Cần xây dựng quy tắc riêng về sử dụng điện thoại di động trong từng lớp học
VOV.VN - Với quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học, nhiều giáo viên cho rằng, cần có quy định cụ thể, ban hành những quy tắc sử dụng khi nào và không sử dụng khi nào để tránh những vướng mắc cho giáo viên.
Thông tư 32 quy định về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành, có quy định những hành vi học sinh không được làm, trong đó có: “sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.
Điều này có nghĩa, học sinh được sử dụng điện thoại nếu được sự đồng ý của giáo viên.
Trực tiếp đứng lớp 15 năm, thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên dạy Toán tại Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho rằng, trong thời đại 4.0, việc áp dụng công nghệ thông tin trong dạy và học là xu thế chung. Song việc học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong các giờ học thì phải áp dụng hợp lý, tùy vào từng môn học, tiết học, vùng miền và điều kiện kinh tế từng nơi. Bởi không phải học sinh nào cũng có điện thoại thông minh.
Theo thầy Nguyễn Viết Tiến, hiện nay, ở nhiều nơi đang cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp, khi thấy được những cám dỗ đối với các em từ mạng xã hội, dễ dẫn đến sao nhãng việc học, ảnh hưởng đến tâm lý... Do đó, cần nghiên cứu rất kỹ về quy định này.
Dưới góc độ của 1 giáo viên, thầy Tiến cũng cho rằng, nếu không có sự chuẩn bị, tập huấn kỹ, quy định này sẽ tạo ra áp lực với giáo viên, bởi ngoài việc đứng lớp, truyền đạt kiến thức, thầy cô còn phải theo dõi học sinh có đang sử dụng điện thoại đúng mục đích hay không.
“Nhiều khi thầy cô đang đứng trên bục giảng, học trò ở dưới lén chơi game, vào các trang mạng không lành mạnh, liệu thầy cô có thể giám sát được hết? Trong khi đó, không phải môn học nào cũng cần sử dụng điện thoại. Như môn Toán, tôi thấy chưa cần phải cho học sinh dùng điện thoại trong lớp. Đây là quy định sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nề nếp dạy và học, do đó, giáo viên cần thêm những hướng dẫn cụ thể hơn nữa. Các nhà quản lý giáo dục cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng, dân chủ là tốt, nhưng nếu trong lớp học, các em quá thoải mái, thì sẽ rất khó”, thầy Tiến cho biết.
Thầy Tôn Sỹ Dũng, giáo viên Ngữ văn trường THCS Võ Xán, Bình Định cũng cho rằng, những lo lắng của thầy cô khi áp dụng quy định này hoàn toàn có căn cứ: “Trong tiết học chỉ cần 1 vài em không tự giác, sẽ lôi kéo thêm nhiều em khác mất tập trung như vậy tiết học đã không thành công”.
Thầy Tôn Sỹ Dũng cũng cho rằng, việc sử dụng điện thoại trong giờ học để học sinh tìm kiếm thông tin, phát triển năng lực, tư tuy là điều cần thiết. Song thầy Dũng cũng đồng tình với ý kiến không phải môn học nào cũng cần sử dụng điện thoại di động. Khi áp dụng quy định này, cũng cần tính đến trường hợp học sinh lạm dụng điện thoại di động, sao nhãng việc học.
“Theo tôi, ngay từ đầu năm học, mỗi trường cần xây dựng kế hoạch những nội dung nào được sử dụng điện thoại di động, nội dung nào không cần thiết để giáo viên thực hiện và tuyên truyền với các học sinh”, thầy Dũng đề xuất.
Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, thầy Trần Mạnh Tùng, cho rằng việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là quy định mang tính tiến bộ của ngành GD-ĐT, phù hợp với sự phát triển của CNTT, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của học sinh, giáo viên và hỗ trợ đắc lực cho việc học trực tuyến.
Theo cách nói của thầy Trần Mạnh Tùng, quy định này cũng “bật đèn xanh” cho các giáo viên, nhà trường muốn sử dụng điện thoại làm phương tiện phục vụ dạy học cũng như đổi mới phương pháp dạy học. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng nhiều người đang hiểu chưa đúng về quy định này. Theo thông tư của Bộ GD-ĐT, học sinh chỉ được sử dụng điện thoại trong giờ học, khi được giáo viên cho phép, như vậy, quyền tự chủ hoàn toàn phụ thuộc vào giáo viên. Giáo viên cần chủ động và có kỹ năng tốt khi sử dụng công cụ này, cũng cần biết sử dụng điện thoại thông minh vào tiết học ra sao cho hiệu quả.
Giáo viên này cũng cho rằng, cả học sinh và giáo viên đều cần được hướng dẫn và tập huấn thành thạo. Bên cạnh đó, cũng cần có những quy tắc sử dụng điện thoại trong lớp học để tránh lúng túng khi áp dụng.
“Thông tư này có hiệu lực từ 1/11/2020, nhưng chỉ những nơi đã có đủ điều kiện mới nên áp dụng. Bản thân tôi hoàn toàn ủng hộ. Song vấn đề đặt ra là giáo viên phải làm chủ CNTT, tìm tòi những phương pháp học tập mới có sử dụng điện thoại. Tiến tới cần xây dựng được văn hóa sử dụng điện thoại, tạo thói quen tốt cho học sinh thay vì cấm như hiện nay”, thầy Trần Mạnh Tùng nên ý kiến./.