huy, mặt nào còn hạn chế thì tìm cách tháo gỡ, khắc phục. Đồng thời, xem chính sách nào đã ban hành quá lâu, không còn phù hợp với thực tế cuộc sống của đồng bào thì phải kiến nghị sửa đổi.

Bộ trưởng Giàng Seo Phử

PV: Thưa Bộ trưởng, Ban Bí thư có ý kiến bắt đầu từ Đại hội này, 10 năm tổ chức Đại hội một lần. Nhiều đại biểu cho rằng thời gian như vậy là khá dài để đại biểu có thể gặp gỡ, trao đổi và đề xuất các kiến nghị của mình lên Đảng, Nhà nước. Vậy ý kiến Bộ trưởng như thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Căn cứ vào Chỉ thị 55 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tháng 5/2009, Ban Bí thư có quy định kể từ sau Đại hội này, cứ 10 năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số một lần. Trong Chỉ thị không đề cập Đại hội ở cấp địa phương.

Trong báo cáo Chính trị của Đại hội cũng như đề nghị của các vị đại biểu phát biểu trong tham luận cho rằng, 10 năm mới tổ chức Đại hội 1 lần là quá lâu. Để xử lý vấn đề này, trong dự thảo Nghị định của Ủy ban Dân tộc, chúng tôi cũng tán thành với ý kiến của Ban Bí thư, vì tổ chức Đại hội toàn quốc 10 năm một lần để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước qua 1 thập niên. Chúng tôi cũng đề nghị Ban Bí thư cho phép tổ chức Đại hội cấp huyện, tỉnh dự kiến 5 năm một lần. Đây cũng là nguyện vọng của đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số.

PV: Thưa Bộ trưởng, trong 6 nhiệm vụ cụ thể mà Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đề nghị Chính phủ và các bộ, ban, ngành, đoàn thể thực hiện để nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc, Ủy ban Dân tộc sẽ ưu tiên thực hiện nhiệu vụ nào?

Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Trong thời gian tới, dự báo căn cứ vào các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, các Chương trình hành động của Chính phủ, đặc biệt là về chiến lược và Cương lĩnh bổ sung và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Đảng trong giai đoạn 2011-2020, sẽ đề xuất xây dựng một số chính sách mới cho vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là chính sách về đào tạo nguồn nhân lực.

Với tư cách là cơ quan Dân tộc của Chính phủ, chúng tôi thấy vấn đề cần phải ưu tiên số một đối với vùng đồng bào dân tộc là giáo dục-đào tạo. Cần phải nâng cao dân trí, tri thức, trình độ nhận thức cho đồng bào dân tộc. Tiến tới đào tạo cán bộ là những người dân vùng xa xôi có cơ hội tiếp cận với tri thức tiên tiến nhất, được đạo tạo ở tất cả các bậc học. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu có đội ngũ làm công tác dân tộc, tham mưu về chính sách dân tộc cho cấp ủy chính quyền từ địa phương đến Trung ương.

Cùng với đó, tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc bằng các chương trình hành đồng gắn bó giữa các dân tộc, để đồng bào các dân tộc  thực sự bình đẳng theo đúng phương châm mà bức trướng Ban Bí thư tặng Đại hội “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.

Vấn đề về nông nghiệp- nông thôn, đặc biệt là ở vùng khó khăn cũng phải được xây dựng theo đúng tinh thần của Trung ương. Còn nhiều vấn đề khác đều là những vấn đề chiến lược, cần phải có thời gian nghiên cứu, bổ sung và thực hiện để việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng có hiệu quả.

PV: Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá như thế nào về các chính sách chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc của Đảng, Nhà nước trong thời gian vừa qua?

Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Kể từ khi thành lập, Đảng luôn có các chính sách chăm lo cho đồng bào các dân tộc.  Đảng có nhiều chương trình, dự án cụ thể đầu tư vào vùng đồng bào các dân tộc, đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt của nông thôn miền núi. Đặc biệt là các Chương trình 135 đầu tư trực tiếp về đất, nhà, nước sinh hoạt… thiết thực cho cuộc sống của đồng bào.

Ngoài các chương trình đầu tư tập trung của Nhà nước, mỗi địa phương cũng có chương trình đầu tư riêng trên địa bàn. Hiện Chính phủ còn có chương trình 30a đầu tư trực tiếp cho 62 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn. Trong 5-10 năm tới, cơ bản hoàn thành các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng chuẩn nghèo và giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện. Đó sẽ là thành tích vượt bậc và giải quyết được cái “lõi” của nghèo đói. Cùng với đó, trình độ dân trí được tăng lên sẽ góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần.

Tiếp tục đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số là chính sách nhất quán và quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước. Trong chương trình quốc gia đến 2015, đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vấn đề giao thông, điện lưới cho nông thôn, giáo dục, chăm sóc y tế đều được nhấn mạnh và hiện đang được thực hiện bằng nhiều chương trình. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban, ngành và nhân dân trong cả nước, chắc chắn trong thời gian tới, vùng đồng bào dân tộc có những phát triển hơn nữa, tiến tới thu hẹp khoảng cách giữa vùng núi và vùng đồng bằng.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên